HOANG MANG: Một loạt ngân hàng Mỹ bị bán tháo cổ phiếu

Sau khi First Republic trở thành vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ cách đây vài ngày, nỗi sợ mới về sức khỏe của hệ thống tài chính đã xuất hiện.

PacWest Bancorp và Western Alliance Bancorp là 2 ngân hàng dẫn đầu làn sóng bán tháo cổ phiếu của các ngân hàng khu vực trên phố Wall trong những ngày này.

Đóng cửa phiên 3/5, cổ phiếu của PacWest giảm tới 58% sau khi giảm 28% trong phiên trước. Đã mất khoảng 85% giá trị vốn hóa kể từ đầu tháng 3 tới nay, hiện giá trị thị trường của PacWest vào khoảng 772 triệu USD. Bloomberg đưa tin ngân hàng này đang xem xét những lựa chọn, trong đó có bán mình.

Trong khi đó cổ phiếu của Western Alliance giảm 15%. Cả hai đều bị ngừng giao dịch nhiều lần trong phiên vì biến động quá mạnh. Tổng cộng cặp đôi này đã bị thổi bay hơn 5 tỷ USD giá trị vốn hóa kể từ đầu năm đến nay.

Chốt phiên chỉ số KBW Regional Banking Index gồm cổ phiếu của các ngân hàng khu vực (regional bank) giảm 5,5%, mạnh nhất kể từ sự kiện SVB sụp đổ. Chỉ số này đã giảm tổng cộng 28% kể từ đầu năm đến nay.

Không chỉ các ngân hàng, cổ phiếu của Charles Schwab, công ty môi giới có cung cấp dịch vụ ngân hàng, cũng đứng trước áp lực lớn và giảm 3,3% trong làn sóng bán tháo cổ phiếu tài chính. Cổ phiếu của Comerica và Zions Bancorp giảm hơn 10%, trong khi Metropolitan Bank Holding giảm 20%.

Nhà đầu tư vẫn bán tháo cổ phiếu ngân hàng bất chấp vừa mới hôm qua CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase nhận định cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ sớm chấm dứt sau khi ngân hàng của ông mua lại First Republic. Dù ông thừa nhận vẫn có khả năng thêm 1 ngân hàng nhỏ khác sẽ sụp đổ.

“Cách giải quyết vụ First Republic có thể giúp giảm bớt nhưng sẽ không thể xóa bỏ hoàn toàn các lo ngại”, chuyên gia phân tích Mike Mayo của Wells Fargo nhận định. Theo ông, có tới 3 cơn gió ngược đang ảnh hưởng đến các ngân hàng khu vực của Mỹ: bất động sản thương mại, sự đa dạng hóa và luật lệ quản lý.

Western Alliance và PacWest là 2 trong số nhiều ngân hàng khu vực đã bị nhà đầu tư quay lưng sau khi “chùm” Silvergate Capital, SVB và Signature Bank sụp đổ hồi tháng 3. Mặc dù cả 2 đã công bố kết quả kinh doanh khá ổn và khẳng định đã ổn định trở lại sau khi bị rút tiền ồ ạt trong tháng 3, nhà đầu tư vẫn đặc biệt lo ngại về sự mất cân đối giữa tài sản và nợ phải trả của các ngân hàng cũng như lượng tiền gửi không được bảo hiểm quá lớn tại đây.

“Phố Wall đang tự hỏi ngân hàng nào sẽ là cái tên tiếp theo cần được giải cứu, và đó là lý do khiến các nhà đầu tư dễ dàng bán tháo cổ phiếu”, chuyên gia phân tích thị trường Edward Moya của Oanda nhận định.

“Có vẻ như việc JPMorgan mua lại FRC chỉ có thể giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng bình lặng được trong vỏn vẹn 1 ngày. Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực vẫn rất mong manh, cho đến khi chúng ta nhìn thấy những dấu hiệu rõ ràng cho thấy có thể hoàn toàn dỡ bỏ các chương trình cho vay khẩn cấp”.

Một trong những nguyên nhân chính khiến nhóm cổ phiếu này tiếp tục lao dốc là nhiều nhà đầu tư suy đoán Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) sẽ thay đổi chính sách bảo hiểm tiền gửi. Trong 2 vụ SVB và Signature, khối lượng tiền gửi không được bảo hiểm cực lớn chính là ngòi nổ kích hoạt hiện tượng rút tiền ồ ạt (bank run) – điều dẫn đến sự sụp đổ của 2 ngân hàng này.

Nhưng rõ ràng gốc rễ của cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ làn sóng tăng lãi suất. Lãi suất tăng khiến chi phí vốn tăng trong khi làm giảm giá trị tài sản. Vì tiền gửi bị rút ra khỏi ngân hàng để tìm đến những nơi mang lại mức lợi suất cao hơn như các quỹ thị trường tiền tệ, các ngân hàng phải dựa vào thanh khoản cung cấp bởi Fed và hệ thống cho vay liên bang Federal Home Loan Bank. Hai nguồn này giúp đảm bảo thanh khoản nhưng chi phí đi vay tăng sẽ ăn mòn lợi nhuận.

Theo chuyên gia Herman Chan của Bloomberg Intelligence, vụ First Republic được giải quyết ổn thỏa là 1 tín hiệu tốt nhưng hiện vẫn chưa có 1 giải pháp rõ ràng cho vấn đề thiếu niềm tin vào các ngân hàng khu vực. Và đó chính là nguyên nhân khiến làn sóng bán tháo chưa thể dừng lại.

Tham khảo Bloomberg

1 Likes

nĂM ấy 2007, ai qua thời 2007 mới thấy mức thảm họa lãi mĩ 5.25%.

giờ mới lần thứ 10 mà đã 5.25%, chắc nó tấp lên tận 6% cho SUY THOÁI để cướp tài sản nước ngoài chạy về mĩ
https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=BTC328630

1 Likes

Nhờ có họ nên bây giờ mới đang có cơ hội mua cổ tốt giá rẻ.

Thế giới bất ổn , thị trường của chúng ta cũng không rõ xu hướng lên , vol thấp cứ đứng ngoài hoặc mua tỉ trọng nhỏ cho an toàn