HAH - Giữ vững vị thế

TỔNG QUAN NGÀNH VẬN TẢI BIỂN NỬA ĐẦU NĂM 2022

Sản lượng container qua cảng tăng trưởng chậm lại. Trong 6T2022, sản lượng container tại các cảng chính (Shanghai, Hong Kong, Singapore, Los Angeles) giảm do: (i) thắt chặt phong tỏa tại các thành phố Trung Quốc và các khu vực sản xuất do chính sách Không Covid của nước này; (ii) tiêu dùng toàn cầu yếu do lạm phát cao và chiến tranh Nga-Ukraine trong bối cảnh hàng tồn kho bán lẻ ở mức cao; và (iii) người tiêu dùng chuyển chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ khi hầu hết các quốc gia đã mở cửa biên giới trở lại.

Tại thị trường trong nước, giá cước tiếp tục được hỗ trợ bởi tình trạng thiếu cung tàu và điều chỉnh tăng cho một số tuyến có nhu cầu cao trong Q1/2022. Chúng tôi ước tính giá cước đã tăng 50% so với mức trung bình năm 2021. Ngoài ra, các hãng vận tải cũng áp dụng thêm phụ phí biến động giá nhiên liệu (BAF) để bù đắp việc chi phí nhiên liệu tăng.

Đối với thị trường cho thuê, giá thuê vẫn ổn định và chỉ giảm nhẹ -5% từ mức đỉnh. Thị trường cho thuê có ít thay đổi do tình trạng thiếu tàu container tiếp tục kéo dài do tắc nghẽn tại các cảng. Mặc dù vậy, thời hạn hợp đồng rút ngắn lại xuống dưới 2 năm từ mức 2-5 năm trong giai đoạn đỉnh điểm.

HAH - GIỮ VỮNG VỊ THẾ

Kết quả kinh doanh quý II/2022: Tăng trưởng nhờ giá cước và công suất đội tàu

HAH ghi nhận doanh thu trong Q2/2022 đạt 929 tỷ đồng, tăng 107% YoY, LNST đạt 324 tỷ, tăng 232% YoY. Lũy kế 6T2022, HAH ghi nhận doanh thu 1,582 tỷ đồng, tăng 96% YoY, LNST đạt 587 tỷ, tăng 220% YoY.
Như vậy, HAH đã hoàn thành 66% kế hoạch doanh thu và 107% kế hoạch LNST. KQKD Q2/2022 của HAH tiếp tục tăng trưởng nhờ giá cước vận tải tiếp tục ở mức cao và công suất đội tàu nâng thêm 30% trong 2021. Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp tăng mạnh lên mức 46.7% (cùng kỳ 31.4%). Lợi nhuận tăng mạnh còn nhờ doanh thu tài chính tăng 131% YoY và lãi lỗ từ công ty liên doanh, liên kết tăng 146% YoY.

Điểm nhấn đầu tư cuối năm 2022

Lợi nhuận của HAH sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong nửa cuối 2022 nhờ giá cước và giá thuê tàu vẫn cao, mặc dù tăng trưởng so với cùng kỳ có thể chậm lại do mức so sánh cao trong nửa cuối 2021. Giá cước vận chuyển container giao ngay dự kiến sẽ giảm dần trên thị trường quốc tế khi tình trạng tắc nghẽn giảm bớt nhiều khả năng sẽ xảy ra trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, doanh thu thực tế của các công ty vận tải đến từ giá hợp đồng được ký vào đầu năm.

Kỳ vọng doanh thu Cảng biển và Depot tăng trưởng do sản lượng hàng hóa container qua cảng biển Việt Nam vẫn tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo thống kê của Cục Hàng Hải Việt Nam, sản lượng hàng container đi qua cảng biển Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ 2021 ở mức 1% trong hoàn cảnh chính trị và chuỗi cung ứng của toàn thế giới bị gián đoạn. Do đó, chúng vẫn kỳ vọng vào việc phục hồi của thị trường thương mại toàn cầu sau dịch COVID-19 sẽ là động lực tăng trưởng chung cho ngành cảng biển, vận tải biển.

Trong trung hạn, HAH đã thông qua kế hoạch thành lập Công ty liên doanh vận tải container Zim-Haian với vốn điều lệ là 2 triệu USD để mở thêm tuyến vận tải ở khu vực Đông Bắc Á và tham gia thị trường Feeder khu vực. HAH sẽ mua thêm 2 tàu cũ và đóng mới 3 tàu container cho liên doanh này, dự kiến nhận tàu vào 2023. Đây sẽ là động lực tăng trưởng trung hạn cho HAH.

Cảng Hải An và khu depot của HAH là hậu phương vững chắc cho hoạt động kinh doanh vận tải biển. Số liệu năm 2021 của HAH cho thấy, cả hoạt động cảng và depot của HAH đều vượt kế hoạch năm và riêng cảng Hải An đã hoạt động vượt công suất thiết kế (khoảng 20%). Tăng trưởng sản lượng từ đội tàu tự vận hành và liên doanh Hải An – ZIM cũng sẽ là động lực phát triển 2 mảng cảng và depot của Hải An trong tương lai

Rủi ro đầu tư

(i) Rủi ro lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu có thể làm giảm nhu cầu và giá cước vận tải biển/cước cho thuê tàu.
(ii) Rủi ro biến động giá nhiên liệu khi tình hình vĩ mô có nhiều tin xấu cộng với cuộc xung đột Nga-Ukraine còn diễn biến phức tạp.
(iii) Rủi ro cạnh tranh với các doanh nghiệp vận tải biển khác.