Tiếp tục câu chuyện về thuế quan ở một góc nhìn khác, tuần qua cũng là một tuần sôi động của các ĐHĐCĐ sớm trong tháng 4. Qua đó, những đánh giá sơ bộ từ các doanh nghiệp trong “tâm bão” là một nội dung được chờ đợi, chúng tôi điểm qua ĐHĐCĐ một số công ty niêm yết trong nhóm Xuất khẩu, Khu công nghiệp để bổ sung vào góc nhìn đánh giá.
Đầu tiên, TLG đưa ra một kế hoạch tương đối thận trọng phù hợp với cách đặt kế hoạch hàng năm. Ban lãnh đạo đặt ra kế hoạch Doanh thu: 4,2 nghìn tỷ đồng (+12% YoY), LNST: 450 tỷ đồng (-2% YoY).
Về ảnh hưởng từ rủi ro thuế quan của Mỹ. Thị trường này đóng góp khoảng 9% vào doanh thu của TLG nhưng chiếm tới 16% lợi nhuận ròng của TLG. Vì vậy tác động tiềm ẩn là đáng chú ý. Theo đánh giá của ban lãnh đạo, cơ cấu xuất khẩu sang thị trường Mỹ chủ yếu bao gồm hai nhóm mặt hàng đặc thù: thứ nhất là bút y tế, mặt hàng chất lượng sản phẩm đóng vai trò then chốt hơn so với yếu tố giá; thứ hai là khách hàng cũng cần một khoảng thời gian đáng kể, ước tính tối thiểu là sáu tháng để tìm . Vì vậy tạm thời rủi ro đứt gãy doanh thu ngay lập tức là chưa xảy ra . Hiện tại, công ty TLG đang tích cực thu thập và phân tích thêm các thông tin mới nhất để có thể xây dựng một chiến lược ứng phó phù hợp và hiệu quả. Song song với đó, trong giai đoạn này, TLG vẫn đang chủ động đẩy mạnh các nỗ lực mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác như Đông Nam Á, Trung Đông và châu Âu, nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực có thể phát sinh từ sự suy giảm doanh thu tại thị trường Mỹ.
Trong lĩnh vực thủy sản, Chủ tịch ANV ông Doãn Tới vừa có tâm thư gửi cổ đông trước việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên Việt Nam. Theo đó, Chủ tịch Navico cho biết sẽ “cứu nguy” cho cổ đông bằng cách đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu ngày 9/4. Nếu thị trường vẫn giảm thì ông Tới nhấn mạnh sẽ mua tiếp đến khi cổ phiếu không thể giảm sâu thêm nữa.
Một số doanh nghiệp khác có tỉ trọng xuất khẩu đi Mỹ với tỉ trọng cao như TNG (50%), MSH (75%), TCM (27%), VHC (31%), PTB (34%) sẽ là tâm điểm theo dõi ĐHĐCĐ trong thời gian tới để tham khảo góc nhìn của Doanh nghiệp với biến cố bất ngờ lần này về thuế đối ứng của Mỹ.
Cuối tuần qua, SZC cũng tiến hành ĐHĐCĐ thường niên. Trong giai đoạn đầy biến động, cổ đông vẫn thông qua kế hoạch giải ngân năm 2025 cho chi phí xây dựng và đền bù đất là 437 tỷ đồng (tăng 43% YoY) và 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 6,0 lần YoY) như tờ trình ban đầu.
Ban lãnh đạo công ty cho biết những thông tin về thuế quan gần đây có khả năng tác động đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Dẫu vậy, công ty cho rằng còn quá sớm để đưa ra những đánh giá toàn diện về mức độ ảnh hưởng thực tế, bởi điều này sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán trong tương lai cũng như các biện pháp đối ứng chính sách giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tuy nhiên trên hết, ban lãnh đạo vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào sức hấp dẫn lâu dài của KCN Châu Đức, nhờ vào vị trí địa lý chiến lược và hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (với khoảng cách 4 km từ KCN & KĐT Châu Đức và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025), cùng với mức giá cho thuê đất tương đối cạnh tranh so với các khu công nghiệp trong khu vực lân cận.
Một ảnh hưởng nhìn thấy ngay từ Doanh nghiệp BĐS KCN khác là BCM, khi chính thức tạm hoãn đợt chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo lợi ích của công ty và cổ đông trong điều kiện thị trường chứng khoán không thuận lợi cho đợt chào bán.
Điểm chung trong các chia sẻ được ghi nhận, StockLine thấy rằng các doanh nghiệp tạm thời chưa sớm thấy ngay tác động, có thể giảm bớt rủi ro ngắn hạn khi được hoãn 90 ngày, tuy nhiên vấn đề lớn nhất sẽ là chưa có định lượng cụ thể, và cần chờ đợi kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới để thay đổi chiến lược tới đây. Mùa ĐHĐCĐ trước mắt, chúng ta có thể tiếp tục theo dõi các góc nhìn từ phía Doanh nghiệp trong tâm bão để để có góc nhìn toàn diện hơn.