Tháng Mười vừa qua chứng kiến nhiều biến động, từ vĩ mô thì có tỷ giá lao dốc đến doanh nghiệp lại có vụ bắt bớ mới ở tập đoàn Vạn Thịnh Phát mà tác động liên đới đến cả ngân hàng SCB. Thế nhưng bên cạnh độ phủ mạnh của những tin nóng như vậy thì ít ai để ý rằng ngày 13 tháng trước chính là ngày Doanh nhân Việt Nam – ngày tổ chức hằng năm từ năm 2004 để tôn vinh tinh thần doanh chủ – với chủ đề năm nay cũng khá nóng “Đề cao đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp”.
Tất nhiên không thể cào bằng doanh chủ nào cũng giống doanh chủ nào song cảm giác một số vụ án kinh tế năm nay làm tôi gợi nhớ lại sai phạm ông Trầm Bê tại ngân hàng Phương Nam mà sau này hợp nhất với Sacombank năm 2017. Kể lại câu chuyện ông Trầm Bê thì quả thực có phần tỉ mỉ song nay có chút giấy mực tôi tranh thủ rà soát lại báo cáo tài chính Q3 của “cô hoa hậu Sacombank” mà ông Trầm Bê rất “mê” và cũng là nơi ông chôn vùi sự nghiệp tài chính luôn.
Thời hậu ông Trầm Bê, STB gặp nhiều khó khăn lắm. Thậm chí năm nay chửa vị tất đã tốt ngay song nhìn xa một chút về năm sau thì câu chuyện hoàn tất tái cơ cấu của một bank hàng đầu thế này lại không thể bỏ qua.
Chi tiết tại YouTube Xuân Bắc Invest:
Tại sao STB có thể đạt mức lời sau thuế gần gấp đôi so với cùng kỳ?
Chiều ngày 31/10, STB công bố báo cáo Q3 với nhiều tín hiệu khả quan giống như nhiều bank khác công bố cùng quãng thời gian đó.
Báo cáo Q3 ra vào chiều 31/10 cho thấy nhiều điều tích cực lắm
Có điều thị trường chung không ủng hộ lắm cho nên cổ phiếu trên sàn vẫn cứ èo ọt bất chấp lời thuần từ hoạt động kinh doanh (HĐKD) tăng gấp 2.2 lần svck, đạt gần 4 ngàn tỷ đồng trong khi lời sau thuế đến 1.2 ngàn tỷ đồng, gấp 2 lần svck. Kết 3 quý đầu năm nay thì tổng thu nhập từ HĐKD và lời sau thuế đều tăng trên 30% so với năm ngoái. Nhận được báo cáo Q3 thì tôi không quá ngạc nhiên khi đã có kỳ vọng từ trước đó. Thành tích tốt như vậy đến từ hai nguyên nhân sau đây.
BCTC Hợp nhất Q3 của STB
Thứ nhất, gánh nặng lãi dự thu của Q2 đã không còn nữa. Dẫu xu hướng ngành ngân hàng hiện nay là tăng tỷ trọng phần thu ngoài lãi (NoII) – làm dịch vụ như bảo hiểm hay phân phối trái phiếu - thay vì đặt nặng quá nhiều vào mảng tín dụng đầy rủi ro song không thể phủ nhận rằng nguồn thu từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đối với STB thì con số thu từ lãi (NII) thường chiếm đến 60% trong khi chỉ có trên dưới 40% mà thôi. 5.7 ngàn tỷ đồng là số lãi thuần thu được trong Q3 này, cao gấp đôi so với Q2 trước đó.
Sở dĩ có điều này vì Q2 năm nay STB đã mạnh tay hoàn nhập khoản lãi dự thu với con số khoảng 4 ngàn tỷ để rồi khoản này trên báo cáo Q2 chỉ còn lại 3,9 ngàn tỷ so với 7,9 ngàn tỷ Q1 liền trước đó.
Đến Q3 này thì STB không còn chịu áp lực từ khoản hoàn nhâp tồn đọng như Q2 nữa
Đến đây chắc hẳn nhiều bạn đọc thắc mắc khoản lãi dự thu kỳ lạ này từ đâu. Thực chất đây là thuộc phần tài sản có vấn đề còn tồn đọng hậu sáp nhập với ngân hàng Phương Nam (PNB) của ông Trầm Bê (Chi tiết quá trình sáp nhập này chút nữa tôi chia sẻ sau). Mặc dù là LÃI dự thu song thực chất đây là những khoản LỖ từ nợ xấu thôi: lãi dự thu theo định nghĩa là lãi mà ngân hàng chưa thu được “tiền tươi thóc thật” song vẫn hạch toán vào thu lãi trong kỳ do chính sách kế toán. Trường hợp mà không thu được các khoản này thì ngân hàng phải hoàn nhập kéo theo giảm thu và/ hoặc tăng chi (Chi tiết thuyết minh 4.16.6 của CTG dưới đây). Một số ngân hàng hay xào nấu khoản lãi dự thu này để ghi nhận lời ảo và cũng để làm đẹp sổ sách nữa. Thành thử ra phân tích cổ phiếu ngân hàng cần chú ý khoản này lắm – nằm ở phần Tài sản có khác trên bảng cân đối.
Ví dụ điển hình cho kiểu ghi nhận lời ảo này đến từ chính PNB năm 2012, thời ông Trầm Bê cầm quyền. Mục “Lãi phải thu” bất ngờ tăng lên 6.4 ngàn tỷ từ mức 3.6 ngàn tỷ - chênh 2.8 ngàn tỷ - trong khi thu nhập lãi là 9.4 ngàn tỷ trên bảng kinh doanh. Dòng tiền THỰC thu về trên lưu chuyển chỉ có 6.6 ngàn tỷ. Nhấn mạnh là dòng tiền THỰC thấp hơn cả con số trên báo cáo, cho thấy thực chất có 2.8 ngàn tỷ là lời ảo trên báo cáo kinh doanh. Chưa kể khoản “Tài sản có khác” lúc này chiếm hơn 1/3 tài sản cho thấy chất lượng tài sản PNB đầy vấn đề - vấn đề đó sau này STB lại phải hứng chịu khi sáp nhập hồi 2015.
PNB (2012) Tình trạng ghi nhận lợi nhuận ảo vẫn còn đó. Đáng chú ý mục Tài sản có khác chiếm gần 1/3 tổng tài sản thành ra cơ cấu tài sản có vấn đề
Thực tế chiêu ghi nhận lời ảo này PNB đã thi triển từ 2011 với lãi ảo tương tự: 2.8 ngàn tỷ đồng.
PNB (2011) Khoản lãi ảo trên từ phần dự thu
Trở lại câu chuyện STB hoàn nhập hồi Q2, rõ ràng đây là tín hiệu tốt khi Bank này triệt tiêu dần khối lãi dự thu trên bảng cân đối giúp chất lượng tài sản được nâng cao hơn, dần dà khoản này hết thì KQKD còn cải thiện nữa. Biểu hiện bước đầu thể hiện qua chỉ số Biên lãi thuần (NIM) đã cải thiện lên gần 2.7% từ mức 2.3% trước đó.
Ví dụ điển hình nhất về kết quả kinh doanh cải thiện do hoàn nhập này đến từ CTG năm 2018. Tương tự STB, CTG mạnh tay hoàn nhập hơn 7 ngàn tỷ để khoản lãi phải thu từ 14.5 ngàn tỷ còn có 6.9 ngàn tỷ thôi. Năm đó lãi thuần (NII) và cả lãi sau thuế đều giảm hai con số để rồi những năm sau đó lại trên đà tăng trưởng mạnh mẽ.
CTG thoái thu lãi năm 2018 để làm sạch bảng cân đối thời chú Lê Đức Thọ còn tại vị
Thứ hai, thu từ phí bảo hiểm và thanh lý tài sản đem lại trái ngọt. Khoản thu ngoài lãi (NoII) tăng đột biến lên 7.2 ngàn tỷ trong 3 quý đầu năm, gấp đôi so với cùng kỳ (svck).
Giải thích đơn giản cấu trúc bảng kết quả kinh doanh STB. Mẫu chung cho nhiều ngân hàng khác
Như trình bày phần trên, nguồn thu ngân hàng có hai phần Từ lãi (NII) và Ngoài lãi (NoII), trong NoII thì thu Dịch vụ của STB chiếm tỷ trọng chính – khoảng 65% - và nó đến từ phí bảo hiểm. Cuối năm trước STB đã nâng cấp hợp đồng bán chéo bảo hiểm (Bancassurance) với Dai-ichi-Life cho nên năm nay khoản phí dịch vụ cũng tăng vọt.
Năm nay là tròn 5 năm Sacombank hợp tác bảo hiểm với Dai-ichi Life
Bên cạnh đó, hai quý đầu năm STB đã nhận đủ khoản 2.000 tỷ đồng thanh toán từ “người cũ” TTC Land đối với 5 lô đất đấu giá thành công cuối năm ngoái. Thảo thuận hai bên ghi rõ TTC Land thanh toán trong vòng 6 tháng, nay đã nhận đồng thời ghi đủ.
STB nhận đủ 2000 tỷ đồng từ vụ đấu giá thành công 5 lô đất ở KCN Sóng Thần cho TTC Land
Lãi suất tăng cũng là một rủi ro
“Hướng ứng” thông điệp nâng lãi từ Ngân hàng Nhà nước cũng như dịu đi tình trạng thanh khoản căng cứng, hàng loạt ngân hàng thương mại lớn nhỏ đã có cuộc chạy đua lãi suất huy động khá kịch tính. Tất nhiên một khoản tiền không nhỏ từ kênh chứng khoán về lại tiền gửi song cũng có một lượng không nhỏ nữa là khoản tiền gửi không kỳ hạn (CASA) thành có kỳ hạn. Thành thử ra tỷ lệ CASA này giảm đồng thuận khi tôi rà soát qua báo cáo của nhiều bank Q3 này.
Lãi suất huy động đều tăng nóng ở hầu hết các ngân hàng thương mại
Bên cạnh xu hướng Bancassurance nếu trên, gia tăng CASA cũng là xu hướng mà các bank đều triển khai mạnh mẽ. Lượng CASA khách “vô tình” để lại trên tài khoản, các bank trả lãi không kỳ hạn chẳng đáng kể (chỉ 0.1% /năm), được tính toán lấy ra phần nào để cho vay với lãi chắc chắn cao hơn đáng kể. Bank nào có lượng CASA cao – điển hình như TCB, MBB hay VCB (hình dưới) – thì sẽ có lợi thế “giá vốn” ngay.
Cuộc đua CASA giữa các ngân hàng
Rủi ro từ chuyện CASA suy giảm trong khi lãi suất đầu vào tăng, đầu ra có bank chưa tăng kịp - do Chính phủ kêu gọi hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thời buổi kinh doanh khốn khó - là điều cần theo dõi trong giai đoạn tới.
BCTC Q3: Xu hướng tăng lãi suất khiến CASA của hệ thống suy giảm đồng loạt. CASA của STB so với một số ngân hàng khác.
Tín hiệu tích cực nhất: Nợ xấu giảm xuống dưới 1% lần đầu kể từ hậu sáp nhập PNB
Phân tích chất lượng tài sản luôn là yếu tố đặc biệt cần chú ý, khối doanh nghiệp sản xuất vốn đã quan trọng song khối doanh nghiệp tài chính, cụ thể ngân hàng, lại càng mang tính chất sống còn hơn vì “dân buôn tiền” mà không nắm được quản trị rủi ro thì coi như xong.
Về mặt con số, dự phòng rủi ro cho nợ xấu STB lại lập đỉnh tại 150% - tức cứ 1 đồng nợ xấu đã có 1.5 đồng dự phòng – đồng thời tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh còn dưới 1% khi STB trích lập mạnh mẽ để triệt tiêu đáng kể nhóm xấu nhất (nhóm 5) còn 2.7 ngàn tỷ thôi.
Chất lượng tài sản đã cải thiện đáng kể: Nợ xấu giảm trong khi dự phòng lập đỉnh mới
Ngoài ra, tỷ lệ các khoản mục tài sản không sinh lãi (NPA) bên cột tài sản– bao gồm cả nợ xấu (NPL) – còn có 7.5% so với hơn 20% hồi 2018, tương ứng 42 ngàn tỷ so với hơn 90 ngàn tỷ.
BCTC Q3 STB: Tỷ lệ tài sản không sinh lãi chỉ còn hơn 7% TS một chút. Giảm đáng kể so với con số hồi 2018 (Hơn 20%)
NPA như “cục máu đông” đối với ngân hàng vậy. Xử lý càng nhanh càng nhẹ người chứ để lâu thì đi lại khó khăn chứ chưa kể đến chạy nhảy hay đua tranh. Cũng may hiện nay hệ thống ngân hàng đã “dọn” khá sạch phần này sau giai đoạn tái cơ cấu 2011-2015. STB có khoản trái phiếu VAMC – thực chất là nợ xấu mà theo thông lệ bank gói gém chuyển qua công ty xử lý nợ VAMC, nhận lại lô trái phiếu đặc biệt không lãi suất nhằm tránh cú sốc trích lập dự phòng – giảm đáng kể từ 37.6 ngàn tỷ về hơn 11,1 ngàn tỷ.
2018_Chất lượng tài sản của STB có vấn đề nặng khi mà khoản mục tài sản không sinh lãi chiếm hơn 20% tổng tài sản ngân hàng này
Sở dĩ tín hiệu này đáng mừng bởi nó cho thấy thành quả từ quá trình tái cơ cấu. Và cũng bởi giới đầu tư bấy lâu nay đều biết rằng hệ lụy to lớn mà STB phải chịu những năm qua đến từ người chủ cũ đầy tai tiếng, người làm tài chính mà đến pháp luật ra sao cũng “thiếu hiểu biết” – đại gia bất động sản một thời ông Trầm Bê.
Cựu phó Chủ tịch HĐQT Sacombank Trầm Bê trong ngày lãnh án 4 năm tù vì tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (2018).
Để hiểu sâu hơn câu chuyện Tái cơ cấu thành công tại Sacombank, bạn đọc cùng tôi du hành thời gian, trở lại thời diểm hơn 10 năm trước, thời điểm Trầm Bê thâu tóm “hoa hậu Sacombank” năm 2012 từ chú Thành – tức ông Đặng Văn Thành, sáng lập STB và cả tập đoàn kinh doanh đa ngành TTC nổi tiếng nữa, ai theo dõi Sharktank nhiều chắc biết con trai chú (Shark Hồng Anh) và doanh chủ làm SMEs lại càng biết đến Đặng gia - và bước ngoặt khi chú Minh – tức ông Dương Công Minh, sáng lập “đế chế” BĐS Him Lam, chủ cũ của LPB – giữa năm 2017 qua nhận nhiệm vụ tái thiết STB.
Bộ ba huyền thoại MTT trong giới tài chính Việt Nam
Đặng gia đã gầy công dựng xây STB như thế đấy
Nhắc đến Đặng gia thì không thể không nhắc đến tập đoàn Thành Thành Công (TTC), một tập đoàn tư nhân hàng đầu có bề dày hoạt động đã hơn 40 năm, hiện nay đang hoạt động trải rộng sáu lĩnh vực. Bên cạnh nông nghiệp mà mía đường là chủ chốt – Mía đường Biên Hòa trong rổ Vn30 cũng chính là công ty con thuộc TTC, năm nhánh kinh doanh còn lại là Năng lượng – BĐS – BĐS KCN – Du lịch – Giáo dục. Dù tập đoàn mẹ chưa có kế hoạch niêm yết song số liệu tự bạch năm 2021 cho thấy TTC cũng không phải dạng vừa đâu: 20.3 ngàn tỷ vốn điều lệ, 33.8 ngàn tỷ đồng doanh thu và con số đóng góp cho ngân sách nhà nước trên 1 ngàn tỷ đồng.
Gia đình ông Đặng Văn Thành, bà Huỳnh Bích Ngọc, Đặng Hồng Anh và Đặng Huỳnh Ức My
Ít ai biết được rằng TTC quy mô như vậy lại xuất phát từ một xưởng sản xuất cồn từ rỉ đường nhỏ ở Sài Gòn xưa. Chú Thành sinh năm 1960, cùng vợ, Cô Huỳnh Bích Ngọc, sinh năm 1962, lập cơ sở kinh doanh rỉ mật Thành Công năm 1979. Với số vốn ít ỏi, ban đầu cơ sở chỉ vài lao động, ông chồng trực tiếp nhúng tay vào kinh doanh còn bà vợ quản lý sổ sách tài chính. Suốt thập niên 1980, cơ sở này thu gom chế biến mật rỉ đường, sản xuất khí CO2 bán lại cho các cơ sở sản xuất nước ngọt trên địa bàn và dần dần phát triển quy mô ở TP. HCM.
Ít ai biết được rằng TTC quy mô như vậy lại xuất phát từ một xưởng sản xuất cồn từ rỉ đường nhỏ ở Sài Gòn xưa. Chú Thành sinh năm 1960, cùng vợ, Cô Huỳnh Bích Ngọc, sinh năm 1962, lập cơ sở kinh doanh rỉ mật Thành Công năm 1979. Với số vốn ít ỏi, ban đầu cơ sở chỉ vài lao động, ông chồng trực tiếp nhúng tay vào kinh doanh còn bà vợ quản lý sổ sách tài chính. Suốt thập niên 1980, cơ sở này thu gom chế biến mật rỉ đường, sản xuất khí CO2 bán lại cho các cơ sở sản xuất nước ngọt trên địa bàn và dần dần phát triển quy mô ở TP. HCM.
Nguồn: Forbes Việt Nam (T4/2016)
Năm 1991, chú Thành tham gia sáng lập ngân hàng Sacomank và xây dựng ngân hàng này trở thành một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lớn mạnh nhất hệ thống thập niên 2000, chỉ đứng sau bộ tứ quốc doanh mà thôi.
Bài báo đầu tiên về STB trên báo Sài Gòn giải phóng ngày 22/12/1991
Không được đào tạo chính quy về kinh doanh song chú Thành có đầu óc cởi mở với các sản phẩm tài chính bậc cao. Năm 2006, Sacombank trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên niêm yết. Trước đó bank này sớm thu hút nhiều cổ đông chiến lược, các định chế tài chính tên tuổi như IFC, ngân hàng ANZ (hỗ trợ sát Sacombank trong việc triển khai hệ thống ATM, lúc đó còn mới ở VN) và quỹ đầu tư nổi tiếng Dragon Capital (DC). Các đợt đấu giá IPO doanh nghiệp nhà nước, chú tham gia rất sớm. 4/6 nhánh kinh doanh của TTC hiện nay hình thành từ việc đấu giá cổ phần cách đây hàng chục năm.
Cơ cấu sở hữu của Sacombank, 15/4/2006
Quay trở lại với Sacombank, những tưởng mối thâm tình giữa Đặng gia và STB vẫn tiếp nối song sóng gió đã bắt đầu nổi lên từ cuối 2011.
“Cuộc thâu tóm thiếu tính chuyên nghiệp” đến từ ông bạn cũ người Hoa
Thập niên 2010 bắt đầu ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính, thị trường bất động sản lúc này cũng rơi vào tình trạng đóng băng – cảm giác man mác với những gì đang xảy ra cuối năm nay vậy – đã kích hoạt làn sóng thoái vốn từ cổ đông lớn. Điều này vô hình chung tạo nên khoảng trống để những cổ đông mới thế chân, tạo nên cuộc thâu tóm kịch tính. Tôi xin phép tóm lược một số sự kiện quan trọng để bạn đọc nắm bắt được ngay.
- Cuối 2011, DC công bố thoái hết toàn bộ hơn 61 triệu cổ phiếu tại STB. Lúc này thị trường dấy lên tin đồn thâu tóm và như một phản ứng phòng vệ, STB cũng mua vào đến 100 triệu cổ phiếu quỹ.
- Theo sau DC, đầu năm 2012 (tháng 1), ANZ và REE cũng đều thoái vốn tại đây, trong đó lô hơn 103 triệu cổ của ANZ được Eximbank mua sạch.
- Tháng 2/2012, HĐQT Eximbank đã gửi văn bản đến lãnh đạo STB yêu cầu thay đổi cơ cấu thành viên HĐQT trên cơ sở Eximbank và nhóm cổ đông ủy quyền đã có trên 51% cổ phần biểu quyết tại Sacomank. Dĩ nhiên chú Thành cùng gia đình chắc hẳn cũng không vui vẻ gì, tuyên bố báo chí ngay sau đó cũng thể hiện điều này.
Eximbank đề nghị bầu lại toàn bộ HĐQT Sacombank (2012)
- Đến tháng 5/2012, ĐHCĐ thường niên Sacombank tổ chức thì lúc này vị “nhạc trưởng” trong “ván cờ” thâu tóm này mới lộ diện. Đó là đại gia BĐS Trầm Bê, người bạn cũ của chú Thành, cũng đang cầm quyền bên ngân hàng Phương Nam (PNB) với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT. Nhân ĐHCĐ, nhóm cổ đông mới gồm ông Trầm Bê và Eximbank đã chiếm trọn 6/10 ghế HĐQT trong khi chú Thành và con trai anh Hồng Anh vẫn giữ ghế.
Cấu trúc sở hữu trong hoạt động thâu tóm STB tính tại thời điểm 31/12/2012. Tại thời điểm cuối 2012, ông TB trực tiếp năm 7.4% tại STB
- Tháng 11/2012, chú Thành từ nhiệm thành viên HĐQT. Hơn một tháng sau, con trái chú cũng nối bước người cha. Nhóm cổ đông Đặng gia cũng đã thoái vốn dần khỏi STB trước thềm ĐHCĐ hồi đầu năm. Có lẽ nói Trầm Bê cùng “cộng sự” đã lấy được “cô hoa hậu Sacombank” trong một phi vụ mà chú Thành nhiều năm sau tâm sự là “cuộc thâu tóm thiếu chuyên nghiệp”.
Nước đi cuối cùng: Sáp nhập Phương Nam vào Sài Gòn Thương Tín
Tham vọng của ông Trầm Bê chưa dừng lại ở việc chỉ thâu tóm STB thôi. Tận dụng chủ trương tái cơ cấu hệ thống từ Ngân hàng Nhà nước (SBV) thời bấy giờ, ông Trầm Bê đi lẹ nước cờ cuối cùng là hợp nhất PNB, nơi gia đình ông cầm khoảng 20% cổ phần, vào “cô hoa hậu” mới lấy STB hiện tại.
- Phát súng đầu tiên đến từ ĐHCĐ tổ chức đầu năm 2014 khi mà bên cạnh việc bàn bạc kế hoạch kinh doanh, đường hướng phát triển cho năm mới thì chủ trương sáp nhập với PNB được quan tâm hơn cả. Có ý kiến ủng hộ song phần đa là những lời chỉ trích gay gắt rằng “thiếu gì ngân hàng tốt để sáp nhập mà lại sáp nhập với yếu kém như PNB”. Dẫu vậy, chủ trương này vẫn được duyệt từ nhóm cổ đông lớn.
ĐHCĐ Sacombank năm 2014_Thông qua sáp nhập STB với PNB
- ĐHCĐ bất thường T7/2015: Chốt tỷ lệ sáp nhập là 1 cổ phiếu STB đổi ra được 0.75 cổ phiếu PNB.
- Tháng 9 cùng năm, SBV phê duyệt phương án này để rồi chính thức ngày 1/10/2015, PNB được sáp nhập vào STB.
PNB chính thức sáp nhập vào Sacombank từ đầu tháng 10_2015
- Những tưởng, ông Trầm Bê có thể “chăn ấm đệm êm” hoàn tất nước cờ cuối song nào ngờ, tháng 11/2015, ông này từ nhiệm thành viên HĐQT tại STB.
- Trước đó, hồi tháng 8/2015, SBV đã phát đi thông báo rằng ông Trầm Bê phải ký hợp đồng ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn số cổ phần của mình và những người liên quan ở cả hai ngân hàng cho SBV. Sở dĩ có việc này vì SBV đã phát hiện ra nhiều hoạt động bất thường ông Trầm Bê đã thi triển hồi còn làm PNB.
Những ngày lặng lẽ của ông Trầm Bê (T9/2015)
Do đâu STB lại làm ăn rất bết bát hậu sáp nhập?
Chẳng lâu sau khi mọi chuyện sáp nhập xong xuôi, hậu quả đã thấy rõ trong báo cáo STB ngay Q4/2015 và năm 2016 kế sau đó: chi phí quản lý doanh nghiệp vốn đã phình lên bất thường do gánh nặng hệ thống nhân sự PNB trong khi lại phải trích lập dự phòng mạnh tay khối tài sản có vấn đề PNB mang lại biến STB đang bình thường bỗng trở thành một bank mà một năm kinh doanh thì đến hai quý thua lỗ.
Thời điểm STB chính thức nhận PNB cũng là lúc bank này lụi tàn
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến điều này là PNB trước đó đã tồn đọng nhiều vấn đề hay thẳng thắn nhìn nhận thì chất lượng tài sản PNB rất chi là tệ (khoản mục Tài sản có khác chiếm tỷ trọng lớn tôi đã chia sẻ phần đầu bài viết). Kiểm toán Nhà nước vào cuộc và cho biết nợ xấu của PNB năm 2014 thực tế đến 55% (!) chứ không phải là con số 3% trên giấy.
Nợ xấu thực tế tại ngân hàng Phương Nam đến tận 55%
Giới chức, cụ thể hơn là SBV, nhận ra nhiều điều nghi vấn ở ngân hàng nhỏ bé xinh xinh này đặc biệt trước đó khoản mục “Phải thu do TCKT, TCTD phát hành chứng khoán” tăng đột biến hơn 6.3 ngàn tỷ đồng mà báo cáo 2010 trống trơn. Thực chất đây là khoản ông Trầm Bê vay từ chính ngân hàng mình và dùng nó với mục đích thâu tóm STB.
PNB_2011_Các khoản phải thu đáng ngờ. Đặc biệt khoản Phải thu do TCKT, TCTD phát hành chứng khoán tăng nóng gần 6.3 ngàn tỷ
Đến đây, lý giải chuyện ông Trầm Bê lại đi “tự nguyện” ủy quyền tư cách cổ đông của mình cho SBV sau bao nhiêu nỗ lực mới thâu tóm được STB đã sáng tỏ. Hành động của SBV thời điểm đó là hợp lý thôi vì việc ông chủ ngân hàng đi vay từ chính ngân hàng mình là điều cực kỳ cấm kị - luật đã quy định rõ không được cho ông chủ vay và cả doanh nghiệp mà ông chủ nắm trên 10% vốn điều lệ. Đâu khác gì “vừa đá bóng lại vừa thổi còi” và rằng với một bank quy mô lớn chỉ sau Big-Four như STB mà để ông Trầm Bê cầm tiếp thì xem chừng lại không ổn cho lắm. Thôi thì “cẩn tắc vô ưu” vậy.
Luật Các TCTD_2010 + Thông tư 36_2014
Một lần nữa cần khẳng định pha xử lý này của SBV thật sự “đi vào lòng người” vì dẫu ông Trầm Bê cũng được ông bạn thân (chú Thành) dẫn dắt, chỉ bảo vào nghề tài chính thuở hàn vi ở PNB song ông này năng lực lại khá yếu kém, để dính vào đại án Phạm Công Danh đã đành, đây còn bị một ông doanh chủ nào đó cầm 23 cuốn sổ đỏ đã thế chấp ở Agribank lừa cho “thối mặt, thối mũi”. Ông Bê hiện đang thi đấu cho câu lạc bộ Juventus tại Trà Vinh với thời hạn hợp đồng đến 7 năm.
Hai vụ án để đời của đại gia một thời Trầm Bê
Ngoài ra, một nguyên nhân nhỏ khác đó là chính bản thân STB ngay trước sáp nhập đã tồn động rất nhiều vấn đề do sở hữu chồng chéo của Đặng gia. Song do thời lượng bài viết đã dài, tôi xin phép hẹn bạn đọc trong một bài viết khác vậy.
Bình minh ló rạng: Bắt đầu công cuộc tái thiết với thuyền trưởng Dương Công Minh
Kết quả kinh doanh bết bát năm 2016 đã đốt lên “ngọn lửa đấu tranh” sôi sục trong nội bộ cổ đông của STB để rồi đến ĐHCĐ năm 2017 mọi thứ dường như được đẩy lên cao trào. Liên tục những câu chất vấn liên quan đến ông Trầm Bê và hậu quả mà ông này mang đến. Ấy vậy ít ai lại ngờ rằng một lần gió mới đến, bắt đầu công cuộc đưa STB vĩ đại trở lại.
Gần một tháng trước khi ĐHCĐ được tổ chức, ông Dương Công Minh bất ngờ rời ghế chủ tịch LPB, nơi tập đoàn BĐS Him Lam đang nắm hơn 10%. Dù Him Lam chưa niêm yết song các dự án của tập đoàn này trải dài từ Nam ra Bắc và con số vốn điều lệ năm 2014 ghi nhận hơn 6.5 ngàn tỷ, so với Vingrop thời bấy giờ gần 9.3 ngàn tỷ thì có thể thấy quy mô Him Lam cũng không hề nhỏ.
Việc chú Minh qua tái thiết chính là bước ngoặt đối với STB (T6/2017)
Đồn đoán chú Minh qua STB cuối cùng cũng được xác nhận khi tên chú có trong danh sách nhân sự dự kiến cho nhiệm kỳ mới 2017-2021 để rồi ĐHCĐ năm ấy đã thống nhất bầu chú lên làm Chủ tịch HĐQT. Niềm tin cổ đông phần nào trở lại khi mà chú Minh đã xây dựng rất thành công mô hình “ngân hàng – bưu điện” giúp LPB nhanh chóng nhân rộng mạng lưới hoạt động. Kinh nghiệm làm BĐS đã lâu cũng sẽ là lợi thế để chú Minh xử lý khối tài sản tồn đọng mà chủ yếu có tài sản đảm bảo dưới hình thức BĐS, cụ thể hơn là mặt bằng tại các KCN.
Chú Minh tươi tắn trong ngày về với STB. Một con người bình dị (2017)
Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng chú Minh đang bắt đầu “cuộc chơi mới” vì đặc thù của LPB – một ngân hàng nông nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi từ Chính phủ - khác hẳn so với STB – một ngân hàng thương mại điển hình.
Công cuộc tái thiết bắt đầu
Có hai đầu công việc chính mà chú Minh đã quán triệt làm mạnh ngay từ khi nhận ghế Chủ tịch.
Thứ nhất, kiện toàn đội ngũ nhân sự. Trong bối cảnh STB đi xuống như đội bóng mà tinh thần thi đấu èo uột vậy, không ít nhân sự cốt cán bỏ nghề hoặc qua đối thủ cạnh tranh thành thử ra chú Minh cũng động viên ngay “vị Thuyền trưởng mới” khẳng định mục tiêu “đưa “Con thuyền Sacombank vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội”. Chú cũng không quên thưởng nóng luôn 1 tháng lương và nâng chế độ đãi ngộ cho hơn 17 ngàn nhân viên STB từ ngày nhận chức.
Thông điệp của thuyền trưởng mới
Một số nhân sự thuộc “chế độ ông Trầm Bê cũ” cũng được cho nghỉ luôn với tinh thần xuyên suốt rằng “những trường hợp không làm, làm không đúng, làm không có hiệu quả thì sẽ thay thế ngay, kể cả chấm dứt hợp đồng”.
Thứ hai, xử lý khối tài sản có vấn đề. Đây là phần trọng yếu nhất cùng là cũng gian nan nhiều nhất. Sở dĩ phần này gian nan vì khối tài sản không sinh lãi của STB quá khổng lồ: Hơn 90 ngàn tỷ trong tổng số hơn 500 ngàn tỷ tài sản cuối năm 2018 (con số đã chia sẻ trong phần Tín hiệu tích cực nhất ở trên). Giải quyết “cục máu đông” này càng sớm càng tốt vì năm nay cắt được phần nào thì “sang năm sẽ không phải bỏ ra chi phí vốn (trả lãi huy động - NV) cho số nợ đó, đồng thời còn thu được lợi nhuận nhờ đem số tiền đáng lẽ dùng để giải quyết thanh khoản do nợ vào kinh doanh”.
Như một đội bóng đã vỡ trận, mục tiêu lúc này không phải là ghi thêm nhiều bàn thắng mà là bảo toàn mành lưới và cố gỡ lại càng sớm càng tốt. Thành thử ra chú Minh cũng quán triệt không để “nợ xấu xấu thêm” đồng thời món nào “thế chấp bằng cổ phần, cổ phiếu, có thanh khoản giao dịch là xử lý ngay”. Tất cả khoản nợ xấu nào phát sinh trước đó triệu hồi về hội sở xử lý. Còn cấp phòng giao dịch đã phân cấp, phân quyền rõ rằng có nợ xấu mới phát sinh thì cần xử lý ngay, “kể cả xử lý trách nhiệm của người, bộ phận gây ra nợ xấu”.
STB như đội bóng đã vỡ trận, nhiệm vụ tiên quyết là cần tránh thủng lưới nữa.
Với tinh thần “công việc là công việc, cứ xốc tới và làm hết sức”, chú Minh cùng đội ngũ mới xử lý ngay hơn 19 ngàn tỷ nợ xấu ngay trong năm đầu nhậm chức.
Chú Minh xử lý ngay 19 ngàn tỷ nợ xấu trong năm đầu nhậm chức
Chặng cuối để đưa STB vĩ đại trở lại
Bản chất việc xử lý nợ tồn động đối với chú Minh chỉ có vấn đề thời gian thôi vì lượng tài sản thanh lý có BĐS là chủ yếu nên cũng cần lựa thời điểm thích hợp để thị trường BĐS hấp thụ nữa chứ cứ đem hàng tốt hạ giá ra xả thì cũng thiệt cho bank. Hầu hết các khoản nợ xấu đều có khả năng thu hồi gốc, còn lãi thì tùy từng món, và chỉ chiếm 80% giá trị tài sản đảm bảo cho nên chú Minh cũng yên tâm phần nào.
Có điều tài sản chưa hoàn thiện pháp lý lại “chiếm chừng 50% tổng lượng tài sản thế chấp” thành thử ra phải hoàn thiện mới mang đấu giá (giao dịch) được. Đây có lẽ là sở trưởng của chú Minh vì xử lý mảng này chú quá rành khi còn ở Him Lam rồi.
Tua nhanh đến hiện tại, hết Q2 năm nay thì lượng tài sản có vấn đề nằm trong đề án tái cơ cấu còn khoảng gần 15 ngàn tỷ, phần trái phiếu VAMC chỉ còn hơn 13.6 ngàn tỷ, giảm đáng kể so với 37.6 ngàn tỷ cuối 2018. Bạn đọc cần phân biệt khối tài sản không sinh lãi (NPA) tôi chia sẻ phần đầu (42 ngàn tỷ) gồm cả những tài sản KHÔNG nằm trong đề án, điển hình như khoản Phải thu từ bán tài sản nhận cấn trừ nợ 1.160 ngàn tỷ thực chất tiền chờ nhận từ đối tác khi đã thanh lý thành công đất tại KCN Đức Hòa III (Long An).
BCTC_STB_Q2_Gần 15 ngàn tỷ đồng tài sản tồn đọng liên quan đến đề án tái cơ cấu
Sở dĩ công chúng đang chờ đợi STB tái cơ cấu thành công bởi vì khi STB khai thông được “cục máu đông” trên bank này sẽ được ba cái lợi sau (1) tăng hạn mức tín dụng từ SBV; (2) tạo đột biến lợi nhuận vào khoảng 10 ngàn tỷ từ khoản cổ phiếu thanh lý tại VAMC và đặc biệt (3) rũ bỏ gánh nặng chi phí dự phòng.
Mấy năm gần đây STB đã phải ra sức trích lập dự phòng cho nên khoản lời sau thuế teo tóp đi đáng kể. Tưởng tượng với 100 đồng thu về, sau khi trừ đi tiền lương thưởng cán bộ công nhân viên, nay còn 40 đồng rồi lại trừ dự phòng cho nợ xấu 20 đồng nữa, nay còn có 20 đồng thu về mà thôi. So với MBB thì nhờ chuyển đổi số mạnh nên bộ máy tinh gọn và hiệu quả hơn, được 53 đồng từ 100 đồng thu về. Trích lập cũng không đáng kể do chất lượng tài sản tốt nên kết lại thu về gấp đôi STB đến 46 đồng. Thành thử ra, kết quả kinh doanh cùng định giá của STB cải thiện đáng kể nếu tái cơ cấu xong xuôi.
Hoàn toàn có thể kỳ vọng STB kinh doanh x2 lần thời gian tới
Câu chuyện xử lý hai tài sản thế chấp (TSTC) còn lại của khoản 15 ngàn tỷ trên sẽ là đoạn kết đẹp hoàn tất công cuộc tái thiết STB. Có ba kịch bản dưới đây.
Hai tài sản thế chấp trên sẽ là mấu chốt quyết định thời điểm STB cơ cấu thành công
(Phần Kết ở dưới đây)
Bài viết tham khảo nhiều tài liệu trong đó có bài nghiên cứu của Nguyễn Xuân Thành, giảng viên của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, xuất bản năm 2016; bản tin Quý của Sacombank và tờ Forbes số 35 “Đầu tư vào nông nghiệp”.
Tờ Forbes số 35 “Đầu tư vào nông nghiệp”