Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn nhiều doanh nghiệp nợ lương của người lao động với số tiền hàng chục tỉ đồng. Hiện cơ quan chức năng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên, người lao động.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, đến nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn vẫn chưa thực hiện việc trả lương cho người lao động, với số lao động bị ảnh hưởng lên đến cả nghìn người và số tiền lương bị nợ lên tới hơn 27 tỉ đồng.
Công ty TNHH FLC Golf and Resort (ở TP Sầm Sơn) vừa qua đã trả 4,4 tỉ đồng nợ lương cho người lao động; còn nợ 12,2 tỉ đồng tiền lương của 782 lao động; Bệnh viên Đa khoa Đại An (ở huyện Thiệu Hóa) vừa qua đã trả 2 tỉ đồng nợ lương cho người lao động; còn nợ 10 tỉ đồng tiền lương của 261 lao động.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinastone (ở huyện Hà Trung) vừa qua đã trả 1,65 tỉ đồng tiền lương cho người lao động; còn nợ 3,34 tỉ đồng tiền lương của 118 lao động; Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh (ở thị xã Nghi Sơn) còn nợ 2 tỉ đồng tiền lương của 186 lao động.
Trước tình hình trên, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, chi trả lương cho người lao động của doanh nghiệp; có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.
Cùng với đó, đôn đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinastone thanh toán nợ lương cho người lao động và đã trực tiếp làm việc với Công ty TNHH FLC Golf and Resort và UBND thành phố Sầm Sơn để khẩn trương yêu cầu doanh nghiệp thanh toán các khoản lương còn chưa trả cho người lao động.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức làm việc với doanh nghiệp nợ lương trên địa bàn quản lý, đôn đốc doanh nghiệp trả lương đầy đủ cho người lao động. Đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý đối với trường hợp cố tình nợ lương.
Liên quan đến việc nợ lương của các đơn vị trên, ông Mai Bá Nam - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc các doanh nghiệp nợ lương, chậm đóng BHXH khiến công nhân lao động lo lắng, bất an và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tới đây LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức đối thoại nhằm nâng cao trách nhiệm người sử dụng lao động trong việc thực hiện việc trả lương, đóng BHXH cho người lao động.
Ngoài ra, chỉ đạo công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (đặc biệt các địa phương có doanh nghiệp nợ lương) thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, từ đó phối hợp với các ngành, các cấp có liên quan làm việc với doanh nghiệp, nhằm giải quyết quyền lợi, chi trả tiền lương cho công nhân lao động.