Mình không tốt bụng lắm như bạn nhận xét đâu ạ
Khi đọc nội dung trên, mình thấy có nhiều vấn đề trong cách đặt câu hỏi. Có vẻ như bạn “thiếu” một chút thông tin về các quỹ nói chung và quỹ ETF nói riêng (nếu không đúng thì bỏ qua cho mình nha). Không chỉ riêng bạn, mình nghĩ nhiều bạn mới khi tham gia thị trường cũng còn chưa biết quỹ ETF là gì, từ đó mà câu hỏi đặt ra chưa được chuẩn xác. Như một bài viết trước đó của mình, khi một câu hỏi chưa đúng thì sẽ không bao giờ có câu trả lời đúng cả.
Vì vậy, thay vì mình trả lời cho bạn diễn biến giá cp sẽ như thế nào sau khi quỹ cơ cấu, mình sẽ nhắc lại khái niệm chung về quỹ ETF. Khi bạn hiểu rõ hơn rồi thì sẽ tìm được câu trả lời cho bản thân.
May mắn hơn một chút, mình được cơ hội học tập ở Canada, “cái nôi” mà quỹ ETF đầu tiên được thành lập cho nên có thể phần nào giải thích cho bạn và mọi người ở đây. Dĩ nhiên, vì chuyên ngành của mình không phải Tài Chính nên chỉ chia sẻ trong phạm vi hiểu biết của mình thôi nhé. Bắt đầu thôi
++++
Trước hết, tách ra 2 trường phái cho dễ hiểu, một là đầu tư cổ phiếu, hai là đầu tư vào quỹ. Ở đây mình nói về quỹ thôi.
Quỹ đầu tư hiểu đơn giản là nơi mà nhà đầu tư gửi tiền cho người/cty thành lập quỹ (gọi là sơ cấp) hoặc thông qua một trung gian (như Sở GDCK, gọi là thứ cấp) thay bạn đầu tư vào TTCK. Có nhiều cách phân loại các quỹ đầu tư khác nhau, với mình thì cơ bản chỉ cần chia làm 2 nhóm: Quỹ chủ động và Quỹ bị động.
Quỹ chủ động: có thể gọi là quỹ mở hoặc quỹ trực tiếp, là nơi mà các người quản lý quỹ chuyên nghiệp thay mặt NĐT để quản lý, giao dịch cổ phiếu và từ đó sinh lời. Phí quản lý quỹ thường cao. Mình sẽ không đi sâu hơn vào quỹ mở vì nó nằm ở một chủ đề khác.
Quỹ bị động: là nơi mà các cty quản lý quỹ lập ra để mô tả / mô phỏng gần chính xác nhất một chỉ số nào đó của thị trường, thông qua một danh mục các mã cổ phiếu được chọn theo các tiêu chí khác nhau. Phí quản lý quỹ rất thấp. Ví dụ: để mô tả biến động giá của nhóm 30 mã bluechip đứng đầu thì thành lập chỉ số VN30 (thường gọi là rổ VN30). Sau đó, một số quỹ bị động sẽ chọn chỉ số này để mô tả gần chính xác nhất biến động giá của 30 mã nói trên. Và đặt tên là Quỹ ETF DCVFMVN30, FUEKIV30,…
Tuy nhiên, trong ví dụ, thay vì phải mua cổ phiếu của 30 cty, các quỹ bị động sẽ cung cấp cho NĐT các Chứng chỉ quỹ - đơn vị chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của NĐT đối với phần vốn góp vào quỹ. Trước đây, để mua chứng chỉ quỹ của quỹ bị động thì NĐT phải mua trực tiếp với người thành lập hoặc cty quản lý quỹ. Tuy nhiên, để thuận lợi hơn cho NĐT có thể giao dịch ngay trên sàn GDCK, Quỹ ETF (Exchange-Traded Fund) được ra đời. Quỹ ETF là một quỹ bị động và chỉ khác ở phương thức giao dịch chứng chỉ quỹ.
Đến đây, các bạn chắc sẽ thấy lợi ích của việc đầu tư vào quỹ ETF rồi. Đặc biệt là với những NĐT mới hoặc không có nhiều thời gian phân tích một cổ phiếu. Khi họ nhìn thấy một nhóm cp tiềm năng nhưng không đủ tiền để mua hết toàn bộ mã hoặc không biết chọn mã nào để đầu tư cho an tâm. Họ có thể chọn đầu tư vào một quỹ ETF phù hợp và nhận lại chứng chỉ quỹ, được chứng nhận sở hữu một loạt mã cp của chỉ số được quỹ mô phỏng với mức đầu tư phải bỏ ra thấp hơn rất nhiều. Khi giá cp của chỉ số được mô phỏng tăng thì chứng chỉ quỹ của họ tăng giá tương ứng (tương đối). Khi có lãi rồi thì NĐT giao dịch chứng chỉ quỹ cho NĐT khác. Việc này khiến cho quỹ ETF vận động như một mã chứng khoán, thay đổi giá liên tục trong phiên. Tuy nhiên, khác với cổ phiếu, các mã ETF rất ít phụ thuộc vào lượng mua bán. Bởi vì, nó theo dõi biến động giá của nhóm các mã mà nó mô tả chỉ số. Ví dụ: những quỹ ETF nào mô tả chỉ số VN30, khi VN30 tăng bao nhiêu thì giá chứng chỉ quỹ ETF đó tăng bấy nhiêu.
Ở VN, hiện tại có tất cả 9 quỹ ETF (có thể tăng trong tương lai) và giá chứng chỉ quỹ thuộc các quỹ ETF cũng khác nhau. Sự khác nhau này là do thời gian thành lập của các quỹ ETF (có quỹ thành lập sớm, có quỹ thành lập muộn) và tùy thuộc vào tính thị trường (giá cả, thanh khoản,…). Để xem và giao dịch chứng chỉ quỹ thì các bạn có thể vào Bảng giá, chọn vào tab HOSE sẽ thấy danh sách các quỹ ETF.
Tất nhiên, cơ cấu danh mục của từng quỹ ETF là khác nhau vì mô phỏng các chỉ số khác nhau. Đối với cơ cấu tỷ trọng danh mục thì mỗi cty quản lý quỹ có thuật toán riêng để cân đối tỷ lệ giữa các mã. Đối với cơ cấu chỉ số quỹ, việc lựa chọn phân bổ mới một mã cp nào trong danh mục quỹ luôn phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chí nhất định. Ví dụ: các quỹ ETF mô tả chỉ số VN DIAMOND, số lượng mã phải thuộc khoảng 10 đến 20 và phải đảm bảo thêm các tiêu chí “phức tạp” khác (các bạn tự tìm hiểu nhé).
Điều này cũng làm phát sinh vấn đề cho chính các quỹ ETF và việc đầu tư cp theo quỹ, không chỉ ở VN mà các nước khác cũng xảy ra nhiều trường hợp. Vì ETF mô phỏng chỉ số nên các cổ phiếu của chỉ số đó sẽ được phân bổ vào. Như câu chuyện của ROS trước đây khi được đẩy vào rổ VN30, các quỹ ETF trong và ngoài nước phân bổ vào khiến giá cp ROS tăng rất cao. Sau đó thì chuyện gì ai cũng rõ.
++++
Ok, dài dòng rồi. Mình sẽ dừng ở đây để bạn tìm câu trả lời cho bản thân nhé. Cách tốt nhất là đưa ra các dự đoán của bản thân và kiểm chứng lại. Dù đúng hoặc sai đều sẽ trở thành kinh nghiệm riêng của bạn.
+++ Cá nhân mình không đầu tư vào quỹ. Việc phân bổ danh mục tự động và nhu cầu đa dạng hóa cp của một nhóm không phù hợp với mình.
@Hanhtrinhnanghang