Hé lộ số tiền TikTok đã 'đốt' cho thương mại điện tử

Nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok vừa công bố báo cáo tiết lộ thêm về mức đầu tư của công ty đối với mảng thương mại điện tử đang lên của họ.

Hơn 400 triệu USD là khoản đầu tư về nhân lực, công nghệ mà TikTok đã đầu tư cho mảng thương mại điện tử - TikTok Shop trong năm 2023 nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm và xây dựng cộng đồng người bán hàng. Đây là những số liệu được nền tảng chia sẻ video ngắn này công bố trong báo cáo TikTok Safety Report.

Trước đó, tháng 6/2023, CEO TikTok Shou Zi Chew tuyên bố nền tảng này sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực Đông Nam Á trong nhiều năm tới. Tháng 1, TikTok hoàn thành chuyển giao quyền điều hành mảng thương mại điện tử Tokopedia từ tập đoàn GoTo (Indonesia) trong thương vụ trị giá 1,5 tỷ USD.

TikTok Shop bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam ở Việt Nam từ tháng 4/2022. (Ảnh: Thành Vũ ).

Năm 2021, TikTok Shop bắt đầu mở rộng từ khu vực Đông Nam Á sáng các thị trường khác như Vương quốc Anh, Mỹ. Trong quá trình này, mảng thương mại điện tử của TikTok Shop phát triển hơn 15 triệu người bán trên khắp thế giới. Trong đó, hơn 6 triệu nhà bán hàng đăng ký tham gia nền tảng vào nửa cuối năm 2023.

Riêng với thị trường Việt Nam, tại sự kiện TikTok Shop Summit diễn ra giữa tháng 4, ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam cho biết hiện có hơn 2,8 triệu người bán đang tham gia nền tảng thương mại điện tử này. Năm ngoái, số lượng các nhà bán hàng tại Việt Nam duy trì GMV (tổng giá trị hàng hoá) tăng ba lần, lượt xem các phiên livestream và các video ngắn tăng 12 lần.

Ngoài ra, TikTok cũng cho biết đã tăng cường đầu tư để chống gian lận trên thương mại điện tử. Báo cáo của TikTok cho biết: "Là một phần trong các khoản đầu tư của chúng tôi để giữ an toàn cho TikTok Shop và người dùng, chúng tôi sử dụng kết hợp các công cụ và công nghệ trước và sau khi sản phẩm được lên gian hàng và nội dung được tải lên".

Các mô hình phát hiện này được đào tạo để xác định nội dung và sản phẩm có thể vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu và các chủ sở hữu quyền khác. Sau khi phát hiện, các sản phẩm sẽ được xem xét kỹ lưỡng và nội dung vi phạm sẽ nhanh chóng bị xóa khỏi nền tảng. Chính sách này áp dụng cho tất cả hoạt động trên TikTok Shop.

Công ty nói họ đã tăng đội ngũ quản trị giám sát hoạt động mua sắm lên hơn 7.500 người vào năm 2023. ​​Đồng thời, TikTok đã chặn hơn 37 triệu sản phẩm xuất hiện trên ứng dụng này vào nửa cuối năm ngoái và xóa 133.000 sản phẩm xuất hiện trên gian hàng bởi các vấn đề như gian lận, sản phẩm giả và vi phạm sở hữu trí tuệ.

Hiện TikTok Shop đang là sàn thương mại điện tử có thị phần đứng thứ hai tại Việt Nam, sau Shopee nếu xét về quy mô GMV, theo báo cáo quý I vừa được YouNet ECI công bố. 4 nền tảng thương mại điện tử Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki mang về tổng cộng 79.120 tỷ đồng GMV, tiêu thụ 768,44 triệu đơn vị sản phẩm trong ba tháng đầu năm.

Trong đó, TikTok Shop giữ đà trưởng với 15,5% GMV, tương đương 12.236 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch trên nền tảng TikTok Shop cao gấp ba lần trên Lazada khi sàn thương mại điện tử do Alibaba hậu thuẫn chỉ chiếm 7,6% tổng GMV với hơn 6.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Phương Lâm, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường, YouNet ECI nhận định Shoppertainment (Mua sắm kết hợp giải trí) là động lực chính giúp thương mại điện tử Việt Nam giữ đà tăng trưởng. YouNet ECI dự báo từ nay đến năm 2025, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ ghi nhận tăng trưởng GMV trung bình mỗi năm 25%, đạt xấp xỉ 16,8 tỷ USD trong năm 2025.

Thành Vũ

https://vietnambiz.vn/he-lo-so-tien-tiktok-da-dot-cho-thuong-mai-dien-tu-202451105954964.htm