Hơn chục tỷ cổ phiếu ngân hàng sẽ ‘đổ bộ’ vào thị trường chứng khoán

, , , , ,

Phần lớn ngân hàng trình phương án tăng vốn điều lệ tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên năm nay, số lượng phát hành thêm vào khoảng 12,4 tỷ đơn vị. Các ngân hàng lớn như Viecombank, VietinBank cũng muốn dùng hàng chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận sau trích lập các quỹ để chia cổ tức cổ phiếu.

Các ngân hàng thi nhau tăng vốn. Ảnh minh họa: Trọng Hiếu

Nhóm ngân hàng được mệnh danh là cổ phiếu “vua” khi vốn hóa chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn hóa thị trường với khoảng 30%, có sức ảnh hưởng lớn. Trong các năm qua, khi thị trường chứng khoán không ngừng phình to, nhóm ngân hàng vẫn giữ vững phong độ nhờ liên tục có nhiều nhà băng lên sàn chứng khoán cùng phương án tăng vốn điều lệ.

Trong năm 2024, tăng vốn tiếp tục là yếu tố làm nóng mùa đại hội cổ đông của ngành ngân hàng. Lãnh đạo các nhà băng bày tỏ việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết nhằm tăng thêm nguồn vốn trung dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, thêm vốn để đầu tư cơ sở vật chất, các dự án chiến lược và nâng cao năng lực tài chính.

Chỉ 5/26 nhà băng không có kế hoạch tăng vốn 2024

Theo thống kê của nhadautu.vn, chỉ 5 trên 26 ngân hàng có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán không trình bày phương án tăng vốn năm nay. Trong đó, Sacombank (mã: STB ) mặc dù có đến hơn 18.000 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại nhưng chưa thể trình kế hoạch chia thưởng, tăng vốn trong kỳ họp ĐHCĐ 2024 do vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch HĐQT cho biết ngân hàng còn vướng mắc cuối liên quan đến phương án xử lý cổ phiếu ông Trầm Bê trong đề án tái cơ cấu.

Viecombank (mã: VCB ) tuy không trình kế hoạch tăng vốn nhưng trình phương án dành 24.987 tỷ đồng lợi nhuận 2023 để chia cổ tức. Cổ đông đã thông qua ủy quyền cho HĐQT xây dựng phương án tăng vốn điều lệ phát hành cổ phần để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2023 khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. Nhiều năm qua, ngân hàng luôn có kế hoạch trích phần lớn lợi nhuận tạo ra trong năm để chia cổ tức và chờ ý kiến NHNN.

Theo BCTC hợp nhất quý I/2024, nhà băng này có đến 85.330 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối lớn hơn vốn điều lệ hiện tại là 55.891 tỷ đồng. Trong năm 2023, Vietcombank mới chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận của 2019 và 2020.

Tương tự, VietinBank (mã: CTG ) cũng không có kế hoạch tăng vốn năm nay. Song, ngân hàng đề xuất dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ năm 2023 là 13.927 tỷ đồng để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên 2023, VietinBank cũng muốn dùng 11.521 tỷ lợi nhuận còn lại của 2022 để chia cổ tức cổ phiếu. Nếu các phương án trên được NHNN chấp thuận, tổng lượng cổ phiếu phát hành thêm sẽ là 2,5 tỷ đơn vị, vốn điều lệ tăng từ 53.700 tỷ đồng lên 79.148 tỷ đồng.

Vào cuối năm 2023, VietinBank vừa hoàn tất phát hành 564,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 11,7% từ lợi nhuận sau trích lập các quỹ của 2020 để tăng vốn lên 53.700 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I, nhà băng có 46.998 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Thống kê của nhadautu.vn cho thấy với phương án tăng vốn mà cổ đông các nhà băng đã thông qua trong mùa đại hội 2024, hơn 12,4 tỷ cổ phiếu ngân hàng sẽ đổ bộ vào thị trường chứng khoán trong thời gian gần. Ngay sau cuộc họp ĐHCĐ, nhiều ngân hàng đã công bố Nghị quyết HĐQT triển khai kế hoạch tăng vốn như Techcombank, OCB , LPBank.

Techcombank (mã: TCB ) sẽ là đơn vị có bước nhảy vọt năm nay khi tăng vốn gấp đôi lên 70.540 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ chia thưởng 100%.

Ngày 2/5, nhà băng công bố Nghị quyết HĐQT triển khai kế hoạch phát hành 3,52 tỷ cổ phiếu, nguồn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần (476 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (10.567 tỷ đồng) và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (24.181 tỷ đồng). Đồng thời, Tecombank thông báo ngày 22/5 đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15%, tương đương với thanh toán 5.284 tỷ đồng, ngày thanh toán 5/6.

BIDV đã được cổ đông duyệt phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 từ 57.004 tỷ đồng lên 70.724 tỷ đồng, tăng 24%. Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành 1,2 tỷ cổ phiếu là cổ tức của 2022 và 165 triệu cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư riêng lẻ.

Ngoài ra, BIDV cũng trình phương án dùng 12.347 tỷ đồng, tương đương gần 80% lợi nhuận sau trích lập các quỹ của 2023 để chia cổ tức cổ phiếu. Phương án cụ thể sẽ được thực hiện theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tính đến hiện tại, VPBank (mã: VPB ) là ngân hàng có với điều lệ lớn nhất 79.340 tỷ đồng sau các đợt tăng vốn khủng khi chia thưởng tỷ lệ 50% vào 2022 và phát hành riêng lẻ gần 1,2 tỷ cổ phiếu 2023. Đặc biệt, đợt phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông chiến lược SMBC hoàn tất cuối tháng 10/2023 đã đem về nhà băng gần 36.000 tỷ đồng, gia tăng sức mạnh tài chính và sẵn sàng cho các kế hoạch mở rộng, kể cả nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém và bước ra nước ngoài.

Năm nay, VPBank có trình phương án tăng vốn điều lệ nhưng là phát hành tối đa 30 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên năm 2024. Nhà băng tiếp tục chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10%, tương đương 7.934 tỷ đồng từ lợi nhuận 2023. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT cho biết ngân hàng sẽ chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liên tiếp.

Ngọc Điểm

Link gốc

https://nhadautu.vn/hon-chuc-ty-co-phieu-ngan-hang-se-do-bo-vao-thi-truong-chung-khoan-d85633.html