Công ty Cổ phần cao su Đắk Lắk có vốn thuộc sở hữu Nhà nước chiếm 99%. Thời gian qua, doanh nghiệp này liên tục gặp những rắc rối liên quan đến pháp luật. Dư luận đang tò mò về mức lương chi trả cho các lãnh đạo điều hành doanh nghiệp này.
Công ty Cổ phần cao su Đắk Lắk có trụ sở chính đặt tại số 30 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là: Trồng cây cao su, chế biến, mua bán mủ cao su; trồng cây nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như chuối, mít, sầu riêng, dứa; kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, khu du lịch.
Công ty này được tổ chức quản lý và hoạt động theo mô hình gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Tổng Giám đốc.
Theo báo cáo hợp nhất, nguồn hoạt động chủ đạo của công ty đến từ việc bán mủ cao su, chiếm tỷ trọng 79,37%. Cụ thể, về sản lượng tiêu thụ, tổng sản phẩm mủ cao su xuất bán trong năm 2023 ước đạt 7.502,4 tấn sản phẩm cao su quy khô, vượt kế hoạch 12,7%.
Mặc dù sản lượng tiêu thụ trong năm 2023 có tăng lên so với năm 2022, nhưng nhìn chung công tác tài chính về doanh thu vẫn ghi nhận giảm. Cụ thể, tổng doanh thu ghi nhận 226 tỷ đồng, giảm 18,94% so với cùng kỳ trước đó.
Trong đó, doanh thu bán mủ cao su và các sản phẩm chỉ thun, vật tư khác giảm lần lượt là 12,41% và 56,31%, tương đương giảm hơn 109 tỷ và gần 122 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ Chi nhánh Nhà máy Sợi chỉ thun có ít đơn đặt hàng, dẫn đến sản lượng sản xuất cũng giảm. Ngoài mảng cao su suy giảm, hoạt động về dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, du lịch của Dakruco cũng giảm 701 triệu đồng, tương đương 3,51% so với cùng kỳ năm 2022.
Hệ số nợ/tổng tài sản tại ngày 31/12/2023 là 31,53%, thấp hơn 2,24% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cũng giảm đến 46,05%, tức giảm 4,93% so với năm trước.
Nguyên nhân là do nợ dài hạn của công ty chiếm phần lớn trong tổng nợ phải trả trong năm 2023, giảm gần 75 tỷ đồng, do chủ yếu đến từ các khoản vay tài chính đã được công ty thanh toán, trong đó đáng chú ý là công ty đã trả hết toàn bộ khoản nợ vay dài hạn trị giá 80,9 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tại Lào và Ngân hàng TMCP Á Châu - Chi nhánh Đắk Lắk.
Đồng thời, tổng tài sản năm 2023 ghi nhận mức giảm hơn 131 tỷ đồng đa phần là do sự giảm đi của tài sản ngắn hạn, giảm mạnh nhất là các khoản tiền và đương đương tiền, các khoản phải thu ngắn hạn. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu giảm hơn 31 tỷ đồng chủ yếu đến từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Vì vậy, nên hệ số nợ/vốn chủ sở hữu giảm 4,93%.
Trong năm 2023, tổng tài sản công ty ghi nhận đạt 2.490 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước. Công ty này đang quyết tâm bán khách sạn Dakruco và khối nhà làm việc theo phương thức chuyển nhượng đấu giá công khai, giá khởi điểm 140 tỷ đồng. Số tiền thu được dùng để thanh toán các khoản nợ.
Theo báo cáo thường niên của công ty, mức lương của các lãnh đạo công ty được chi trả năm 2023 gồm: Ông Nguyễn Viết Tượng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị được trả 431.400.000 đồng; ông Bùi Quang Ninh - Tổng Giám đốc (sở hữu 6.600 cổ phần, chiếm tỷ lệ 0,0041%) được trả 409.366.000 đồng; ông Nguyễn Độ - Phó Tổng Giám đốc (sở hữu 4.700 cổ phần, chiếm 0,0029%) được trả 320.554.000 đồng; ông Nguyễn Minh - Phó Tổng Giám đốc (sở hữu 2.000 cổ phần, chiếm 0,0012%) được trả 306.773.000 đồng.
Như Báo Thanh tra đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố nhiều đối tượng để điều tra vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại doanh nghiệp này.
Cụ thể, vào năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố Võ Tiến Hùng, nguyên Phó phòng Kỹ thuật Kế hoạch đầu tư và Văn Đức Lư, nguyên Tổng Giám đốc Công ty.
Mới đây hồi tháng 4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can đối với Bùi Quang Ninh - thành viên Hội đồng Quản trị - Tổng Giám đốc Dakruco để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra năm 2002-2012 tại công ty.