Sau thời gian tăng nóng, giá kim loại đồng đã có dấu hiệu hạ nhiệt. FED đã hạ lãi suất lần 2 đến 0,5%. Nhóm xây lắp, đặc biệt là cơ điện đang bên thềm được mở rộng biên lợi nhuận.
Đến cuối quý 3/2024, giá của nhiều kim loại (trừ thép) và hàng loạt nguyên vật liệu vẫn còn neo ở mức cao, như giá đồng, neo ở mức 4,5 USD/Lbs cao hơn 13% so với đầu năm. Chủ yếu do nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế thế giới, đặc biệt từ phía Trung Quốc sẽ bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, hoạt động sản xuất sẽ sôi động hơn. Điều này đã gây sức ép lớn lên nhóm xây lắp, đặc biệt là nhóm xây lắp cơ điện công trình.
Bên cạnh đó, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng gần 5%, khiến cho các doanh nghiệp trong ngành xây lắp nếu có hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu, đặc biệt là kim loại màu cũng chật vật hơn.
Thực tế, Khảo sát xu hướng sản xuất kinh doanh hồi quý III/2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá nguyên vật liệu tăng cao là một trong những yếu tố ảnh hưởng sâu và rộng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây lắp. Khiến cho biên lợi nhuận của nhóm này bị bóp chặt.
Tuy nhiên, các báo cáo gần đây từ phía Trung Quốc cho thấy lợi nhuận của doanh nghiệp nước này vẫn đang tăng trưởng âm. Những gói kích cầu của chính phủ dường như cũng chưa thể cải thiện cục diện tình hình.
Giá của kim loại đồng, sau khi tăng lên nhờ tín hiệu từ những gói kích cầu đã quay đầu giảm trở lại để điều chỉnh sự kỳ vọng của thị trường cho phù hợp. Từ đỉnh hồi cuối tháng 9 đến nay giá đồng đã giảm còn 4,13 USD/Lbs giảm gần 9% và so với đỉnh tháng 5 giảm gần 18%. Điều này sẽ tạo ra dư địa mở rộng biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp xây lắp, đặt biệt là nhóm cơ điện.
Sau khi FED quyết định cắt giảm lãi suất 0.25% hồi đầu tháng này, tỷ giá đã có dấu hiệu quay đầu hạ nhiệt. Tuy nhiên, việc tổng thống Trump đắc cử đã tạo tâm lý kích thích giới đầu cơ mua vào khiến cho giá USD bật tăng lại, nhưng đây chỉ là các diễn biến ngắn hạn và mang tính tâm lý cá nhân của một số nhà đầu tư. Về dài hạn, tầm nhìn của FED trong năm 2025 vẫn là tiếp tục hạ lãi suất.
Bên cạnh điều kiện cần là các chất xúc tác từ thị trường, các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực tiết giảm chi phí đầu vào, để có kết quả kinh doanh tốt nhất. Như tại SRF, mảng xây lắp vốn chiếm gần 70% tổng doanh thu cho thấy sự cải thiện biên lợi nhuận gộp vượt bậc (chỉ tiêu cho thấy hiệu quả kiểm soát chi phí đầu vào cũng như khả năng sinh lãi từ các hàng hóa kinh doanh). Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2024, chỉ tiêu này ở mức 7,15%, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, SRF cũng liên tục đẩy mạnh phát triển thêm các mảng khác có biên lợi nhuận cao hơn như cho thuê bất động sản khu công nghiệp.
Qua đó, biên lợi nhuận tổng thể của SRF trong 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận đạt 8.5%, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm trước, dù biên lợi nhuận ngành còn đang bị bó chặt.
Nhìn chung, trong trung và dài hạn, giá đầu vào hàng hóa sẽ dần được ổn định lại, chủ yếu do sự điều chỉnh kỳ vọng hợp lý hơn của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá USD/VND cũng sẽ được hạ nhiệt bởi lộ trình dài hạn của FED trong 2025 là giảm dần lãi suất. Những doanh nghiệp xây lắp cơ điện đã có chiến lược và sự chuẩn bị bài bản như SRF có thể sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng.