Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) vừa có thông tin đến báo chí liên quan đến kết quả sản xuất kinh doanh, trong đó ghi nhận những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các khoản vay, lãi vay đều được trả đầy đủ, đúng hạn và không ảnh hưởng đến dòng tiền, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lợi ích của cổ đông.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh giai đoạn 2019-2023
Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư - thi công - quản lý vận hành các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam. HHV đã tham gia đầu tư các dự án hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng như: Chuỗi hầm Đèo Cả - Cổ Mã - Cù Mông - Hải Vân 2, dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo… các công trình đều bảo đảm tiến độ, chất lượng và tổng mức đầu tư.
HHV ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng hằng năm. Doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 2.685 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 364 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2019-2023 lần lượt đạt 54% và 24%.
Kết quả sản xuất kinh doanh riêng của HHV tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2019-2023, doanh thu tăng gấp 4 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 10 lần so với thời điểm 2019. Các chỉ tiêu hệ số thanh toán ngắn hạn, hệ số thanh toán nhanh đều ở mức an toàn (lần lượt đạt 2.16 và 2.03). Vốn luân chuyển là 664 tỷ đồng.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: HÀ LIÊN
Trong bối cảnh dư địa phát triển ngành giao thông Việt Nam rất lớn, Đèo Cả kiên định với chiến lược tăng trưởng tập trung, đi trong vòng tròn năng lực phát triển hạ tầng giao thông. Với các nhiệm vụ cụ thể cho các giai đoạn ngắn hạn - trung hạn - dài hạn, phát triển mạnh cả về quy mô và các sản phẩm công trình giao thông.
Từ nay đến năm 2025, Đèo Cả tham gia nghiên cứu đầu tư gần 300km đường cao tốc là các dự án Tân Phú - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương… với tổng mức đầu tư gần 60.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HHV đang nghiên cứu đầu tư Dự án Metro 2 giai đoạn III Thành phố Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư gần 60.000 tỷ đồng.
Về khoản vay dài hạn của Công ty HHV
Đặc thù các dự án đầu tư PPP có cơ cấu vốn tham gia dự án bao gồm vốn Ngân sách Nhà nước, vốn chủ sở hữu và phần vốn huy động do nhà đầu tư huy động.
Các dự án hạ tầng giao thông do HHV đầu tư được triển khai qua hình thức hợp đồng BOT trước thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) có hiệu lực (ngày 1-1-2021), gần như không có sự tham gia của vốn nhà nước, phần vốn chủ sở hữu nhà đầu tư theo quy định từ 10-15% tổng mức đầu tư, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động khác.
Tại thời điểm ngày 31-3-2024, HHV ghi nhận khoản dư nợ vay dài hạn gần 20.000 tỷ đồng. Đây phần lớn là các khoản đầu tư cho 3 dự án BOT: Chuỗi hầm Đèo Cả - Cù Mông - Cổ Mã - Hải Vân; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia; tỷ suất lợi nhuận các khoản đầu tư được Nhà nước bảo đảm ở mức 11-11,5%/năm.
Trước khi Ngân hàng quyết định cấp tín dụng đều được thẩm định về pháp lý, tính khả thi, khả năng trả nợ và hiệu quả dự án. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay là quyền thu phí. Các dự án đều đã đưa vào khai thác, tạo ra nguồn thu ổn định và tăng trưởng đều hằng năm. Cụ thể, doanh thu thu phí năm 2023 đạt 1.572 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Nguồn tiền, dòng tiền ổn định, lịch trả nợ đã được sắp xếp phù hợp với vòng thời gian thu phí hoàn vốn của dự án. Do đó, các khoản vay, lãi vay đều được trả đầy đủ, đúng hạn và không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lợi ích của cổ đông.
Theo HHV, các khoản nợ dài hạn là vấn đề rất bình thường ở các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông đặc biệt là các dự án đầu tư theo phương thức PPP hiện nay, khi tổng mức đầu tư lớn, hơn 10.000 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn kéo dài, tỷ lệ tham gia vốn của Nhà nước thấp, khả năng cho vay và lãi suất của Ngân hàng khá cao.
Cao tốc
Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đầu từ theo phương thức PPP do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh nhà đầu tư. Ảnh: HÀ LIÊN
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả khẳng định, HHV và Tập đoàn Đèo Cả đang kiên định với chiến lược và cách làm của mình từ việc vận hành khai thác, thi công đến tham gia đầu tư các dự án nhằm bảo đảm hoạt động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên cơ sở quản người, quản việc và quản lợi ích. Luôn nghiêm túc thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ với cơ quan nhà nước, cổ đông, đối tác, các tổ chức tín dụng.
Đèo Cả được biết đến là doanh nghiệp “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật” được nhiều địa phương mời gọi đầu tư như Cao Bằng, Lạng Sơn để thực hiện đầu tư các Dự án PPP như cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khởi công ngày 1-1-2024, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng khởi công ngày 21-4-2024.
Không chỉ khởi công mà Đèo Cả còn liên tục khánh thành các Dự án cao tốc trong thời gian qua như: Cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, Nghi Sơn – Diễn Châu, đặc biệt Dự án PPP Cam Lâm - Vĩnh Hảo được khánh thành 28-4-2024 vừa qua.
Chính phủ cùng các Bộ ngành địa phương đã tham dự đánh giá cao về quyết tâm, nỗ lực hoàn thành dự án, đặc biệt sáng tạo mô hình PPP++ đã huy động đa dạng các nguồn vốn để thực hiện hoàn thành các dự án có vốn đầu tư lớn triển khai trong các điều kiện khó khăn: Đấu thầu giảm giá gần 1.000 tỷ đồng, điều kiện địa hình, đường tiếp cận khó khăn, thực hiện trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, bão giá vật liệu xảy ra,…
Để chuẩn bị cho việc hoạch định đầu tư, thi công, quản lý vận hành các dự án lớn, Tập đoàn Đèo Cả áp dụng mô hình huy động vốn PPP++, chủ động đào tạo nhân sự từ công nhân, kỹ sư đến các nhà quản lý thông qua việc kết nối hợp tác với các trường cao đẳng, đại học trong nước và quốc tế để đào tạo cho chính mình và các đối tác chiến lược.
Tháo gỡ khó khăn cho dự án BOT
Tại một số dự án do Tập đoàn Đèo Cả tham gia đầu tư đã được hoàn thành và đang vận hành khai thác vẫn còn một số tồn tại liên quan đến việc thay đổi trong cơ chế, chính sách của Nhà nước. Các dự án này đã được Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Lạng Sơn ghi nhận báo cáo Chính phủ, Quốc hội thống nhất tháo gỡ.
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương và cả nước. Ảnh: HÀ LIÊN
Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả là dự án trọng điểm quốc gia, được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư huy động là 16.564 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia hỗ trợ là 5.048 tỷ đồng. Kể từ đầu năm 2021, toàn bộ các hạng mục thuộc dự án bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân đã được đưa vào hoạt động theo đúng cam kết tại hợp đồng BOT. Chính phủ đã thống nhất bố trí bổ sung phần vốn NSNN còn thiếu cho dự án hầm đường bộ qua đèo Cả. Đến nay, Bộ Giao thông vận tải và doanh nghiệp dự án, Nhà đầu tư đang hoàn thiện và ký kết phụ lục Hợp đồng BOT làm cơ sở để giải ngân nguồn vốn.
Trạm La Sơn – Túy Loan nằm trong số các trạm thu phí được bố trí để thu phí hoàn vốn dự án theo hợp đồng dự án được ký kết. Tuy nhiên, việc hoàn vốn cho dự án từ nguồn thu tại trạm này không được triển khai do điều chỉnh về cơ chế. Bộ GTVT đã đề xuất phương án bổ sung khoảng 2.280 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ nhằm đảm bảo phương án tài chính của dự án thay thế quyền thu phí trạm La Sơn – Túy Loan để hoàn vốn.
Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn bị đình trệ nhiều năm cho đến khi được nhà đầu tư Đèo Cả “giải cứu”. Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn dài 63km hoàn thành chỉ sau gần 2 năm cho đến nay vẫn là kỷ lục về tiến độ làm đường cao tốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa có phần vốn ngân sách Nhà nước tham gia.
Dự án bị cắt giảm 1 trạm thu phí so với hợp đồng dự án ban đầu. Theo phương án tài chính ký tại hợp đồng BOT, việc bỏ trạm thu phí dẫn đến giảm nguồn thu khoảng 5.457 tỷ đồng trong cả vòng đời dự án. Miễn giảm giá vé cho người dân sinh sống xung quanh trạm thu phí phạm vi lên đến 10km dẫn đến giảm doanh thu đến hiện nay khoảng 220 tỷ đồng. Các nhà đầu tư đã không tham gia vốn góp như cam kết, ngân hàng cung cấp tín dụng cũng dừng giải ngân cho dự án. Đèo Cả đã cho vay vốn để góp vào dự án nhằm bảo đảm việc hoàn thành, chi trả một phần khó khăn cho các Nhà thầu.
UBND tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo Chính phủ đề nghị hỗ trợ 5.600 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương để đảm bảo phương án tài chính, tháo gỡ các vướng mắc tồn đọng tại dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.
Với sự quan tâm hỗ trợ của địa phương, các bộ, ngành và Chính phủ sẽ tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp hiện nay. Thông qua việc hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc từ Hà Nội – Lạng Sơn – Cao Bằng lưu lượng, doanh thu sẽ tăng trưởng, sớm bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án để bảo đảm phương án tài chính.