Phó cục trưởng Cục Quản lý giá phát biểu: "Trước kiến nghị giảm thuế suất của các hãng hàng không, đặc biệt thuế nhập khẩu nguyên liệu, chúng ta cũng biết rằng khi xem xét giảm thuế một mặt hàng nào đấy đều phải mổ xẻ những nội dung chi phí cấu thành trong giá đó, vé máy bay cũng vậy”.
Sáng ngày 17/5, tại hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" được tổ chức bởi Báo Thanh Niên, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã thông tin chi tiết về những loại thuế, phí liên quan đến vé máy bay.
Bà Nhung cho biết, thuế, phí tính trên vé máy bay có nhiều khoản nhưng đều được quy định rõ ràng, minh bạch.
Thứ nhất, đầu vào của giá vé có nhiên liệu với 2 khoản thu, đó là thuế bảo vệ môi trường đang thực hiện theo Nghị quyết 42/2023 của Quốc hội thực hiện thống nhất từ 1/1/2024 - 31/12/2024, với mức giá sàn 1.000 đồng/lít (trước đây 3.000 đồng/lít). Thứ 2 là thuế nhập khẩu nhiên liệu bay, thuế suất 0-7% tùy vào nguồn nhập khẩu, nếu là các nước ASEAN là 0%, còn nhập khẩu từ Trung Quốc 5%, các thị trường khác 7%.
Khoản thứ ba trong giá vé máy bay mà người tiêu dùng phải trả là thuế giá trị gia tăng. Trước đây, thuế GTGT là 10%, nay chính sách chung của Nhà nước giảm thuế cho dịch vụ, trong đó dịch vụ hàng không cũng được giảm 2%, còn 8%.
Quang cảnh hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" (Ảnh: Báo Thanh niên) |
Khoản thứ tư cấu thành là phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không. Bà Nhung cho biết, theo quy định là 165.000 đồng/lượt/chuyến bay đối với dịch vụ đảm bảo hoạt động bay; 335.000 đồng/lượt dịch vụ kinh doanh cảng hàng không đối với mỗi chuyến bay, mỗi lần hạ cất cánh.
"Trước kiến nghị giảm thuế suất của các hãng hàng không, đặc biệt thuế nhập khẩu nguyên liệu, chúng ta cũng biết rằng khi xem xét giảm thuế một mặt hàng nào đấy đều phải mổ xẻ những nội dung chi phí cấu thành trong giá đó, vé máy bay cũng vậy”, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá phát biểu.
Bà cho biết, Cục Quản lý giá ghi nhận những kiến nghị của các hãng hàng không, các công ty du lịch… về thuế, phí, lệ phí. Các vấn đề này thuộc quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.
Phía cơ quan quản lý ghi nhận, tổng hợp và báo cáo với Bộ trưởng Bộ Tài chính để rà soát tất cả các loại phí, lệ phí, cũng như các kiến nghị của các đơn vị để làm thế nào chúng ta có thể góp phần hạ nhiệt giá vé máy bay.
“Nhưng quan trọng hơn nữa là chúng ta đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, với doanh nghiệp cũng như Nhà nước trong tổng thể nền kinh tế", bà Lê Thị Tuyết Nhung nói.
Bà Lê Thị Tuyết Nhung khẳng định, Cục Quản lý giá cam kết phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng không, cơ quan chủ trì quản lý Nhà nước về quản lý giá đối với ngành hàng không để làm thế nào quản lý giá vé máy bay minh bạch, công khai, để người tiêu dùng hiểu và chấp nhận.
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/gia-ve-may-bay-cong-bao-nhieu-dong-thue-phi-235200.html