Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả thường xuyên rơi vào tình cảnh “khả năng trả nợ yếu”. Phải đến thời kỳ Covid-19, nguy cơ phá sản mới thực sự hiển hiện rõ. Tuy nhiên, trong quý 1/2024, ngân hàng vẫn rót thêm hàng trăm tỷ đồng.
Ảnh chụp màn hình: Quang Dân
Nợ ngắn hạn vượt tài sản dài hạn, khả năng trả nợ yếu
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả ( HHV ) là một trong những ông lớn trong ngành Giao thông. Công ty góp mặt trong nhiều dự án giao thông huyết mạch của cả nước. Dù có vị thế lớn nhưng HHV lại thường xuyên rơi vào tình cảnh “khả năng trả nợ yếu”.
Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, HHV cũng gặp nhiều khó khăn, một trong những khó khăn lớn nhất là dòng tiền suy yếu khi mà tài sản ngắn hạn giảm nhưng nợ ngắn hạn lại tang, từ đó đẩy HHV vào tình cảnh tăng nguy cơ phá sản.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2019, HHV ghi nhận 2.031 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 2.689 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Với các chỉ tiêu này, hệ số khả năng thanh toán hiện thời của HHV là 0,76.
Theo lý thuyết kế toán, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện “khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.
0,76 mới chỉ nhỏ hơn 1, chứ chưa tiến dần về 0. Điều đó có nghĩa HHV mới chỉ trong vùng “khả năng trả nợ yếu”. Trước năm 2019, tình trạng này cũng đã diễn ra nhưng hệ số thường sát 1 nên dòng tiền HHV không quá đáng báo động.
Tuy nhiên, sau khi Covid-19 xuất hiện, ngay trong năm đầu tiên (2020), hệ số này bất ngờ giảm sâu, xa dần mốc 1 và tiến sát về 0 hơn khiến nguy cơ phá sản gia tăng.
Tại ngày 31/12/2020, trong khi tài sản ngắn hạn giảm sâu xuống 1.444 tỷ đồng, thì nợ ngắn hạn lại tăng mạnh lên 3.577 tỷ đồng. Kết quả là hệ số khả năng thanh toán hiện thời giảm sâu từ 0,75 xuống chỉ còn 0,4.
Tới năm 2021, hệ số nhích nhẹ lên 0,42 sau đó xuống “đáy” 0,3 trong năm 2022 và 0,37 trong năm 2023. Tới ngày 31/3/2024, hệ số này được cải thiện chút ít nhưng vẫn đứng ở mức thấp 0,52.
So với năm 2019 (thời điểm trước Covid-19), nguy cơ phá sản vẫn tăng ở HHV .
Biểu đồ: Quang Dân
Ngân hàng vẫn rót thêm hàng trăm tỷ đồng
Trong năm 2023, dù hệ số khả năng thanh toán hiện thời ngày càng tiến gần về 0, HHV vẫn được các nhà băng rót thêm hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, về vay ngắn hạn, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh Hà Nội là chủ nợ lớn nhất của HHV với dư nợ hơn 723 tỷ đồng. Trong kỳ, đơn vị này không cho vay thêm mà thu hồi khoản vay hơn 286 tỷ đồng.
Trong khi đó, chủ nợ lớn thứ hai là VietinBank - Chi nhánh Đà Nẵng cho HHV vay thêm 320 tỷ đồng. Thế nhưng, do HHV trả nợ 254 tỷ đồng nên dư nợ tại đơn vị này chỉ còn là 179 tỷ đồng.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) - Chi nhánh Thăng Long Hà Nội, HHV được vay thêm 134 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm, HHV thanh toán gần 144 tỷ đồng nợ vay nên hồi cuối năm 2023, dư nợ của HHV tại nhà băng này chỉ là 53,1 tỷ đồng.
Bước sang quý I/2024, VietinBank - Chi nhánh Đà Nẵng, TP Bank - Chi nhánh Thăng Long Hà Nội... cho HHV vay thêm 72,6 tỷ đồng, 2,7 tỷ đồng.
Có thể thấy, dù nguy cơ phá sản tăng mạnh với HHV trong nhiều năm qua nhưng ngân hàng vẫn rót thêm hàng trăm tỷ đồng cho ông lớn giao thông này. Dù vậy, con số được “thêm” vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với tổng nợ mà công ty đang gánh.
Tại ngày 31/3/2024, HHV ghi nhận vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm nhẹ từ 19.280 tỷ đồng xuống 19.168 tỷ đồng; vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm từ 1.004 tỷ đồng xuống 931 tỷ đồng.
Như vậy, tổng nợ vay của HHV hồi cuối quý 1/2024 dù giảm nhưng vẫn ở mức cao ngất ngưởng 20.099 tỷ đồng. Cộng với các khoản nợ khác, nợ phải trả của HHV lên đến 27.834 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD).
Quang Dân