Cổ phiếu GVR -Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - đang được giới đầu tư chú ý, do doanh thu và lợi nhuận đến từ 2 mảng kinh doanh cốt lõi là cao su và cho thuê khu công nghiệp (KCN).
Dự án KCN Nam Tân Uyên 03 là một trong 8 KCN mà Tập đoàn khi đưa vào hoạt động sẽ mang lại dòng tiền 600 tỷ đồng/năm cho GVR
Phiên giao dịch ngày 2/10, cổ phiếu GVR tăng lên 20.400 đồng/cp sau nhiều phiên cổ phiếu này bị bán về dưới mốc 19.000 đồng/cp. Với mức giá này, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, GVR đang thấp hơn giá trị thực của Tập đoàn với việc đang nắm giữ trong tay nhiều dự án đất đai và đang cho thuê trong lĩnh vực KCN. Được biết 2 mảng kinh doanh chính của GVR đến từ cao su và cho thuê KCN. Đây là 2 mảng “gà đẻ trứng vàng” của GVR.
Báo cáo tài chính quý 2/2023 mà Tập đoàn công bố đã thu về 4.272 tỷ đồng doanh thu thuần. Trong đó, doanh thu từ chế biến gỗ đạt 544 tỷ đồng, ghi nhận mức giảm lớn nhất.
Doanh thu mảng cốt lõi cao su cũng giảm nhẹ 3% đạt 3.129 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của GVR đạt 717 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, GVR lần lượt hoàn thành 30% doanh thu và 43% lợi nhuận kế hoạch đặt ra cho 2023.
Tuy nhiên, nhận định về cổ phiếu GVR, ngoài mảng cho thuê KCN, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam kì vọng về sự hồi phục mảng cao su từ các thị trường lớn, đặc biệt là Trung Quốc.
Theo báo cáo thống kê của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên, nhu cầu cao su năm 2023 dự báo tăng 14,6% đạt 14,7 triệu, trong khi sản lượng dự kiến chỉ tăng hơn 2,5% lên 14.693 triệu tấn. Với sự phục hồi cầu từ các thị trường lớn, sản lượng cao su tiêu thụ của GVR dự kiến sẽ tăng và đạt hơn 502 nghìn tấn.
Giá cao su thế giới đang trong đà tăng liên tục từ giữa tháng 8 đến nay, hiện ở mức cao nhất. Giá cao su hồi phục mạnh chịu tác động lớn từ kì vọng cải thiện cầu cao su từ Trung Quốc. Bên cạnh đó giá dầu liên tục neo ở mức cao cũng góp phần đẩy giá cao su liên tục tăng trong thời gian gần đây, do dầu là đầu vào sản xuất cao su nhân tạo, sản phẩm thay thế cho cao su tự nhiên.
Theo Trading Economics, giá cao su kì vọng sẽ tiếp tục tăng lên mức 145,46 US Cents/kg vào cuối quý này, và tăng thêm khoảng 5% từ nay đến cuối năm. KB kì vọng giá bán cao su của GVR cũng sẽ tăng từ 5 đến 7% so với giá bình quân từ đầu năm đến nay theo đà tăng giá cao su thế giới, tuy vẫn ở mức thấp hơn so với bình quân giá cao su 2022.
Riêng Nam Tân Uyên 3 – KCN nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bình Dương vừa được giao đất vào cuối tháng 5 vừa qua đã tạo dư địa tăng trưởng trong ngắn và trung hạn cho GVR, dự kiến đóng góp vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn từ 2024. Theo ước tính sơ bộ, dự án Nam Tân Uyên 3 sẽ mang lại dòng tiền khoảng hơn 600 tỷ đồng/năm và lợi nhuận sau thuế khoảng 400 tỷ đồng/năm đến 2027 – 2028 sau khi được đưa vào khai thác, dự kiến từ năm 2024.
Với hoạt động kinh doanh cốt lõi mảng cho thuê KCN từ nay cho đến 2025, tập đoàn đặt ra mục tiêu chuyển đổi đất cho ít nhất 2.900 ha. GVR cũng dồn lực tập trung đẩy nhanh tiến độ cho 8 KCN, GVR có thể đưa vào khai thác bắt đầu từ năm 2024.
KB kì vọng, GVR đưa 8 KCN đi vào khai thác từ nay đến 2026, đồng thời sở hữu quỹ đất lên đến 290. 000 ha tại Việt Nam. GVR có nhiều tiềm năng lớn về phát triển KCN trong dài hạn nhờ chiến lược chuyển đổi đất trồng cao su sang đất KCN với các lợi thế trong việc giải phóng mặt bằng. GVR cũng đang tập trung hoàn thiện thủ tục cho các dự án Tân Lập 1, Nam Đồng Phú, Bắc Đồng Phú… sẽ được phê duyệt trong giai đoạn 2024 – 2026.
Các KCN Rạch Bắp GĐ2, Bắc Đồng Phú MR và Nam Đồng Phú MR cũng như Hiệp Thạnh 1 sẽ bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh của GVR từ 2025. Với tốc độ lấp đấy tương đối nhanh do cung đất KCN vẫn đang ở mức thấp, tỷ lệ hấp thụ đất KCN ở phía Nam vẫn luôn duy trì ở mức cao sẽ là lợi thế của Tập đoàn
Sử dụng phương pháp định giá từng phần (SOTP) để định giá cho GVR với 3 mảng định giá chính: cao su và gỗ, khu công nghiệp và các mảng kinh doanh khác, KB cho rằng, nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu GVR cho mục tiêu là 26.700 VND/cp, tương ứng với mức tiềm năng tăng giá 17,6% so với mức giá đóng ngày 2/10/2023…