Doanh thu xây lắp tăng tưởng tới hơn 43% so với cùng kỳ năm trước giúp Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) thực hiện được 28% kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với doanh thu thuần đạt 690 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phần lớn doanh thu của HHV đến từ các trạm thu phí BOT với mức gần 477 tỷ đồng và doanh thu xây lắp đạt hơn 196 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 43%. Trong đó, doanh thu xây lắp chủ yếu đến từ các gói thầu dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Khấu trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, HHV lãi ròng 96 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Năm 2024, HHV đặt kế hoạch doanh thu thuần hơn 3.146 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 404 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 11% so với năm 2023. Kết thúc quý I/2024, so với kế hoạch, HHV đã thực hiện được 22% chỉ tiêu doanh thu và 28% chỉ tiêu lãi sau thuế.
Tại thời điểm 31/3/2024, HHV có tổng tài sản hơn 37.660 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với đầu năm. Cơ cấu nguồn vốn tập trung vào tài sản dài hạn hơn 36.156 tỷ đồng, chiếm tới 96% và tài sản ngắn hạn gần 1.504 tỷ đồng.
Trong bối cảnh năm 2024 là năm thứ 4 triển khai thực hiện Kế hoạch vốn đầu tư ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kế hoạch vốn là 657.000 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2023, HHV nói riêng và các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông nói chung được đánh giá là những đơn vị sẽ hưởng lợi từ làn sóng này.
Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2025, HHV sẽ đầu tư gần 400km đường cao tốc, với vai trò là nhà đầu tư dẫn đầu tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng), Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), là nhà đầu tư đề xuất dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng), TP. HCM - Chơn Thành (Bình Phước), Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2)… với tổng mức đầu tư gần 100.000 tỷ đồng.
Trong đó, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng đã được khởi công vào ngày 1/1/2024; cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng 11.024 tỷ đồng cũng vừa được khởi công vào cuối tháng 4 vừa qua.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, hàng không có triển vọng rất lớn trong giai đoạn tới.
Theo ông Thịnh, nhà nước hiện có nhiều chính sách để thu hút đầu tư PPP hạ tầng giao thông, bối cảnh đầu tư công nhiều thuận lợi với các chính sách tăng cường giải ngân vốn đầu tư công đã, đang và sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp bắt kịp xu thế phát triển, củng cố vững chắc về nguồn lực, tiệm cận với các công nghệ - kỹ thuật hiện đại trên thế giới, quản trị và liên kết tốt để đáp ứng được các yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của các sản phẩm hạ tầng giao thông, thì đây chính là giai đoạn để các doanh nghiệp sở hữu nguồn việc dồi dào, tạo ra “sức bật” để tăng trưởng vượt bậc.
“Cần phải nói thêm rằng, khi nhiều ngành nghề đầu tư đang chững do khó khăn chung của nền kinh tế, tín dụng tăng trưởng chậm như hiện nay, các dự án PPP với tỷ suất lợi nhuận lớn hơn lãi vay ngân hàng, có nguồn doanh thu ổn định từ hoạt động vận hành thu phí là cơ hội để các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, ngân hàng cấp tín dụng tham gia đầu tư thu về lợi nhuận”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nói.