Trong khi doanh thu bán trái cây của HAGL tăng trưởng thì nguồn thu mảng nuôi heo lại giảm sâu về mức thấp nhất 7 quý.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với doanh thu thuần giảm 27% còn 1.241 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán trái cây tăng 25% so với cùng kỳ lên 887 tỷ và biên lợi nhuận gộp khoảng 54,7%.
Trái lại, nguồn thu từ bán heo lại suy giảm 48% còn 292 tỷ đồng và chỉ đem về chưa tới 6 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Bên cạnh đó, doanh thu bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ cũng ghi nhận giảm 85% xuống còn 65 tỷ đồng.
Trong báo cáo đầu tháng 3, HAGL kỳ vọng doanh thu năm 2024 sẽ tăng đột biến vào quý III và IV khi chính thức khai thác một phần diện tích sầu riêng, cụ thể, sầu riêng trồng tại Việt Nam (thu vụ chính) sẽ có doanh thu vào tháng 8 - 9 và sầu riêng trồng tại Lào (thu trái vụ) sẽ có doanh thu vào tháng 10 đến tháng 12.
Trong kỳ, chi phí bán hàng tăng vọt lên 115 tỷ, gấp 1,9 lần cùng kỳ do tăng mạnh chi phí vận chuyển, dịch vụ mua ngoài và chi phí khác không được thuyết minh. Các chi phí khác biến động không đáng kể. Kết quả, HAGL báo lãi sau thuế 226 tỷ đồng, giảm 25% so với quý I/2023. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 26% còn 215 tỷ.
Dù có lãi liên tiếp 12 quý song tính tới cuối quý I, HAGL vẫn còn khoản lỗ luỹ kế 1.452 tỷ đồng.
Phía HAGL cho biết hiện công ty vẫn tập trung mọi nguồn lực vào hai ngành nghề kinh doanh cốt lõi là chăn nuôi và trồng trọt với các sản phẩm chủ đạo là chuối, sầu riêng và heo. Năm 2024, HAGL dự kiến trồng thêm 2.000 ha chuối, nâng diện tích lên 9.000 ha và trồng thêm 500 ha sầu riêng nâng diện tích lên 2.000 ha.
Năm 2024 nói riêng và giai đoạn tới 2030, HAGL cho biết sẽ vận hành theo mô hình "nông nghiệp tuần hoàn". Công ty sẽ ứng dụng các tiến bộ khoa học và các giải pháp công nghệ nhằm tái chế phụ phẩm, chất thải trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi để phục vụ trở lại quá trình sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất khép kín.
Mục tiêu là tạo ra sản phẩm an toàn, giảm lãnh phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường tiến tới phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu chất lượng từ các khách hàng nhập khẩu lớn.
Về tình hình tài chính, quy mô tài sản tại ngày 31/3 của HAGL là 21.170 tỷ. Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản nằm ở các khoản phải thu, tài sản cố định và chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
Tổng phải thu của HAGL cuối quý I là 8.670 tỷ, trong đó có 3.236 tỷ là phải thu về cho vay. Riêng phải thu về cho vay của HAGL Agrico (Mã: HNG) và đơn vị liên quan nhóm này là 1.117 tỷ.
Còn chi phí xây dựng cơ bản dở dang của HAGL chủ yếu nằm ở chi phí phát triển vườn cây ăn trái và dự án chăn nuôi. Tính tới cuối năm 2023, HAGL đã hoàn tất xây dựng 10 cụm chuồng trại với công suất nuôi 24.000 con heo nái và 600.000 con heo thịt.
Tổng dư nợ vay cuối kỳ của HAGL là 7.816 tỷ, không thay đổi nhiều sau một quý và vượt vốn chủ sở hữu (7.032 tỷ). Trong đó gồm 4.450 tỷ là vay ngắn hạn. HAGL còn dư nợ trái phiếu dài hạn khoảng 3.199 tỷ đồng và có khoản trái phiếu đến hạn trả 1.329 tỷ tại ngày 31/3. Còn lại chủ yếu là vay từ ngân hàng.
Ba tháng đầu năm, HAGL vay thêm 1.750 tỷ đồng thời trả nợ gốc vay 1.780 tỷ. Chi phí lãi vay ba tháng đầu năm 168 tỷ.
HAGL cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp tái cơ cấu tài chính nhằm giảm mạnh hơn nữa số dư nợ phải trả ngân hàng, giảm chi phí lãi vay và duy trì dòng tiền ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh.