Vì không biết giá trị của cây gỗ quý, nhiều người dân ở Trung Quốc đã dùng cây gỗ vào những việc như làm nông cụ, đồ chơi, xây nhà…
Năm 2021, hai cây hoàng hoa lê Hải Nam ở Công viên Hải Khẩu, đảo Hải Nam (Trung Quốc) được chốt bán với mức giá cao ngất trời: hơn 14 triệu nhân dân tệ, tương đương gần 50 tỷ đồng. Cộng đồng mạng và truyền thông Trung Quốc đã ngay lập tức bị thu hút bởi câu chuyện này. Trong khi đó, những người yêu thích đồ gỗ đã đưa ra lý giải cho mức giá tưởng chừng đắt tới vô lý của hai cây gỗ quý.
Được biết, hoàng hoa lê Hải Nam là một trong số 29 loài cây được coi là “gỗ sưa” theo tiêu chuẩn quốc gia Trung Quốc. Theo dữ liệu lịch sử, từ thời nhà Minh cho tới thời hiện đại, cây hoàng hoa lê Hải Nam được đặt ngang hàng với gỗ đàn hương đỏ được sản xuất tại bang Andhra Pradesh (Ấn Độ). Cần nhớ rằng, đàn hương vốn là một loại gỗ cực quý hiếm và được coi là cây hoàng gia tại Ấn Độ.
Theo Sina, hoàng hoa lê Hải Nam vào năm 1970 chỉ có giá từ 1-2 xu/kg, một phần bởi vì người dân “quên” giá trị của loại gỗ này. Đã một thời gian dài, người ta dùng loại gỗ này để nhóm bếp, dựng chuồng nuôi gia súc, gia cầm hoặc làm nhà…. Chính bởi thế, khi loại gỗ này được bán với giá trên trời, không ít người tỏ ra bàng hoàng, tiếc nuối.
Vào thời phong kiến, hoàng hoa lê được dùng làm đồ nội thất cho cung đình và cho tầng lớp thượng lưu ở Trung Quốc. Đồ nội thất làm từ gỗ hoàng hoa lê còn hấp dẫn không chỉ nhờ màu sắc, mùi hương, vân gỗ mà còn có khả năng điều trị vết thương, cầm máu, giảm đau. Sổ sách ghi chép từ thời nhà Minh và nhà Thanh của Trung Quốc đều ghi nhận tác dụng trong y học của loại cây này, bao gồm cả bổ máu, điều hòa khí huyết, trị tiêu chảy.
Ngoài ra, hoàng hoa lê còn được coi là có khả năng giúp gia chủ tránh tà. Các loại đồ nội thất, đồ mỹ nghệ, vòng tay làm từ hoàng hoa lê được cho là mang lại bình an và may mắn cho người sử dụng.
Theo Sohu, trước khi các chuyên gia gỗ phổ biến giá trị của hoàng hoa lê và biến nó trở thành món hàng đắt đỏ, cây hoàng hoa lê chỉ được dùng với những công dụng sau:
1. Được bán cho các công ty dược liệu, sau đó được phân phối cho các nhà máy dược trên cả nước. Tuy nhiên, sau năm 2000, giá hoàng hoa lê Hải Nam tăng vọt, nhiều người buôn gỗ đã nhanh chóng tìm đến các xưởng dược liệu này để mua lại. Vào năm 2010, giá gỗ hoàng hoa lê lên tới 9.000 NDT/kg (tức khoảng 1.300 USD/kg);
2. Nghiền thành hương liệu để xuất khẩu, mang về ngoại hối;
3. Được sử dụng ở đảo Hải Nam để làm nông cụ, dụng cụ, đồ nội thất địa phương, đồ thủ công đơn giản và đồ chơi trẻ em;
4. Những gia đình có điều kiện khó khăn sử dụng gỗ hoàng hoa lê để xây nhà ở. Vào thời điểm đó, những người có điều kiện kinh tế tốt ở đảo Hải Nam sử dụng các loại vật liệu lớn và màu sắc đồng đều để xây nhà. Trong khi đó, người nghèo sử dụng gỗ hoàng hoa lê, vì gỗ của cây này nhỏ, màu sắc không đồng đều. Nhưng sau này, những gia đình "nghèo" xây nhà bằng hoàng hoa lê đã kiếm bộn tiền khi “dỡ nhà ra bán”.
5. Dùng để làm củi đốt. Ban đầu, người dân ở Hải Nam sử dụng hoàng hoa lê để nhóm lửa cho bếp nấu. Về sau, củi hoàng hoa lê được sử dụng rộng rãi trong sản xuất thép vì nó có khả năng cháy đượm và lâu.
Kể từ sau các đợt cải cách và mở cửa, các nhà buôn và sưu tập đồ cổ từ các khu vực Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước khác đã lần lượt tới Trung Quốc mua đồ nội thất bằng gỗ đàn hương đỏ và hoàng hoa lê cũ từ thời nhà Minh và nhà Thanh. Sau đó, loại gỗ này mới dần thu hút sự chú ý của người dân Trung Quốc.
Loại gỗ này và nhiều vật liệu nội thất truyền thống của nhà Minh và nhà Thanh đã tạo nên một cơn sốt ở Trung Quốc, không chỉ bởi vì đồ nội thất nhà Minh và nhà Thanh “giàu giá trị văn hóa truyền thống", mà còn bởi vì thị trường sưu tập quốc tế công nhận và theo đuổi những vật phẩm này.
Theo Sohu, cây hoàng hoa lê Hải Nam, trước đây còn được gọi là hoa lê. Năm 1920, để tránh sự cạnh tranh với cây “tân hoa lê" (còn được gọi là "thảo hoa lê") mới từ Đông Nam Á, kiến trúc sư Trung Quốc nổi tiếng Lương Tư Thành đã đặt tên cho nó là "hoàng hoa lê".
Tham khảo Sohu
Tất Đạt
Nhịp sống Thị trường