Gmd - chờ đợi gì trong 2025

, , , , ,

GMD - CHỜ ĐỢI GÌ TRONG 2025

Xin chào Quý ACE Nhà Đầu Tư.

Trong bối cảnh Căng thẳng thương mại gia tăng khiến hoạt động kinh doanh cốt lõi đối mặt nhiều thách thức, những bất ổn xung quanh tình hình thuế quan của Mỹ, hoạt động thương mại trên thế giới dự kiến sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2025.
![Ảnh chụp màn hình 2025-03-18 084745|690x234]

Liệu rằng GMD sẽ làm gì để bước qua giai đoạn khó khăn này ?
Hãy cùng phân tích cổ phiếu GMD trong bài viết ngày hôm nay nhé.

Căng thẳng thương mại gia tăng khiến hoạt động kinh doanh cốt lõi đối mặt nhiều thách thức

  • Đứng trước những bất ổn xung quanh tình hình thuế quan của Mỹ, hoạt động thương mại trên thế giới dự kiến sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2025. Ngoài ra với việc nhu cầu tiêu dung tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và khu vực EU vẫn phục hồi chậm và ở mức thấp => khả năng tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu sẽ chậm lại và tăng 9-10% svck trong 2025.
    Các cảng của GMD đã vượt công suất và áp lực cạnh tranh gia tăng
  • Đối với khu vực Hải Phòng, cảng Nam Đình Vũ hiện đã vượt công suất và sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gia tăng khi nguồn cung từ các bến cảng mới tại cụm cảng Lạch Huyện đi vào hoạt động. Tương tự, tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, cảng Gemalink đã vượt công suất trong 2024 do đó tăng trưởng sản lượng tại khu vực này sẽ tăng trưởng chậm lại svck. Tuy nhiên khi các dự án mở rộng bến cảng mới hoàn thành sẽ giúp gia tăng vị thế cạnh tranh của GMD.
    Về dài hạn, triển vọng tăng trưởng của GMD sẽ phụ thuộc vào các dự án đầu tư mới với thời điểm khai thác bắt đầu vào Q4/25 và Q4/26.

    Tổng quan doanh nghiệp và KQKD 2024
  • GMD là công ty niêm yết duy nhất sở hữu và khai thác hệ thống cảng trải dài từ Bắc vào Nam, cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng trong các lĩnh vực cảng, logistic, lâm nghiệp và bất động sản.
  • Hiện tại GMD là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về khai thác Cảng biển và logistic tại Việt Nam với sản lượng hàng hóa thông qua các cảng của doanh nghiệp đạt hơn 4.4 triêu TEUs trong năm 2024. Theo kết quả kinh doanh năm 2024 của GMD, doanh thu của hoạt động khai thác cảng và hoạt động logistic chiếm lần lượt 86.9% và 13.1% doanh thu thuần, với tốc độ tăng trưởng kép CAGR của doanh thu khai thác cảng đạt 9.1% trong giai đoạn từ 2018-2024. GMD hiện sở hữu 6 cảng biển và 6 trung tâm logistic, đặc biệt là cảng nước sâu GEMALINK có thể đón được tàu thế hệ Megaship lớn nhất hiện nay, với tổng công suất thiết kế lên tới 3 triệu TEUs.
  • So sánh kết quả kinh doanh Q4/2024 và cả năm 2024

    Hoạt động kinh doanh cốt lõi gặp nhiều áp lực từ cạnh tranh gia tăng trong ngắn hạn, tuy nhiên động lực tăng trưởng trung – dài hạn vẫn được duy trì nhờ mở rộng công suất ở các cảng lớn
    Căng thẳng thương mại leo thang khiến hoạt động thương mại chậm lại
  • Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/2/2025, trong tháng 1, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 63.15 tỷ USD, giảm 10.5% so với tháng trước và giảm 3.5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4.3%, nhập khẩu giảm 2.6%. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm một phần do mức nền cao của năm ngoái (Kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2024 đạt 33.57 tỷ USD), một phần do trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên hải quan và các doanh nghiệp nghỉ khiến khối lượng hàng xuất khẩu giảm. Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9.8 tỷ USD (giảm 2.1% svck), xuất khẩu sang EU giảm 12.6% svck, đạt 4 tỷ USD trong khi đó kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 5.8 tỷ USD (tăng 25.2% svck).
  • Năm 2025, theo đánh giá thì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ những căng thẳng thương mại tại các nước lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc khi các chính sách thuế mới của Mỹ được áp dụng. Vừa qua tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức áp thuế 25% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Canada và Mexico, trong đó ông cũng sử dụng mức thuế 20% với sản phẩm từ Trung Quốc (so với mức 10% được áp dụng trước đó) Ngoài ra, ông Trump cũng cho biết chính quyền của ông sẽ sớm công bố mức thuế 25% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Liên Minh Châu Âu (EU). Theo đánh giá thì hoạt động thương mại toàn cầu sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2025, do:
  1. Xu hướng tích trữ hàng tồn kho chuẩn bị cho chính sách thuế mới của Mỹ khiến một số đơn hàng trong năm 2025 được đẩy sớm lên khiến thị trường cần một khoảng thời gian để tiêu thụ số lượng hàng hóa trên, khi mức tăng trưởng nhu cầu tiêu dung tại nước này vẫn chậm.
  2. Với việc Mỹ áp dụng thuế lên thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, là Trung Quốc, sẽ khiến áp lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tăng lên trong ngắn hạn.

    Dự báo xuất khẩu sẽ tăng trưởng 9 - 10% trong năm 2025 - thấp hơn mức 14.3% của 2024 do:
  • Hoạt động Xuất khẩu đã hồi phục đáng kể trong năm ngoái tạo nên mức nền cao.
  • Xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như: nhu cầu về linh kiện điện tử yếu trong ngắn hạn, trong khi các thị trường lớn như Mỹ đang tăng cường rào cản thuế quan và áp dụng các biện pháp bảo hộ mới với các chính sách khó đoán định có thể làm gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu.
  • Việt Nam vẫn có khả năng bị Mỹ áp thuế khi là nước có thặng dư thương mại lớn thứ 3 với Mỹ với mức thặng dư đạt 123.5 tỷ vào năm 2024.
    Động lực tăng trưởng ở khu vực Hải Phòng đến từ Nam Đình Vũ GĐ3
  • Trong các năm gần đây, tuy nhu cầu khai thác container tại khu vực Hải Phòng liên tục tăng trưởng nhưng chủ yếu tập trung tại cảng nước sâu Lạch Huyện.
  • Trong 2024, cảng Nam Đình Vũ, ước tính đạt 140,000 TEUs mỗi tháng trong quý cuối năm 2024, sản lượng hàng thông qua cảng Nam Đình Vũ đã đạt 1,300,000 TEUs trong năm 2024, tăng mạnh 86.9% svck và vượt 8.3% so với công suất thiết kế chỉ sau một năm đi vào khai thác
  • Ngoài ra vào đầu năm 2025, việc thay đổi liên mình các hãng tàu sẽ tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu và việc phân bổ lại công suất của các hãng tàu, qua đó các hãng tàu sẽ phải định vị lại các cảng trung chuyển để phù hợp với liên mình mới. Đặc biệt hãng tàu lớn nhất thế giới - MSC sẽ chuyển hàng của mình từ cảng Nam Đình Vũ sang bến 3,4 cảng Lạch Huyện, được vận hành bởi liên doanh giữa CTCP Cảng Hải Phòng – PHP và Terminal Investment Limited – một công ty con của MSC. Theo ước tính, sản lượng hàng hóa của MSC chiếm khoảng 17% số lượng hàng hóa thông qua cảng Nam Đình Vũ.
    Công suất các cảng tại Hải Phòng và Sản lượng hàng container tại khu vực Hải Phòng giai đoạn 2018-2024

    Về trung và dài hạn sẽ không ảnh hưởng quá nhiều lên hoạt động kinh doanh của GMD tại khu vực này, do:
  • Hai cảng Lạch Huyện và Nam Đình Vũ phục vụ các tệp khách hàng khác nhau, khi cảng Lạch Huyện hướng tới phục vụ các tàu mẹ với trọng tải lớn (tối đa 100,000 DWT) và đi các tuyến đường dài thì cảng Nam Đình Vũ của GMD lại tập trung vào các tàu có trọng tải ở mức thấp hơn (tối đa 48,000 DWT) và đi các tuyến nội Á.
  • Cảng Nam Đình Vũ hiện sở hữu nhiều lợi thế về vị trí địa lý như việc cảng Nam Đình Vũ nằm ở cửa ngõ ra biển Đông và gần với kho chứa hàng, kết hợp với sở hữu chiều dài cầu cảng lớn nhất trong khu vực (có thể tiếp nhận tới 4 tàu feeder cùng một lúc. Đặc biệt, dự án nâng cấp luồng kênh Hà Nam hoàn thành giúp doanh nghiệp có thể tiếp nhận những tàu có trọng tải lớn (tối đa 48,000 DWT) cũng như giảm bớt thời gian và chi phí vận chuyển, qua đó giúp tăng cường lợi thế cạnh tranh của cảng Nam Đình Vũ so với các cảng khác trong khu vực.
  • Trong thời gian gần đây, doanh nghiệp vừa chào đón tuyến dịch vụ mới CKV2 với tàu SITC MACAO từ hãng tàu SITC vào ngày 10/1 vừa qua, đánh dấu nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thay thế sản lượng hàng hóa từ hãng tàu MSC khi hãng này dịch chuyển sang bến 3,4 cảng Lạch Huyện. Do đó, kỳ vọng trong dài hạn, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Nam Đình Vũ vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
  • Để gia tăng lợi thế cạnh tranh tại khu vực sông Cấm, GMD đang tập trung thi công dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 3, dự án đã bắt đầu thi công từ T10/2024, và dự kiến sẽ có thể bắt đầu khai thác vào cuối năm 2025. Dự án này sẽ giúp cảng Nam Đình Vũ của GMD nâng tổng công suất lên khoảng 2,000,000 TEUs (từ khoảng 1,200,000 TEUs trong năm 2024), và mở rộng chiều dài cầu cảng tăng số lượng tàu có thể tiếp đón cùng lúc (tăng lên 4 tàu feeder cùng lúc), qua đó giúp cảng Nam Đình Vũ tiếp tục khẳng định vị thế là cảng sông lớn nhất trong khu vực. Dự phóng sản lượng container qua cảng Nam Đình Vũ sẽ tăng 14.6% lên mức 1.6 triệu TEUs trong 2025 và tăng mạnh 40.1% lên mức 2.2 triệu TEUs trong năm 2026.

    Tập trung gia tăng vị thế cạnh tranh qua việc phát triển cảng Gemalink thành cảng nước sâu lớn nhất khu vực Cái Mép – Thị Vải
  • Trong 2024, tổng lượng hàng qua khu vực miền Nam đạt 3,088,000 TEUs, theo ước tính cụm cảng Phước Long ICD và cảng Bình Phước hiện đã vượt 10.6% công suất thiết kế và cảng GEMALINK giai đoạn 1 cũng vượt 10% so với công suất so với thiết kế. Do những thách thức xoay quanh tình hình thương mại thế giới, đánh giá sản lượng hàng hóa thông qua khu vực này của GMD sẽ không tăng trưởng mạnh mẽ như năm 2024 mà sẽ chỉ ở mức 5% svck trong năm 2025.
  • Tuy nhiên dựa trên quy hoạch phát triển cảng biển đến năm 2030, tin rằng khu vực Cái Mép -Thị Vải, với lợi thế là cụm cảng nước sâu tự nhiên, sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các hãng tàu lớn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng khối lượng hàng hóa thông qua các cảng tại khu vực này.

    Đón đầu xu hướng tăng kích cỡ tàu của các hãng vận tải lớn trên thế giới, GMD hiện đang tập trung cải thiện và phát triển cảng Gemalink trở thành cảng nước sâu lớn nhất khu vực, dự kiến việc hoàn thành giai đoạn 2 của cảng Gemalink sẽ tiếp tục gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp so với các bến cảng khác trong khu vực. Theo doanh nghiệp chia sẻ, hiện GMD đang hoàn thiện các bước chuẩn bị để tiến hành dự án mở rộng cảng Gemalink giai đoạn 2A và 2B:
  • Gemalink giai đoạn 2A: Giai đoạn này giúp tổng công suất cảng tăng thêm 600.000 TEU và mở rộng bến cảng, tăng khả năng tiếp đón lên tới 2 tàu mẹ (chiều dài 800m) cùng lúc. Hiện doanh nghiệp đang hoàn thiện các bước pháp lý, dự kiến tiến hành khởi công vào Q4/25 và bắt đầu khai thác từ Q4/26.
  • Gemalink giai đoạn 2B: Giai đoạn này sẽ giúp nâng tổng công suất cảng thêm 900,000 TEUs, qua đó nâng tổng công suất toàn cảng Gemalink lên khoảng 3,000,000 TEUs. Doanh nghiệp dự kiến sẽ tiến hành thi công khi giai đoạn 2A của Gemalink đạt 70% công suất thiết kế, dự kiến có thể bắt đầu khai thác từ Q4/2028.
  • Khi hoàn thành dự án Gemalink giai đoạn 2, dự kiến sẽ giúp nâng tổng công suất thêm 1,500,000 TEUs, qua đó đưa Gemalink trở thành bến cảng lớn nhất khu vực Cái Mép – Thị Vải, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho GMD. Ngoài ra, CMACGM, đối tác chính của cảng Gemalink, vẫn duy trì vai trò của mình trong liên minh Ocean Alliance, thỏa thuận này được gia hạn đến năm 2032, qua đó giúp duy trì lượng hàng container ổn định thông qua cảng Gemalink trong trung và dài hạn. Dự phóng sản lượng container qua cảng GEMALINK sẽ tăng 5% svck lên mức 1.7 triệu TEUs trong 2025 và tiếp tục tăng 11.7% lên mức 1.9 triệu TEUs trong năm 2026

    Kết Luận:
  • Tuy còn nhiều thách thức trong nữa đầu 2025 do cuộc chiến thuế quan dưới thời Tổng thống Trump, Nhưng nội tại doanh nghiệp GMD vẫn rất tốt và không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh cốt lõi.
  • Vẫn rất đáng để đầu tư nếu có giá mua hợp lý.
    Nhớ like, comment ý kiến của mình nhé!