"Đến hẹn lại lên", cử tri Nhà Bè, quận 7 lại hỏi xử lý rác tại bãi rác Đa Phước. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết TP quyết tâm chuyển toàn bộ rác Đa Phước sang mô hình đốt phát điện sau 2025.
TP.HCM quyết tâm đốt phát điện toàn bộ rác Đa Phước sau 2025 - Ảnh: Q.K
Chiều 6-5, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Dương Văn Thăng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM Nguyễn Trần Phượng Trân đã tiếp xúc cử tri quận 4, 7, huyện Nhà Bè trước kỳ họp Quốc hội thứ 7.
Đến 2025, 80% rác sẽ đốt phát điện
Tại hội nghị, cử tri các địa phương lại tiếp tục hỏi tiến độ dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, việc xử lý bãi rác Đa Phước. Ngoài ra, cử tri cũng quan tâm tiến độ nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ...
Trước kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng trả lời vấn đề xử lý rác tại bãi Đa Phước.
Ông Thắng cho biết bãi rác này đưa vào hoạt động năm 2006 đến nay đã vượt công suất, phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại quận 7 và huyện Nhà Bè.
Giải pháp của TP là chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp sang đốt phát điện, không chỉ ở bãi rác Đa Phước mà ở những bãi rác khác. Tuy nhiên ông Thắng cho rằng việc này đòi hỏi cần thời gian vì mỗi ngày TP.HCM thải ra 10.000 tấn rác, phải có nơi để xử lý.
"Tuy nhiên TP.HCM quyết tâm đến năm 2025, 80% rác sẽ chuyển toàn bộ sang công nghệ đốt phát điện. Sau 2025 đốt phát điện toàn diện, trong đó chuyển toàn bộ bãi rác Đa Phước sang công nghệ đốt rác phát điện", ông Thắng nói.
Vướng quy định, dự án chống ngập chưa có chuyển biến
Về dự án chống ngập, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận thông tin tiến độ về dự án này so với lần tiếp xúc cử tri gần nhất (năm 2023) chưa có tiến triển hơn. Theo ông Mãi, không phải thành phố không quyết tâm nhưng hiện vướng nhiều quy định pháp luật khiến dự án kéo dài.
Dự án này đã hoàn thành 90% khối lượng, chỉ còn 10% nhưng phía nhà đầu tư không còn đủ tiền để làm. Không còn các biện pháp vay tiền, nhà thầu kiến nghị TP.HCM thanh toán khối lượng đã làm để có tiền làm khối lượng còn lại.
TP.HCM cũng đã thống nhất phương án này nhưng với quy định pháp luật thì dự án BT phải hoàn thành mới thanh toán bằng đất, sau đó thanh toán bằng tiền.
"Những quy định này khiến đến giờ thành phố vẫn chưa thanh toán được cho nhà thầu. Mặc dù năm 2023 thành phố đã bố trí 5.700 tỉ để thanh toán cho dự án này. Năm nay TP bố trí 6.800 tỉ nhưng vẫn chưa giải ngân được đồng nào. Chưa thanh toán cho nhà thầu, nhà thầu không có tiền để làm tiếp", ông Mãi nói.
TP.HCM cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế cho nhà thầu vay tiền từ ngân sách TP để hoàn thành dự án. Nếu có cơ chế này, nhà đầu tư cam kết sau 2 tháng sẽ khởi động lại và 6 tháng sẽ hoàn thành thi công dự án. Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo quyết liệt về dự án này.
Có tiêu cực trong công tác đấu thầu của Công ty Thuận An hay không?
Về dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết dự án này có sự tham gia của Công ty Thuận An liên danh với hai công ty khác.
Công ty này nhận khối lượng 105 tỉ đồng và đã hoàn thành 55 tỉ. Công ty Thuận An cam kết đảm bảo tiến độ thi công. Dự kiến đến tháng 7, dự án sẽ hoàn thành hướng từ quận 7 đi huyện Bình Chánh và cuối năm sẽ hoàn thành.
Ngoài dự án này, Công ty Thuận An còn tham gia ở dự án vành đai 3, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ngay sau vụ việc Công ty Thuận An xảy ra, TP.HCM đã chỉ đạo làm việc ngay với đơn vị này, xem xét các điều kiện thực hiện các dự án và có giám sát thường xuyên.
Khi có bất kỳ yếu tố nào ảnh hưởng tiến độ thì có biện pháp thay thế. Không chỉ Thuận An, TP.HCM cũng chỉ đạo rà soát lại các nhà thầu khác.
Cử tri cũng đặt vấn đề có tiêu cực trong công tác đấu thầu của công ty này không? Chủ tịch UBND TP cho biết qua rà soát bước đầu, các công việc vẫn thực hiện theo quy định nhưng vẫn tiếp tục làm rõ, có sai đến đâu thì xử lý đến đó.
THẢO LÊ