GMD và hành trình nhân đôi tổng công suất hàng hóa

Quý độc giả đang đọc chuỗi bài viết của Quân Sư Chứng Khoán về chủ đề đánh giá cổ phiếu qua bộ tiêu chí Scroring nghiêm ngặt về phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật gồm: 9 tiêu chí đánh giá sức khỏe tài chính (F Score); 20 tiêu chí về đầu tư giá trị và đầu tư tăng trưởng; 5 tiêu chí về phân tích kỹ thuật kết hợp với góc nhìn riêng để chấm điểm cổ phiếu.

Ngoài ra, những luận điểm chính cần chú ý được tóm tắt ngắn gọn hy vọng có thể giúp nhà đầu tư nắm bắt nhanh hơn về một doanh nghiệp. Biết càng nhiều, đầu tư càng hiệu quả. Giờ thì đọc thôi nào!
Cổ phiếu lựa chọn cho chuyên mục One-Pager tuần này là GMD - CTCP Gemadept, một doanh nghiệp được coi là hàng đầu trong ngành cảng biển tại Việt Nam, có sức hấp dẫn nhờ khả năng mở rộng thị phần từ các đối thủ cạnh tranh, đảm bảo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ổn định cả khi tăng trưởng xuất khẩu chậm lại. Bên cạnh đó DN cũng đang trong giai đoạn mở rộng gấp đôi công suất cho hệ thống cảng biển của mình



Đặc trưng của mô hình kinh doanh ngành cảng biển

GMD hoạt động trong lĩnh vực cảng biển và Logistics và là cty niêm yết duy nhất sở hữu và khai thác hệ thống cảng có tổng công suất hàng hóa 3 triệu TEU/năm bao gồm với 6 cảng bao gồm cảng Phước Long ICD, Nam Hải ICD, Dung Quất, Nam Đình Vũ, Bình Dương và Gemalink (Trước đó đã thoái vốn khỏi 2 cảng là Nam Hải Đình Vũ và Nam Hải). Bên cạnh việc vận hành hệ thống cảng của mình, việc sở hữu hệ thống dịch vụ khép kín, từ cảng biển, kho hàng và các phương tiện vận tải nằm tại các vị trí kinh tế trọng điểm trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam, Gemadept là doanh nghiệp duy nhất cả nước cung cấp các dịch vụ và giải pháp quản trị chuỗi cung ứng toàn diện với hệ thống Logistics bao gồm 6 lĩnh vực là: Cảng hàng hóa hàng không, trung tâm phân phối hàng hóa, vận tải hàng siêu trường siêu trọng, vận tải biển - thủy, logistics hàng lạnh và logistics ô tô.

Năm 2023, trong cơ cấu doanh thu của GMD có tới 75,6% doanh thu đến từ khai thác cảng và 24,3% đến từ mảng Logistics. Tỷ lệ này duy trì ổn định trong những năm trở lại đây cộng thêm việc doanh nghiệp đang tìm đối tác thoái vốn những dự án cao su của mình cho thấy định hướng tập trung vào ngành nghề cốt lõi là cảng biển và logistics.



Nhìn chung, nguồn thu của một doanh nghiệp cảng biển ngoài những dịch vụ phụ như cung cấp nhiên liệu, nước ngọt cho tàu, dịch vụ sửa chữa và bảo trì tàu, dịch vụ hỗ trợ tàu vào cảng (như lai dắt, neo đậu) thì nguồn thu chính là từ phí xếp dỡ hàng hóa bao gồm các phí cho hoạt động bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa từ tàu xuống cảng và ngược lại. Các cảng có thể áp dụng các mức phí khác nhau tùy theo loại hàng hóa (container, hàng rời, hàng lỏng, v.v.) và loại dịch vụ (nhanh, thông thường). Do đó, lượng hàng hóa lưu thông qua cảngphí dịch vụ xếp dỡ sẽ là 2 yếu tố tác động chính đến doanh thu của GMD mà nhà đầu tư cần quan tâm. Trong đó, phí dịch vụ xếp dỡ hiện tại đang được quy định bởi bộ GTVT và bị giới hạn bởi mức giá trần và sàn theo từng khu vực, do đó giá sẽ biến động rất ít và nằm trong biên kiểm soát của bộ và mức độ cạnh tranh về giá rất thấp (trừ trường hợp của HICT được áp dụng khung giá riêng). Chủ yếu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ đến từ vị trí, mức độ kết nối và mối quan hệ với hãng tàu của doanh nghiệp. Chính vì đặc trưng về giá này mà GMD duy trì mức biên lợi nhuận vô cùng ổn định.



Bên cạnh đó thì một đặc trưng khác của ngành này chính là mảng logistics sẽ có doanh thu tỷ lệ thuận với mảng vận hàng cảng. Hay nói cách khác sản lượng hàng hóa thông qua cảng càng nhiều thì mảng logistics càng có nhiều việc làm và doanh thu. Chính vì vậy, yếu tố tổng lượng hàng hóa thông qua cảng là nhân tố cần quan tâm nhất đối với một doanh nghiệp như GMD.

Ngành cảng biển Việt Nam hiện tại vẫn đang trong giai đoạn phát triển, sản lượng hàng hóa container thông qua hệ thống cảng biển cả nước duy trì được tốc độ tăng trưởng dương trong 25 năm kể từ sau thời điểm Việt Nam gia nhập WTO và bước vào giai đoạn phát triển của ngành xuất nhập khẩu nói chung. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong nhiều năm qua có tốc độ tăng trưởng kép đạt khoảng 10.6% trong xuyên suốt giai đoạn 1998-2023. Việc hoạt động trong một ngành với xu hướng tăng trưởng bền vững về sản lượng khiến GMD có những đặc điểm của một cổ phiếu tăng trưởng miễn là doanh nghiệp đảm bảo được sự mở rộng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường.



Lợi thế cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng

Như đã chia sẻ ở trên, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cảng biển sẽ đến từ vị trí, khả năng kết nối logistics và mối quan hệ với hãng tàu - đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Hiện tại tổng công suất hàng hóa của GMD tới cuối năm 2023 đạt khoảng 3.35 triệu TEU/năm và được đóng góp bởi 2 cảng chính là Nam Đình Vũ (Hải Phòng) và Gemalink (Bà Rịa Vũng Tàu). Trong đó, Gemalink được khai trương năm 2021 với sự hợp tác của Gemadept và hãng tàu lớn thứ 3 thế giới CMA Terminals của Pháp với tỷ lệ góp vốn là Công ty cổ phần Gemadept (75%) và Tập đoàn CMA-CGM (25%). Cũng chính từ đó hình thành mối quan hệ lợi ích giữa 2 bên giúp GMD hình thành lợi thế cạnh tranh vững chắc. Điều này đã được phản ánh khi thị phần của Gemalink và cả Nam Đình Vũ đều tăng lên nhanh chóng trong 2 năm vừa qua.

Bên cạnh đó, vị trí và khả năng kết nối của hệ thống cảng của GMD cũng không thua kém những cảng trong cùng khu vực.



Trong giai đoạn tiếp theo quý 4/2024-2027, GMD sẽ tiếp tục tiến trình nhân đôi tổng công suất hàng hóa cho hệ thống cảng của doanh nghiệp. Việc mở rộng công suất sẽ giúp GMD có động lực tăng trưởng về doanh thu trong giai đoạn tiếp theo khi sản lượng hàng hóa qua cảng tăng lên.

Theo BCTC quý 3/2024 vừa công bố, phần chi phí xây dựng dở dang của dự án Nạo vét kênh Hà Nam đã được kết chuyển hết vào TSCĐ - dự án này sẽ là tăng công suất của cảng NĐV thêm khoảng 300.000 TEU/năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện dự án mở rộng Nam Đình Vũ 3 với chi phí phát sinh trong quý 3 vừa rồi là 114.8 tỷ.



Với việc GMD đã hoàn thành nạo vét kênh Hà Nam tăng công suất thêm 300.000 TEU/năm cho Nam Đình Vũ, doanh nghiệp này cho thấy đang đi đúng tiến độ trên lộ trình nâng công suất lên gần gấp đôi so với giai đoạn trước 2023, vượt mức 6 triệu TEU/năm với các dự án sau:

  1. Mở rộng Nam Đình Vũ giai đoạn 3, tổng vốn 2,800 tỷ với công suất tăng thêm 650.000 TEU/năm, dự kiến hoàn thành quý 4/2025.
  2. Mở rộng dự án Gemalink giai đoạn 2A với tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ với công suất tăng thêm 600.000 TEU/năm, dự kiến hoàn thành 4/2025.
  3. Mở Gemalink giai đoạn 2B với tổng vốn đầu tư ước tính 4.8000 tỷ với công suất tăng thêm 900.000 TEU/năm, dự kiến hoàn thành năm 2027.



Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đã có kế hoạch tìm đối tác thoái vốn mảng cao su tại Campuchia để tập trung vào mảng chính. Nếu GMD tìm được đối tác thành công thì có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến với quy mô khoảng 1.670 tỷ nếu xét theo BCTC quý 3 vừa rồi. Tương tự như khoản LNST đột biến đến từ việc thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ năm 2023, đây có thể là một động lực (catalyst) khiến giá cổ phiếu của GMD tăng mạnh.

Tình hình tài chính và định giá

Với chỉ số Z-Score đạt 8.99 và được xếp loại AAA thì dù đang trong giai đoạn mở rộng GMD vẫn cho thấy tình hình tài chính rất ổn định và đặc biệt việc thoái vốn Nam Hải Đình Vũ cơ cấu nợ vay và tài sản quay lại mức rất an toàn và khó có rủi ro phá sản. Bên cạnh đó, ROIC trung bình đạt trên 18% trong 5 năm cho thấy khả năng sử dụng vốn đầu tư của GMD là rất tốt. Điều này còn cho thấy việc đầu tư vào mô hình cảng biển cho hiệu quả sử dụng vốn khá cao.

Theo QSCK mức định giá của GMD hiện tại là 72.000/cp khi chưa cho những dự án mới vào dự phóng DCF khi những dự án mới này chỉ ở giai đoạn đầu thực hiện và đang trong giai đoạn xin giấy phép. Điều này cho thấy thị trường đang quan tâm và định giá khá sát đối với GMD. Tuy nhiên, với một doanh nghiệp có đặc trưng của một cổ phiếu tăng trưởng thì NĐT có thể thêm GMD vào danh mục cổ phiếu yêu thích của mình trong ít nhất là chu kỳ sắp tới nhất là khi thời gian những dự án mới hoạt động cũng còn cách không quá xa (quý 4/2025) kết hợp với tiềm năng đến từ lợi nhuận đột biến từ game thoái vốn mảng cao su. Với năng lực cạnh tranh của GMD, thường sẽ chỉ mất khoảng 1-2 năm để dự án mới lấp đầy công suất.

Trong bản tin Chuyển Động Thị Trường vừa rồi, QSCK có khuyến nghị điểm mua tham khảo đối với GMD nếu giá cổ phiếu giảm lại test vùng giá 64 với upside lên vùng giá 72. Thực tế, trên quan điểm của QSCK về GMD trong chu kỳ 1-3 năm tới những nhịp rũ bỏ cổ phiếu sẽ luôn là thời điểm tốt để NĐT tham gia vì đối với một doanh nghiệp đang trong giai đoạn mở rộng, sự tăng trưởng được đảm bảo bởi những dự án mới với quy mô lớn, tài chính lành mạnh và năng lực cạnh tranh rất nổi trội. Điều này tương tự với những cổ phiếu tăng trưởng tiêu biểu như FPT khi những nhịp điều chỉnh đều là cơ hội tốt. Enjoy your reading!

Đừng quên để lại bình luận hoặc liên hệ với tôi qua Zal.o:nếu có bất kỳ thắc mắc nào. Đăng ký Newsletter của Quân Sư Chứng Khoán để nhận những bài phân tích mới của chúng tôi

Đọc thêm tại đây

11 Likes

mấy con hàng ngon ngon giá toàn trên trời nhỉ

2 Likes

Bin đang cần mua quyền GMD, quý vị đang muốn sang nhượng lại nhắn tin Bin nhé, thanks quý vị !

2 Likes

GMD và hành trình dò đáy

1 Likes

GMD giống đang phân phối

1 Likes

GMD giá cao quá, vào sợ rủi ro nhỉ

1 Likes

Mua cao thì sợ đấy bác. Nhịp vừa rồi có nhịp rũ bỏ, thiết lập biên dưới vùng 63.5-64 9 (hỗ trợ)
bám biên 63.5 -72 trading được với cp này
Mua dài hạn thì cần 1 điểm mua khi xác nhận nền này là tích lũy hoặc phải giảm chiết khấu tốt hơn để đảm bảo biên an toàn

1 Likes

Giờ này vào thì nhiều rủi ro lắm bác ơi, quan sát thêm thôi

1 Likes

sợ nó úp về 55

Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (Gemalink) vừa gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư, phát triển cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ. Toàn cảnh cảng Gemalink. Gemalink khẳng định có đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm để triển khai thành công dự án. Nếu được chọn làm nhà đầu tư, Gemalink cam kết mang lại cho dự án lợi thế cạnh tranh vượt trội. Với mối quan hệ hợp tác chặt chẽ cùng Tập đoàn CMA - CGM, liên minh Ocean Alliance và các khách hàng hiện hữu, Gemalink có thể đảm bảo lưu lượng hàng hóa ổn định, thu hút các hãng tàu trong liên minh đến khu bến Cái Mép - Thị Vải. Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050, khu bến Cái Mép, bao gồm dự án Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ, là khu bến chính của cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế, quy hoạch cho cỡ tàu trọng tải lên đến 250 ngàn DWT. Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án trên 50 ngàn tỷ đồng. Bộ GT-VT cũng đã chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu bến Cái Mép Hạ vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ, giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch mới nhất xác định, bến cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ có quy mô 216,6ha, chiều dài tuyến bến 5,96km, đáp ứng tàu container đến 250 ngàn DWT, với lộ trình đầu tư từ giai đoạn khởi động đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

1 Likes

Rủi ro mình nhận diện được, và điểm mua của mình dưới 64 nhịp vừa rồi có PTKT bảo kê. Gọi là chấp nhận mua cao kỳ vọng bán cao hơn bạn ạ

GMD về vùng giá 5x thì mua tuyệt vời

oa, thế mà mai nó về thật, chuẩn bị súng ống thôi :star_struck: