Giám đốc IMF cảnh báo một thứ “mạnh như sóng thần” có thể tấn công hàng triệu người trên thế giới

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây lên tiếng cảnh báo về một thứ có thể tác động mạnh tới hàng triệu người lao động trên toàn thế giới.

Đó là trí tuệ nhân tạo (AI) . Theo Reuters , tại một sự kiện do Viện Nghiên cứu Quốc tế Thụy Sĩ liên kết với ĐH Zurich tổ chức vào đầu tuần này ở Zurich (Thụy Sĩ), Giám đốc IMF Kristalina Georgieva phát biểu: " AI có khả năng tác động đến 60% việc là tại những nền kinh tế tiên tiến và 40% việc làm trên phạm vi toàn thế giới trong 2 năm tới ".

Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo rằng AI giống như "một cơn sóng thần" tấn công vào thị trường lao động toàn cầu.

Giám đốc IMF cảnh báo một thứ “mạnh như sóng thần” có thể tấn công hàng triệu người trên thế giới- Ảnh 1.

Giám đốc IMF cảnh báo AI giống như "một cơn sóng thần" tấn công thị trường lao động toàn cầu. Ảnh: Hiru News

Bà Kristalina Georgieva nhấn mạnh rằng, cả người lao động và các doanh nghiệp dường như đang có rất ít thời gian để chuẩn bị trước làn sóng AI. Trên thực tế, AI có thể mang lại sự gia tăng năng suất đáng kể nếu như chúng ta quản lý tốt. Ngược lại, nó cũng có thể dẫn đến nhiều thông tin sai lệch hơn và tất nhiên là gây ra nhiều bất bình đẳng hơn trong xã hội. Điều này cũng khiến khoảng cách về nhu nhập ngày càng nới rộng.

Hơn nữa, người đứng đầu IMF nhấn mạnh rằng, nền kinh tế thế giới dễ bị sốc hơn trong những năm gần đây và điều này khiến tác động của công nghệ AI ngày càng lớn. Dù dự đoán sẽ có nhiều cú sốc hơn, đặc biệt là do khủng hoảng khí hậu, nhưng nền kinh tế vẫn được cho là có khả năng phục hồi đáng kể.

Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng các cơ quan quản lý trên phạm vi toàn cầu nên tiến hành tính toán một cách cẩn thận về những giải pháp để tận dụng được tối đa lợi ích của AI.

Cuộc chạy đua AI trên toàn cầu

Giám đốc IMF cảnh báo một thứ “mạnh như sóng thần” có thể tấn công hàng triệu người trên thế giới- Ảnh 2.

Bà Mira Murati, Giám đốc Công nghệ của OpenAI, phát biểu tại sự kiện ra mắt GPT-4o (ngày 13/5). Ảnh: OpenAI

Hiện nay, hàng loạt các công ty công nghệ lớn trên thế giới đang chạy đua AI bằng những mô hình ngôn ngữ lớn cùng với tốc độ nâng cấp diễn ra nhanh. Gần đây nhất, OpenAI đã cho ra mắt GPT-4o với khả năng nhìn, nghe, nói với thời gian phản hồi gần như ngay lập tức. OpenAI cho biết sẽ triển khai miễn phí AI này trong vài tuần tới.

Trước đó, vào tháng 4/2023, một nghiên cứu của ngân hàng Goldman Sachs được lưu hành rộng rãi đã chỉ rõ, các siêu AI giống như ChatGPT có thể tạ sản phẩm hàng loạt với sản lượng lớn và chất lượng giống như con người. Điều này sẽ giúp nâng được GDP toàn cầu hàng năm lên 7% trong vòng 10 năm, bằng cách thực hiện tự động hóa khoảng ¼ loại công việc hiện co. Thế nhưng, AI dự kiến cũng sẽ lấy đi 300 triệu việc làm (chỉ tính riêng ở Mỹ và châu Âu) trong vòng 10 năm tới.

Theo đó, trong thời gian tới, những người lao động sẽ thấy toàn bộ công việc của mình được thay thế bằng cách tự động hóa và cũng có những việc chỉ được thay thế một số nhiệm vụ nhất định bằng AI.

Thực tế có một số công ty đang cố gắng lên kế hoạch cho những thay đổi mà họ cho là không thể tránh khỏi đối với việc sử dụng lao động. Cụ thể, IBM, tập đoàn về công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở ở Armonk, New York (Mỹ) đã ngừng tuyển dụng khoảng 7.800 vị trí mà IBM cho rằng có thể thay đổi nhờ AI. Ông Arvind Krishna, giám đốc điều hành của IBM cho biết, tập đoàn vẫn có kế hoạch để thuê thêm người. Tuy nhiên, họ sẽ chỉ thuê người với một số bộ phận nhất định.

OpenAI ước tính có khoảng 80% lực lượng lao động Mỹ phải chứng kiến ít nhất 10% nhiệm vụ của họ được thực hiện nhờ phần mềm tích hợp LLM và tỷ lệ này sẽ tăng lên khi những mô hình AI ngày càng hoàn thiện.

Cuối năm 2023, Công ty tư vấn công nghệ Assess Partnership cho biết về những nghề nghiệp trước mắt chịu ảnh hưởng bởi sự trỗi dậy của AI. Đó là lập trình viên, thiết kế đồ họa, chuyên viên phân tích tài chính và người cung cấp dịch vụ khách hàng. Ngược lại, những nghề mang tính chất lao động phổ thông như là vườn, thợ nề, thợ sửa chữa và các lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thì sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.

Bài tham khảo nguồn: Reuters, CNA, Fortune


Theo Minh Hằng

Đời Sống Pháp Luật

https://cafef.vn/giam-doc-imf-canh-bao-mot-thu-manh-nhu-song-than-co-the-tan-cong-hang-trieu-nguoi-tren-the-gioi-188240517070842564.chn