Hiểu đúng về câu "Tin ra là bán"

Trong đầu tư, chúng ta hay nghe về câu nói tin ra là bán. Ý tứ của câu này là thông tin đã được thị trường phản ánh vào giá cổ phiếu. Tức là giá đã đi trước thông tin, vì thế khi thông tin được công bố thì sẽ là lúc bán chốt lời. Câu này không đúng hoàn toàn mà phải vận dụng vào tùy từng tình huống cụ thể.

Khi mọi người mua một cổ phiếu để đón trước 1 sự kiện nào đó là xúc tác tăng giá cho một cổ phiếu, ví dụ một sản phẩm/dự án mới sắp bàn giao, một vụ bán vốn lớn, một vụ thâu tóm/sát nhập, một vụ niêm yết cửa sau, hay một thông tin dự báo về kết quả kinh doanh quý sắp tới của CEO… Khi sự kiện thông tin đó chính thức xảy ra, sẽ có một số tình huống xảy ra.

Tình huống thứ nhất, giá cổ phiếu đã vượt khỏi 1 nền giá khỏe và tăng trên 20%, biểu đồ ngày bắt đầu có những tín hiệu tăng nóng như các khoảng trống, hoặc các phiên tăng trần với khối lượng rất cao… thì khi sự kiện thông tin chính thức được công bố sẽ là thời điểm để chốt lời vì có khả năng hầu hết tiềm năng tăng giá đã được thị trường phản ánh trước. Có thể cổ phiếu đã đạt đỉnh hoặc bắt đầu bước vào giai đoạn tạo đỉnh và xây nền giá mới trước khi tiếp tục tăng cao hơn.

Tình huống thứ 2 là khi sự kiện thông tin chính thức được công bố nhưng giá cổ phiếu vừa mới bắt đầu phá vỡ breakout khỏi nền giá khỏe. Suốt quá trình trước khi tin ra là khoảng thời gian để các tay chơi lớn mua gom làm cổ phiếu tạo nền giá. Cũng có thể do tin tức được giấu kín không rò rỉ ra ngoài từ trước nên giá cổ phiếu chưa phá vỡ nền. Hoặc có thể do thị trường chung đang điều chỉnh nên dù có thông tin rò rỉ mà cổ phiếu vẫn đi ngang tạo nền. Trong tình huống này thì tin ra không phải để bán mà là xúc tác để cổ phiếu có thể tăng giá mạnh. Có nghĩa, tình huống này thì “tin ra là mua”, không phải tin ra là bán. Một ví dụ cho tình huống này là tín hiệu mua khoảng trống lợi nhuận (Earning GAP Buy).

Tình huống thứ 3 là khi sự kiện thông tin còn là tin đồn, giá đã vượt khỏi vùng mua của nền giá khỏe, nhưng chưa đạt mức tăng trên 20% và chưa có những dấu hiệu tăng nóng như tình huống thứ nhất. Trong trường hợp này, khi sự kiện thông tin chính thức được công bố cũng không phải “tin ra để bán” mà cổ phiếu có thể nhờ vào thông tin đó để tiếp tục tăng giá đến khi biểu đồ cho thấy có tín hiệu vùng đỉnh. Ví dụ cho tình huống này là vụ VPB bán 15% vốn cho SMBC, nay tin ra, nhưng theo em thì không phải để bán.

Tóm lại, đối với nhà đầu tư theo xu hướng, phải nhìn vào những tín hiệu trên biểu đồ để bán, chứ không phải “cứ tin ra là bán”.

1 Likes