Tại cuối quý I, tổng dư nợ vay của Hạ tầng Đèo Cả đạt gần 20.100 tỷ đồng, hơn gấp đôi vốn chủ sở hữu. Chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng Vietinbank với khoản nợ vay ngắn và dài hạn hơn 19.100 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) ghi nhận doanh thu thuần gần 690 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu từ các trạm thu phí BOT gần 477 tỷ, doanh thu xây lắp hơn 196 tỷ, tăng lần lượt 23% và 43%.
Công ty cho biết doanh thu xây lắp quý I chủ yếu đến từ các gói thầu cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Trong kỳ, biên lãi gộp của Hạ tầng Đèo Cả duy trì trên 48% so với quý I/2023. Các chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ. Cả quý, công ty lãi sau thuế 114 tỷ, tăng 37%. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 96 tỷ đồng, tăng 32%
Năm 2024, Hạ tầng Đèo Cả đặt kế hoạch doanh thu thuần hơn 3.146 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 404 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 11% so với năm 2023. So với kế hoạch, công ty đã thực hiện được 22% chỉ tiêu doanh thu và 28% chỉ tiêu lãi sau thuế sau một quý.
Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của Hạ tầng Đèo Cả đạt hơn 37.660 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm với phần lớn nằm ở tài sản cố định (28.227 tỷ đồng). Lượng tiền, tương đương tiền hơn 752 tỷ, gấp đôi đầu năm.
Các khoản phải thu ngắn hạn trên 608 tỷ đồng, không chênh lệch nhiều so với ngày đầu quý. Ngoài ra, công ty ghi nhận chi phí trả trước ngắn hạn (chủ yếu là lãi vay chờ phân bổ) trên 6.700 tỷ đồng.
Tại cuối quý I, tổng dư nợ vay đạt gần 20.100 tỷ đồng, hơn gấp đôi vốn chủ sở hữu. Chủ nợ lớn nhất của công ty là Ngân hàng Vietinbank với khoản nợ vay ngắn và dài hạn hơn 19.106 tỷ đồng. Trong ba tháng đầu năm, công ty đi vay 80 tỷ đồng và trả nợ gốc vay và nợ gốc thuê tài chính gần 266 tỷ đồng.
Ngoài ra, tổng nợ ngắn hạn của công ty trên 2.865 tỷ, vượt xa con số của tài sản ngắn hạn là 1.504 tỷ, đồng nghĩa vốn lưu động âm hơn 1.361 tỷ. Thực tế, HHV đã duy trì tình trạng vốn lưu động âm trong nhiều năm nay.
Thông tin về tình hình nợ phải trả của doanh nghiệp tại chương trình diễn ra đầu tháng 11/2023, đại diện Hạ tầng Đèo Cả cho biết, nhiều doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang vay nợ dài hạn hàng nghìn tỷ, thậm chí cả chục nghìn tỷ đồng tại các ngân hàng thương mại.
Đối với Hạ tầng Đèo Cả, các khoản vay của công ty là vay dài hạn để đầu tư BOT. Các dự án cũng đã đi vào vận hành khai thác, nguồn thu phí ổn định, phương án trả nợ cũng được thực hiện đảm bảo trên cơ sở doanh thu thực tế và không ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.
Đồng thời đại diện doanh nghiệp này cho biết, quy định vốn chủ sở hữu tham gia các dự án công khoảng 10 - 15%, trong khi vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của công ty khoảng 24%. Các khoản nợ được trả đầy đủ, đúng hạn và không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lợi ích của cổ đông.
Giai đoạn 2023 - 2025, Hạ tầng Đèo Cả tiếp tục đề xuất đầu tư gần 400 km đường cao tốc là các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh (ở Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (ở Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (ở Lâm Đồng), TP.HCM - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương … với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng đã được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt, khởi công trong tháng 12/2023.
Đối với hoạt động thi công xây lắp, công ty đang tổ chức thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, đường ven biển Bình Định đoạn Cát Tiến – Diêm Vân, đường ven biển nối cảng Liên Chiểu - Đà Nẵng, dự án nâng cấp mở rộng đèo Prenn với tổng giá trị hợp đồng liên danh gần 20.000 tỷ đồng.
Đối với hoạt động quản lý vận hành, hiện công ty đang quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên cho hơn 300 km đường cao tốc và quốc lộ, 25 km hầm đường bộ và đang quản lý 15 trạm thu phí BOT trên cả nước. Thời gian tới Hạ tầng Đèo Cả sẽ là đơn vị quản lý vận hành hơn 550km đường và các hầm xuyên núi trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.