Trước thông tin Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV ) có nguy cơ phá sản khi gánh khối nợ vay dài hạn lên đến 20.000 tỷ đồng, Tập đoàn Đèo Cả đã có thông tin chính thức.
Các khoản nợ vay đều nằm trong phương án tài chính của các dự án
Ông Ngọ Trường Nam - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả.
Trả lời báo chí về việc vừa qua một số phương tiện truyền thông đăng tải thông tin Giao thông Đèo Cả đối diện nguy cơ vỡ nợ, phá sản, khả năng trả nợ yếu, mất khả năng thanh toán, ông Ngọ Trường Nam - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh “Đây là các thông tin không chính xác!”.
Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả khẳng định Giao thông Đèo Cả là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, thi công, quản lý vận hành các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
Tính đến nay, Giao thông Đèo Cả đã tham gia đầu tư các dự án hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng gồm chuỗi hầm Đèo Cả - Cổ Mã - Cù Mông - Hải Vân 2, hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo…
Thẳng thắn chia sẻ về con số thống kê tại thời điểm ngày 31/3/2024, Giao thông Đèo Cả ghi nhận khoản dư nợ vay dài hạn gần 20.000 tỷ đồng, ông Ngọ Trường Nam cho biết: “Phần lớn dư nợ là các khoản đầu tư cho 3 dự án BOT: Chuỗi hầm Đèo Cả - Cù Mông - Cổ Mã - Hải Vân; Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia. Khoản dư nợ vay dài hạn này đã nằm trong phương án tài chính của các dự án và đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng thẩm định, phê duyệt. Tỷ suất lợi nhuận các khoản đầu tư được Nhà nước bảo đảm ở mức 11-11,5%/năm”.
Các khoản nợ vay dài hạn của Giao thông Đèo Cả đều nằm trong phương án tài chính của các dự án và được được thẩm định, phê duyệt.
Các dự án hạ tầng giao thông do Giao thông Đèo Cả đầu tư được triển khai qua hình thức hợp đồng BOT trước thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) có hiệu lực (ngày 1/1/2021), gần như không có sự tham gia của vốn nhà nước, phần vốn chủ sở hữu nhà đầu tư theo quy định từ 10-15% tổng mức đầu tư, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động khác.
Trước khi Ngân hàng quyết định cấp tín dụng đều được thẩm định về pháp lý, tính khả thi, khả năng trả nợ và hiệu quả dự án. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay là quyền thu phí. Các dự án đều đã đưa vào khai thác, tạo ra nguồn thu ổn định và tăng trưởng đều hằng năm.
Cụ thể, doanh thu thu phí năm 2023 đạt 1.572 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Nguồn tiền, dòng tiền ổn định, lịch trả nợ đã được sắp xếp phù hợp với vòng thời gian thu phí hoàn vốn của dự án.
“Do đó, các khoản vay, lãi vay đều được trả đầy đủ, đúng hạn và không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lợi ích của cổ đông”, ông Ngọ Trường Nam nhấn mạnh.
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cũng cho biết, các khoản nợ dài hạn là vấn đề rất bình thường ở các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông đặc biệt là các dự án đầu tư theo phương thức PPP hiện nay, khi tổng mức đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, tỷ lệ tham gia vốn của Nhà nước thấp,…
Tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận 5 năm gần nhất đạt 24%
Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh Giao thông Đèo Cả ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng hằng năm. Doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 2.685 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 364 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2019-2023 lần lượt đạt 54% và 24%.
Các chỉ tiêu hệ số thanh toán ngắn hạn, hệ số thanh toán nhanh đều ở mức an toàn, lần lượt đạt 2,16 và 2,03 lần.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HHV của Giao thông Đèo Cả trong năm 2023. (Nguồn: TradingView)
Trong bối cảnh dư địa phát triển ngành giao thông Việt Nam rất lớn, Giao Thông Đèo Cả kiên định với chiến lược tăng trưởng tập trung. Công ty cũng luôn nghiêm túc thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ với cơ quan nhà nước, cổ đông, đối tác, các tổ chức tín dụng.
Điều này đã được thể hiện qua việc nhiều địa phương mời gọi Tập đoàn Đèo Cả nói chung, Giao thông Đèo Cả đầu tư như Cao Bằng, Lạng Sơn để thực hiện đầu tư các Dự án PPP như cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khởi công ngày 1/1/2024, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng khởi công ngày 21/4/2024.
Không chỉ khởi công mà Đèo Cả còn liên tục khánh thành các Dự án cao tốc trong thời gian qua như: Cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45, Nghi Sơn – Diễn Châu, đặc biệt Dự án PPP Cam Lâm - Vĩnh Hảo được khánh thành 28/4/2024 vừa qua.
Từ nay đến năm 2025, Giao thông Đèo Cả tham gia nghiên cứu đầu tư gần 300 km đường cao tốc là các dự án Tân Phú - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương… với tổng mức đầu tư gần 60.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Giao thông Đèo Cả đang nghiên cứu đầu tư Dự án Metro 2 giai đoạn 3 TP.Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư gần 60.000 tỷ đồng.
Duy Quang