Với giá bán mỗi tín chỉ carbon hiện đạt 5 USD và lợi thế sở hữu 300.000 ha rừng cao su tại Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR) đang nghiên cứu, hướng tới thương mại hoá tín chỉ carbon trong thời gian tới.
Cao su Việt Nam hiện đang có 300.000 ha rừng cao sau tại Việt Nam.
Theo Kế hoạch hoạt động tăng trưởng xanh và phát triển bền vững năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR - sàn HoSE) sẽ tập trung nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và đánh giá trữ lượng carbon của rừng cao su trong năm nay.
Tính đến cuối năm 2023, địa bàn hoạt động của Cao su Việt Nam trải rộng tại 34 tỉnh, thành từ Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, Tây nguyên, Duyên hải miền Trung, Bắc Trung bộ, khu vực miền núi phía Bắc và 2 nước bạn Lào, Campuchia. Tính riêng diện tích rừng cao su tại Việt Nam, tập đoàn này đang quản lý khoảng 300.000 ha.
Với lợi thế diện tích rừng cao su lớn, ban lãnh đạo Cao su Việt Nam cho biết sẽ nghiên cứu, tính toán trữ lượng carbon của rừng nhằm hướng tới thương mại hóa tín chỉ carbon trong tương lai.
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí carbon hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang carbon tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn carbon hoặc 1 tấn carbon quy đổi tương đương.
Mua bán tín chỉ giảm phát thải trên thị trường là xu hướng ngày càng được nhiều quốc gia triển khai; qua đó, tạo ra thị trường carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một loại hình thị trường mà hàng hóa được mua và bán trong thị trường là lượng khí nhà kính được cắt giảm hoặc hấp thu.
Các bên tham gia mua/bán có thể là các doanh nghiệp trao đổi với nhau, hoặc giữa các tổ chức trong nước và các tổ chức quốc tế (có thể các tổ chức tài chính, hoặc doanh nghiệp).
Theo chia sẻ của một số chuyên gia và dữ liệu từ một số dự án mua bán tín chỉ carbon đã được thực hiện thành công, cứ mỗi tín chỉ carbon (tương đương với giảm phát thải 1 tấn carbon) của Việt Nam đang được các tổ chức quốc tế mua với giá 5 USD. Qua đó, mở ra một nguồn thu mới, tiềm năng với các đơn vị có diện tích rừng lớn như Cao su Việt Nam.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Bên cạnh đó, Cao su Việt Nam cũng đẩy mạnh các hoạt động nhằm giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh doanh. Trong đó, tập đoàn này đặt mục tiêu giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng ít nhất 2% so với định mức sử dụng năng lượng năm 2023.
Tập đoàn sẽ tích cực làm việc với Hội đồng Quản lý Rừng (FSC), đơn vị tư vấn nhằm đẩy nhanh tiến trình thực hiện hướng đến lộ trình tái kết nối với FSC. Đến cuối năm 2024, dự kiến 40 - 45% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất tại Việt Nam đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững (VFCS/PEFC-FM) và 75 - 80% nhà máy chế biến mủ cao su tại Việt Nam đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC-CoC).
Cao su Việt Nam khuyến khích các công ty thành viên tự triển khai thêm diện tích chưa thực hiện Chứng chỉ quản lý rừng bền vững ngoài kế hoạch được tập đoàn giao để hoàn chỉnh hệ thống quản lý. Đồng thời, xây dựng và triển khai các giải pháp quảng bá, tiếp thị sản phẩm là mủ và gỗ cao su có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Đồng thời, tập đoàn cũng sẽ hỗ trợ cao su tiểu điền nâng cao năng suất, chất lượng mủ cao su, thu mua với giá tốt và thanh toán kịp thời, có thể truy xuất nguồn gốc…