Giải pháp xanh hóa cho logistics

Ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm.

Các diễn giả trao đổi tại Toạ đàm. Ảnh: Uyên Hương/ BNEWS/ TTXVN

Nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ hoạt động kinh tế - xã hội lên môi trường, Phát triển bền vững chính là chiến lược phát triển mà Việt Nam đang đề ra và thực hiện trong thế kỷ 21; trong đó, “Logistics xanh” là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng mà doanh nghiệp logistics là chủ thể quan trọng nhất để hoàn thành tốt chiến lược này.

Thông tin này được các diễn giả đưa ra tại Toạ đàm giới thiệu Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024) dự kiến diễn ra từ ngày 1 - 3/8/2024 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC) - 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7, Tp. Hồ Chí Minh, hứa hẹn sẽ thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp logistics và các bên liên quan từ khắp nơi trên thế giới dưới chủ đề "Logistics xanh - Nền tảng phát triển bền vững".

Sự kiện phối hợp tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Công ty Vinexad với sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Số lượng doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên.

Theo đánh giá của Agility năm 2023, Việt Nam nằm ở top 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu ( Bộ Công Thương). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tuy vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể…

Theo ông Trần Thanh Hải, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. Cụ thể, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp. Cùng với đó, các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện đáng kể.

Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 681 tỷ USD, bằng 158% GDP cả nước. Theo dự báo mới nhất của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%.

Đặc biệt, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và logistics cho thương mại điện tử. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Với kết quả đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến thời điểm hiện tại - theo Statista).

Những biến đổi về địa chính trị, xã hội, kinh tế, thương mại và công nghệ là những yếu tố thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện phương thức cung cấp dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Đặc biệt, năm 2023, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, lần đầu tiên, Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam (tên viết tắt VILOG) đã được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh.

Mặc dù được tổ chức lần đầu, VILOG 2023 đã đạt nhiều kết quả ấn tượng với sự tham gia của 256 doanh nghiệp (354 gian hàng) đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút hơn 25.000 lượt khách tham quan và đạt khối lượng giao dịch thương mại cao trong 3 ngày triển lãm. Kết quả này cho thấy sức hút và sự sôi động của ngành, là một dấu ấn đáng ghi nhận trong tiến trình hội nhập quốc tế của ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

Tiếp nối thành công, VILOG 2024 ngoài hoạt động trưng bày gian hàng, giới thiệu sản phẩm sẽ diễn ra các Hội thảo chuyên đề về các vấn đề nóng, xu hướng mới trong lĩnh vực logistics với sự tham gia của các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đầu ngành.

Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ hàng và các bên liên quan khác giao lưu, hợp tác, tư vấn và lựa chọn giải pháp nhằm tối ưu hoá quy trình logistics của doanh nghiệp.

Tương tự ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực VLA nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay nếu không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải” ra khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu.

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Trong bối cảnh ấy, VILOG 2024 đóng vai trò như một nền tảng nơi doanh nghiệp logistics trình diễn các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và chiến lược tiên tiến nhằm ưu tiên khía cạnh bền vững, thúc đẩy chuyển đổi xanh trong toàn ngành.

Từ việc tích hợp năng lượng tái tạo và các hệ thống vận tải hiệu quả đến các sáng kiến giảm phát thải và quản lý chuỗi cung ứng nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, triển lãm sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện về các tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực logistics xanh.

Đáng lưu ý, VILOG 2024 hứa hẹn sẽ còn ấn tượng hơn nữa với quy mô dự kiến 480 gian hàng từ 350 doanh nghiệp và diện tích trưng bày lên đến 9.000 m2. Tham gia Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2024, các doanh nghiệp sẽ giới thiệu các giải pháp “xanh hoá” logistics qua năm lĩnh vực chính gồm vận tải & chuyển phát; công nghệ nhà kho thông minh; chuỗi lạnh; công nghệ thông tin; hàng không.

Đại diện Công ty Vinexad khẳng định, đến thời điểm hiện tại, VILOG 2024 vinh dự công bố nhà tài trợ chính, SeaRates by DP World (UAE) và bốn nhà đồng tài trợ JGL Worldwide (Singapore), ITL (Việt Nam), Cảng Quốc tế Long An (Việt Nam) và Tập đoàn DHL (DHL Supply Chain Việt Nam và DHL Global Forwarding Việt Nam).

Đây là những công ty logistics hàng đầu trên thế giới và Việt Nam với bề dày thành tích và sự chuyên nghiệp. Chuyên môn và nguồn lực của các nhà tài trợ sẽ làm tăng thêm trải nghiệm cho tất cả các đơn vị tham dự VILOG 2024.

Trong khuôn khổ triển lãm còn có chuỗi sự kiện chuyên ngành như Hội thảo "Hải quan Việt Nam chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển logistics và thuận lợi hóa thương mại"; Hội thảo về “Logistics hàng không bền vững”; Hội thảo "Đào tạo kỹ năng xanh cho nhân lực ngành logistics - gắn kết với ESG"…

Đặc biệt, Triển lãm VILOG 2024 sẽ được tổ chức đồng thời với Triển lãm quốc tế Chuyên ngành Y Dược lần thứ 22 (Vietnam Medipharm Expo) tại Tp. Hồ Chí Minh. Sự kết hợp này mang lại cơ hội đặc biệt cho doanh nghiệp tham gia 2 sự kiện. Các công ty logistics có cơ hội tương tác với các khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực y tế và dược phẩm, thiết lập mạng lưới đối tác với các cơ sở y tế, bệnh viện và các công ty dược phẩm đang tìm kiếm giải pháp logistics đáng tin cậy.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Link gốc

https://bnews.vn/giai-phap-xanh-hoa-cho-logistics/333077.html