2 "ông lớn" đầu mối xăng dầu là Petrolimex, PVOIL đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước nên mạnh dạn bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Sáng ngày 7-5, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, phát biểu
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, nêu quan điểm cơ quan quản lý nên mạnh dạn bỏ quỹ bình ổn (BOG) xăng dầu. Quan sát thời gian vừa qua, ông đánh giá quỹ BOG không trích - chi nhiều kỳ nhưng thị trường vẫn ổn định.
Theo ông Năm, nếu thực hiện theo chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay, mức độ biến động giá giữa 2 lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn. Diễn biến giá xăng dầu trong nước đã bám sát diễn biến giá thế giới, do đó những tác động của việc điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế - xã hội không lớn qua mỗi lần điều chỉnh giá bán.
Trong khi đó, quản lý quỹ, doanh nghiệp đầu mối rất vất vả trong việc kiểm kê sản lượng xuất bán, đảm bảo minh bạch trích - chi quỹ, số liệu thống kê khi bị thanh, kiểm tra.
"Nếu là thị trường nên mạnh dạn bỏ quỹ BOG xăng dầu. Còn trường hợp vì đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô mà tiếp tục duy trì quỹ, tôi kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp quản lý quỹ được hình thành từ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để khỏi sử dụng sai mục đích như vụ việc của Xuyên Việt Oli, Hải Hà, Hải Linh… trong thời gian vừa qua" - ông Năm nói.
Đồng thời, đại diện Petrolimex kiến nghị có quy định cụ thể để trích/chi quỹ này và đảm bảo kịp thời, thuận lợi trong trường hợp chi sử dụng quỹ BOG để không làm ảnh hưởng tới vốn của doanh nghiệp. Điều này sẽ góp phần minh bạch thông tin, tránh tình trạng người dân hiểu nhầm quỹ BOG là quỹ của doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOIL, chia sẻ thực sự mỗi lần điều chỉnh giá, doanh nghiệp rất hồi hộp bởi mức tăng - giảm giá phụ thuộc vào quỹ BOG. "Mỗi kỳ điều hành giá, tôi lại phải đoán, đoán xem lần này quỹ sử dụng thế nào" - ông nói.
Do vậy, lãnh đạo PVOIL hoàn toàn đồng tình nếu được thì bỏ quỹ BOG. Đây là nguồn lực người dân, ứng trước lấy chi cho người dân sau, bản chất người dân tự bình ổn chứ không phải nhà nước bình ổn.
Ông Dương cho rằng: "Trước đến nay, Nhà nước xây dựng quỹ BOG với thiện chí bình ổn cho người dân, giờ người dân cũng không cần nhưng sao chúng ta vẫn cố làm".
Nếu vẫn duy trì, lãnh đạo PVOIL đồng tình với dự thảo như hiện nay, chỉ khi nào giá lên cao thì mới dùng quỹ BOG để doanh nghiệp bớt hồi hộp, chứ không phải đoán định điều hành nhà nước.
Phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), bày tỏ rất mong muốn doanh nghiệp quản lý quỹ BOG xăng dầu minh bạch.
Về ý kiến trước mỗi kỳ điều hành, doanh nghiệp phải đoán xem sử dụng quỹ thế nào, ông Chinh cho hay mấy tháng cơ quan điều hành đang cố gắng không can thiệp quỹ để doanh nghiệp dễ đoán.
Đáng chú ý, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết trong Luật Giá có quy định về 4 loại hình BOG và mặt hàng xăng dầu thuộc 1 trong 4 loại hình này. Do vậy, ngay cả khi không nêu quỹ BOG trong Nghị định, thì quản lý giá xăng dầu vẫn phải duy trì quỹ BOG theo Luật Giá.
Tại Dự thảo lần 2 về Nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương quy định trường hợp xăng dầu thế giới tăng ở mức… USD/thùng (chẳng hạn là 120 USD/thùng) trở lên và duy trì trong 15 ngày liên tục, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trích lập, chi sử dụng quỹ BOG xăng dầu theo quy định tại Luật Giá.
Bộ Công Thương xin ý kiến các tổ chức, cá nhân về mức giá xăng dầu thế giới cụ thể để đáp dụng biện pháp bình ổn giá.
Thùy Linh