Chào cả nhà, nhân một buổi chiều trời trở nóng. Mình viết chút tản mạn về HDG trong 2025, bà con nào đang có hàng xin thêm lời trao đổi cho xôm nhé!!! Bài viết mình sẽ phân tích chi tiết mọi thứ xung quanh HDG nên mình chia làm 3 phần.
PART 1: Thông tin cơ bản về HDG - CTCP Tập đoàn HDG
MÔ HÌNH KINH DOANH
Sản xuất điện: HDG đầu tư vây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện và năng lượng tái tạo. Đây là mảng kinh doanh đem lại dòng tiền ổn định cho tập đoàn trong một thời gian dài. Ước tính hàng năm mảng sản xuất điện đem về doanh thu bình quân 1,700 tỷ đồng và chiếm tỷ trong cao nhất trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn.
Hiện nay HDG sở hữu danh mục 08 nhà máy điện trong giai đoạn vận hành bao gồm: 5 nhà máy thủy điện (314 MW), 2 nhà máy điện mặt trời (98MWp) và 1 nhà máy điện gió (50MW). Ngoài ra, HDG đang nghiên cứu và lập kế hoạch triển khai 7 dự án điện gió và khởi công xây dựng từ Q1/2024 đối với dự án thủy điện Sơn Linh – Sơn Nham (24MW) tại Quảng Ngãi. Các dự án này được quản lý bởi các công ty con như: Za Hưng, Sông Tranh 4, Đắk Mi,… (các công ty con của HDG)
Bất động sản: Các dự án Bất động sản hiện nay tập trung ở Hà Nội và Hồ Chí Minh, với hầu hết thuộc loại hình bất động sản nhà ở và bất động sản thương mại. Ngoài ra còn 2 dự án: dự án khu nghỉ dưỡng tại Nha Trang và khu đô thị tại Lào tuy nhiên đã dừng triển khai từ lâu. Tiền thân là một doanh nghiệp từ Bộ Quốc phòng, sau khi thoái vốn, HDG đã tận dụng quỹ đất từ Bộ Quốc phòng và phát triển quỹ đất thông qua M&A.
Sau khi thoái vốn, HDG đã tập trung phát triển quy mô các dự án bất động sản từ mức trung bình 2ha/dự án lên mức cao hơn 6,8ha (Hado Centrosa Garden) và 30ha (Hado Charm Villas).
Ngoài ra, HDG còn thu được lợi nhuận đến từ các mảng phụ như xây dựng, kinh doanh khách sạn, cho thuê và quản lý vận hành các bất động sản đều mang lại doanh thu ổn định hàng năm.
CHIẾN LƯỢC KINH DOANH
Phát triển trọng tâm mảng Bất động sản và mảng điện : HDG tập trung phát triển các dự án điện và bất động sản theo quy mô lớn dần để nâng cao khả năng cạnh tranh, trong khi hai mảng này có những điểm đặc thù cơ bản về sự ổn định: [1] Ngành điện đem lại dòng tiền tương đối ổn định và có thể đứng vững trước những biến đổi khó lường của chu kỳ kinh tế, [2] Hoạt động cho thuê Bất động sản và kinh doanh khách sạn tương đối ổn định và tăng trưởng nhẹ. Nhưng tồn tại tính bất cập: [3] Ngành điện phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, cơ chế và chính sách từ đối tác và chính phủ [4] Ngành bất động sản do ghi nhận một lần theo dự án nên biến động doanh thu phụ thuộc nhiều vào tiến độ và quy mô dự án của doanh nghiệp.
Việc phát triển đa ngành giúp tập đoàn tận dụng linh hoạt chu kỳ của hai ngành và đa dạng hóa rủi ro gặp phải. Ngoài ra, dòng tiền ổn định từ mảng này có thể phụ trợ cho mảng kia. Sự vận dụng linh hoạt này được thể hiện khi lợi nhuận sau thuế của HDG luôn được giữ ổn định và tăng trưởng.
Tham vọng lấn xân mảng khu công nghiệp: Trong 2023-2024 công ty đã lập nghiên cứu quy hoạch cho các dự án Bất động sản Khu công nghiệp tại Hưng Yên, Thái Bình, Long An, Cần Thơ, Ninh Thuận với quy mô hơn 1,000 ha. Nếu các dự án này mang tính khả thi cao, cùng khả năng quản lý chi phí, khai thác vận hành hiệu quả. HDG sẽ nhanh chóng ghi dấu trên thị trường Bất động sản khu công nghiệp trong dài hạn.
CƠ CẤU CỔ ĐÔNG
Cơ cấu cổ đông của HDG tương đối đa dạng với mức sở hữu của ông Nguyễn Trọng Thông và gia đình sở hữu hơn 40%, hiện ông Nguyễn Trọng Thông đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị sau hơn 30 năm công tác và chuyển giao vị trí cho ông Nguyễn Xuân Long. Ông Nguyễn Trọng Minh đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc. Cơ cấu cổ đông của HDG tương đối đa dạng với các quỹ và Ban lãnh đạo gắn bó với doanh nghiệp trong nhiều năm liên tiếp.
LỢI THẾ CẠNH TRANH
Vị thế đắc địa từ các dự án có nguồn cầu cao: Tổng hợp từ doanh nghiệp, người viết nhận thấy lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp này là tương đối vững chắc trong cả hai mảng kinh doanh chủ lực [i] Các dự án tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hồ Chí Minh: Hoài Đức, Cầu Giấy, Quận Gò Vấp, Quận 12,… [ii] chiến lược đặc biệt của ban lãnh đạo khi chọn các địa điểm có tiềm năng hấp thụ cao khi các dự án được đặt tại vị trí ven đô và có tình hình phát triển kinh tế vùng cao.
Ngoài ra, các địa điểm ven đô như Hoài Đức sở hữu lợi thế khi nối liền giữa các huyện nội/ngoại thành Hà Nội. Hạ tầng giao thông quan trọng như: Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, tỉnh lộ 422, 423 và đường đê tả Đáy và môi trường sống trong lành là địa điểm ưa thích của nhiều người lao động khi lựa chọn an cư lạc nghiệp tại Hà Nội. Tại thành phố Hồ Chí Minh, các dự án lại được đặt tại nhiều khu đất vàng trong lòng nội thành như Quận Tân Bình, Quận Gò Vấp tích hợp nhiều tiện ích thuận lợi như: Trường Đại học, Bệnh viện, kết nối giao thông… và luôn hiện diện tỷ lệ hấp thu cao.
[iii] Ưu thế về khả năng chịu áp lực lãi vay so với các doanh nghiệp cùng ngành: Tỷ lệ bao phủ lãi vay của HDG luôn duy trì ổn định trong khi các doang nghiệp cùng ngành có chiều hướng giảm dần và biến động mạnh. Đặc biệt với các dự án bất động sản sử dụng vốn vay khá thấp giúp HDG có lợi thế khi thị trường bước vào giai đoạn khó khăn, trong khi các doanh nghiệp cùng ngành chịu áp lực lãi vay và vấn đề thanh khoản.
Khả năng đàm phán các khoản vay mới với lãi suất thấp: Hiện nay dư nợ các khoản vay ngân hàng của HDG được cung cấp bởi BIDV, VietcomBank, Viettinbank và có một khoản nợ ngoại tệ EUR với lãi suất bình quân các khoản nợ 6-7%. Phần lớn các khoản nợ dài hạn để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo. HDG luôn chủ động đàm phán giảm thiểu biên độ lãi vay các dự án từ bình quân 2,6% xuống 2,1% với các dự án thủy điện. Điều này thể hiện khả năng tài chính vững mạnh và mức uy tín cao của tập đoàn trong khả năng thanh toán các khoản vay trong tương lai.