Giải pháp lưu trữ năng lượng mặt trời

Theo các chuyên gia, công nghệ pin lưu trữ năng lượng sẽ là giải pháp tối ưu để lưu trữ năng lượng mặt trời dư thừa. Nhưng trong ngắn hạn, khi chi phí để đầu tư pin tích năng vẫn còn là rào cản thì Bộ Công Thương có thể cho phép người dân, doanh nghiệp bán nguồn điện mặt trời vào lưới điện quốc gia để tránh lãng phí.

Giải pháp lưu trữ năng lượng mặt trời trong ngắn hạn và dài hạn. Ảnh: EVN

Hiệu quả của công nghệ pin lưu trữ năng lượng

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), từ nay đến năm 2030, ước tính sản lượng pin cần tăng 6 lần so với hiện tại để có thể đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng các mục tiêu về môi trường vào năm 2030.

Theo đó, cơ quan này đánh giá công nghệ pin tích năng sẽ là giải pháp giúp lưu trữ điện năng dư thừa, đảm bảo tiết kiệm và nâng cao hiệu quả cho các dự án điện năng lượng tái tạo, đồng thời là công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho công tác điều độ và ổn định hệ thống điện quốc gia.

Cho đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng các chính sách hỗ trợ sản xuất pin lưu trữ năng lượng, trong đó phải kể đến Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và một số nước thuộc Liên minh châu Âu.

Theo IEA, điện và giao thông vận tải là hai lĩnh vực chính, có ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề phát thải và mục tiêu trung hòa các-bon. Việc ứng dụng pin lưu trữ năng lượng trong lĩnh vực này có thể là giải pháp khả thi và hữu ích cho các nước hoàn thành mục tiêu phát triển năng lượng và bảo vệ môi trường.

Giá lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho khu vực phía Bắc. Bảng thống kê: TS Nguyễn Huy Hoạch

Tại Việt Nam, mới đây VinFast và ON Energy (Tập đoàn KTG) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, qua đó cung cấp và triển khai giải pháp tích hợp pin lưu trữ năng lượng của VinFast dưới thương hiệu VinFast Energy cho các hệ thống điện mặt trời mái nhà dành cho khu công nghiệp, văn phòng doanh nghiệp và nhà ở dân dụng trên toàn quốc. Giải pháp tích hợp đồng bộ này sẽ giúp tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà, tránh lãng phí điện năng dư thừa vào ban ngày và đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định vào ban đêm hoặc khi bị mất điện.

Theo các chuyên gia, giải pháp này được đánh giá cao về chất lượng, độ ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn công nghiệp cao và có chi phí hợp lý. Hợp tác giữa VinFast và ON Energy là hoạt động thiết thực nhằm góp phần hiện thực hóa một trong những mục tiêu quan trọng của Quy hoạch Điện VIII, đó là đến năm 2030, 50% tòa nhà văn phòng và 50% nhà dân sẽ sử dụng điện mặt trời mái nhà để tự sản xuất và tự tiêu thụ điện năng.

Tại tọa đàm “Phát triển điện mặt trời mái nhà: Quy chế nào phù hợp?” vừa qua, ông Phạm Đặng An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vũ Phong chia sẻ, việc phát triển các giải pháp lưu trữ điện mặt trời mái nhà sẽ trở nên cần thiết hơn từ việc phát triển giao thông xanh, chứ không chỉ đơn thuần là từ việc cung cấp điện cho các khu công nghiệp.

Theo ông An, hệ thống điện mặt trời mái nhà, kết hợp với các giải pháp lưu trữ, và việc sử dụng nguồn điện lưu trữ đó cho giao thông xanh sẽ là một giải pháp hữu ích và hiệu quả. Với sự phát triển nhanh chóng của ngành xe điện, nền công nghiệp của Việt Nam sẽ sớm đạt được mức độ kỹ thuật và giá cả lưu trữ phù hợp hơn.

Bán điện mặt trời dư thừa vào lưới điện quốc gia?

Tuy nhiên, các chuyên gia về năng lượng cho rằng, việc đầu tư giải pháp công nghệ lưu trữ vẫn còn đắt đỏ và khó phổ biến do đòi hỏi một số lượng lớn vốn và nghiên cứu phát triển công nghệ.

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Huy Hoạch - Chuyên gia năng lượng, đề xuất giải pháp để tận dụng nguồn điện mặt trời trong thời gian chờ công nghệ pin lưu trữ phát triển.

Ông kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu và cho phép phần điện mặt trời mái nhà dư thừa phát lên lưới được hưởng theo cơ chế bù trừ (net-metering), trừ khoảng thời gian 2 giờ của vùng thấp điểm buổi trưa (có thể là từ 12h - 14h) không được hưởng cơ chế này - nghĩa là bán với giá 0 đồng. Thời gian chính xác căn cứ thống kê biểu đồ thấp điểm trưa của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.

Cơ chế bù trừ cần được tính toán đảm bảo hiệu quả cho EVN (không bị lỗ) và mức giá cao, hay thấp, 0 đồng, hay thậm chí là âm sẽ tuỳ thuộc vào từng thời điểm để điều tiết được lượng công suất lắp đặt đấu nối hòa vào hệ thống điện.

Việc hưởng cơ chế bù trừ cũng cần phân theo vùng, miền để khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Ưu tiên khu vực miền Bắc được hưởng giá bán điện cao hơn, vì cường độ bức xạ mặt trời trung bình khu vực này thấp hơn miền Trung và miền Nam, nhưng nhu cầu sử dụng điện lại cao hơn các khu vực còn lại.

Việc công bố giá mua điện mặt trời mái nhà sẽ được EVN công bố hàng tháng, hàng quý, hoặc 6 tháng một lần, hay hàng năm (tùy theo nhu cầu thực tế) để người dân biết được, từ đó người dân, hay doanh nghiệp sẽ cân nhắc có nên đầu tư vào nguồn điện này hay không.

Theo thời gian, khi công nghệ sản xuất pin lưu trữ ngày càng phát triển, giảm giá thành đầu tư hệ thống pin lưu trữ, nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà sẽ lựa chọn tiếp tục bán điện cho EVN với giá rẻ, hay giá 0 đồng, hoặc thậm chí là giá âm, hoặc lựa chọn đầu tư vào pin lưu trữ đều do thị trường quyết định, thay vì cấm nối lưới, hay nối lưới, nhưng bán với giá 0 đồng.

Link gốc

https://laodong.vn/kinh-doanh/giai-phap-luu-tru-nang-luong-mat-troi-1340874.ldo