Kỳ 1: Bài học đầu tiên khi bước chân vào thị trường
Hồi ký này được viết dựa trên những trải nghiệm cá nhân có thực của tôi – trong suốt gần 20 năm đầu tư tại chứng khoán Việt Nam. Những câu chuyện có thăng, có trầm . Hồi ký được viết với mong muốn chia sẻ thêm các kinh nghiệm, bài học, giao lưu với anh em cộng đồng nhà đầu tư
Cách đây gần 20 năm, lần đầu tiên tôi được biết đến chứng khoán nhờ 1 ông anh thân thiết, chuyên đầu tư cổ phiếu OTC bằng hình thức đấu giá. Với khả năng phân tích và net work của mình, ông anh dự báo được giá trúng để rải lệnh ra mua được giá khớp - thấp hơn giá trúng đấu giá bình quân.
Ông anh cũng là một nhà đầu tư thành thạo sử dụng đòn bẩy. Ngay sau khi công bố trúng giá, ông anh bán ngay ½ số phiếu trúng giá thầu, lấy lãi để tiếp tục ôm số cổ phiếu trúng đấu giá cho tới khi niêm yết. Chiến lược đó giúp ông anh lãi lớn mà không mất quá nhiều số vốn đầu tư.
Tôi là người ngưỡng mộ với ông anh để xin kinh nghiệm có thể tham gia đấu giá, và cơ hội đến với tôi khi có lần đấu giá cổ phiếu PVFC (Công ty tài chính dầu khí thuộc PVN). Với tài năng của mình, ông anh trúng đấu giá bình quân - thấp hơn giá khoảng 5 giá. Sau đó, nhờ sự quen biết, tôi được ông anh ưu tiên khi được cho mua lại 50k cổ phiếu bằng mức giá ông anh trúng (tức là lãi luôn tầm 5 giá so với giá đấu bình quân).
Để ăn dày, ông anh tư vấn nên dùng số cổ phiếu đó cắm công ty chứng khoán thì được vay 1 nửa, thì chỉ cần giá lên 100 là tôi sẽ X2 số tiền đầu tư. Vì chưa đủ bản lĩnh và kiến thức để hiểu thế nào là margin, nên tôi theo cách mà ông anh chỉ dạy. Khi đó, ông anh nói “Tao giờ chỉ cần 1 năm đạt lợi nhuận 100% thôi cho an toàn”.
Đang làm cho tập đoàn Dầu khí với mức lương chuyên gia đáng mơ ước thời 2007 là hơn 2.000 đô Mỹ, nhưng nhờ những chiến tích từ thị trường ck, ông anh đã dứt áo ra đi và thuê nguyên 1 đội Broker về làm riêng cho mình. Quyết định được đưa ra chỉ vì suy nghĩ: “số tiền phí giao dịch mà nộp cho công ty chứng khoán khi giao dịch NAV như vậy đủ để thuê 1 đội nhân viên phục vụ cho giao dịch của mình”.
Cuộc vui ngắn chẳng tày gang, khi thị trường chứng khoán lần đầu chứng kiến sự sụt giảm mạnh, cổ phiếu mất thanh khoản và bị Công ty chứng khoán bán giải chấp. Ông anh không còn 1 xu dính túi ,vì khi Công ty chứng khoán bán xong cổ phiếu thì ông anh còn nợ tới mấy chục tỷ nữa và không có khả năng thanh toán. Nhà ở thì cũng đang cắm ngân hàng nên cũng bị phát mại. Đang từ có tài sản vài trăm tỷ thời 2007 (cực kì kinh khủng) cho đến khi về mo nó nhanh quá, và đã cắt liên lạc bỏ sang Campuchia trồng sắn, biệt vô âm tín.
Còn tôi, nhà đầu tư non trẻ tại thời điểm đó, không biết hành xử như nào với 50k cổ phiếu PVF được mua bằng số tiền vay. Khi đó, tôi có công việc đi làm cày cuốc để lấy tiền trả lãi vay hàng tháng (dùng để mua PVF) cho đến khoảng hơn 2 năm sau, cổ phiếu được niêm yết, tôi bán được giá hơn 40 gì đó (kể cả chia cổ phiếu) thì hoà vốn, chưa tính số tiền lãi kì cục trả đều gần 3 năm, và 10% tiền cọc ban đầu ông anh tặng làm vốn vào thị trường chứng khoán.
Câu chuyện của ông anh thân thiết và tôi tại thời điểm đó, thực sự cảnh tỉnh tôi về việc quản trị vốn – quản trị đòn bẩy dùng khi đầu tư. Dù cho thị trường có uptrend như thế nào, cơ hội có rõ ràng thế nào đi nữa, nhưng nếu thiếu đi năng lực quản trị vốn, bạn hoàn toàn có thể mất tất cả số tiền và tài sản mình đang có.
Đón đọc kỳ 2: Mô hình đa cấp chứng khoán hoạt động như thế nào???