HOT: Nghe lời tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’, một luật sư bỏ nghề về chăn lợn kiếm 50 nghìn tỷ đồng mỗi năm, vực dậy nghề nuôi heo gia truyền suốt 6 đời

Trong khi toàn ngành phải gồng lỗ 750.000 đồng trên mỗi đầu heo thì vị tỷ phú này đã có bí quyết gì để tăng trưởng gấp đôi thị phần?

Chủ tịch Brad Clemens của hãng thực phẩm Clemens Food Group vốn từng là luật sư khi cho rằng nghề gia truyền chăn lợn của gia đình suốt 6 thế hệ chẳng có tương lai.

Thế nhưng cuối cùng vị truyền nhân 41 tuổi này vẫn quay về với nghề cũ khi nhận ra được bí quyết làm giàu từ tác giả Robert Kiyosaki của “Cha giàu, cha nghèo” trong ngành nuôi heo.

403 cổ đông thân thích

Tập đoàn Clemens Food vốn là một hãng tư nhân theo kiểu gia đình trị, có truyền thống 129 năm và đã qua được 6 đời quản lý nhà Clemens. Hiện khoảng 403 họ hàng, thân thích của gia tộc này đang sở hữu cổ phần của công ty và kỳ vọng tập đoàn sẽ tiếp tục hoạt động với mô hình doanh nghiệp tư nhân chứ chẳng cần cổ phần hóa.

“Chúng tôi sẽ không phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), chúng tôi không phải để bán. Đây là vấn đề xây dựng giá trị tài sản lâu dài”, Chủ tịch Brad cho hay.

Nghe lời tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’, một luật sư bỏ nghề về chăn lợn kiếm 50 nghìn tỷ đồng mỗi năm, vực dậy nghề nuôi heo gia truyền suốt 6 đời- Ảnh 1.

Chủ tịch Brad Clemens của hãng thực phẩm Clemens Food Group

Công ty gia đình trị ngành chăn heo này đạt doanh thu 2 tỷ USD (gần 500.000 tỷ đồng) năm 2023 nhưng cũng vay nợ đến 500 triệu USD (khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng) để tái đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với Chủ tịch Brad, việc tích cực vay nợ như lời tác giả Robert Kiyosaki của “Cha giàu, cha nghèo” giúp công ty chiếm dụng vốn để có thể phát triển trong giai đoạn đầy cơ hội hiện nay.

Xin được nhắc là nhu cầu tiêu thụ thịt lợn Mỹ giảm 9% nhưng sản lượng lại tăng 25%, khiến người nông dân khốn khổ tìm đầu ra trong bối cảnh Trung Quốc, thị trường mua nhiều thịt heo nhất lại đang xung đột thương mại với Mỹ.

Trung Quốc tiêu thụ đến 40% thịt heo toàn cầu và Mỹ xuất khẩu 30% sản lượng thịt lợn của mình sang đây hàng năm cho đến trước khi xung đột thương mại diễn ra.

Điều này khiến phần lớn người nông dân Mỹ đang phải gồng lỗ 30 USD trên mỗi đầu heo.

Bởi vậy việc tập đoàn gia đình trị của nhà Clemens kinh doanh có lãi, thậm chí tăng trưởng bùng nổ khiến nhiều người phải ngạc nhiên.

Ngoài chăn lợn và bán thịt heo, Clemens Food còn sở hữu rất nhiều chuỗi cung ứng của mình, bao gồm một nhà máy thức ăn chăn nuôi ở Indiana, một nhà máy khác đang được xây dựng ở trung tâm Pennsylvania và một đội xe gồm 156 xe tải.

Hàng năm, Clemens Food chăn nuôi 2,7 triệu con lợn từ mạng lưới 20 trang trại trải rộng từ Indiana, Ohio, Michigan cho đến North Carolina.

Tệp khách hàng của Clemens cũng toàn những cái tên nổi tiếng như McDonald’s, U.S. Foods, Sysco, Wendy’s, Kraft, Target hay Walmart.

Rõ ràng bí quyết của gia tộc Clemens không phải chỉ là nghe lời tác giả Robert Kiyosaki khi tích cực đi vay, chiếm dụng vốn để kinh doanh mà còn là ở cách họ chăn lợn.

Nghe lời tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’, một luật sư bỏ nghề về chăn lợn kiếm 50 nghìn tỷ đồng mỗi năm, vực dậy nghề nuôi heo gia truyền suốt 6 đời- Ảnh 2.

Nghe lời tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’, một luật sư bỏ nghề về chăn lợn kiếm 50 nghìn tỷ đồng mỗi năm, vực dậy nghề nuôi heo gia truyền suốt 6 đời- Ảnh 3.

Nuôi heo nhân đạo

Khác với những tập đoàn chăn heo nổi tiếng khác theo kiểu công nghiệp, nhà Clemens với 6 đời gia truyền lại chăn lợn theo kiểu nhân đạo. Chính điều này đã giúp Clemens Food bất ngờ nổi lên như một thế lực mới trong mảng thịt lợn Mỹ khi toàn ngành đang phải gồng lỗ.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2023 khi bang California thực thi dự luật cấm các trang trại nuôi lợn nhốt những chú heo đang mang thai trong các lồng công nghiệp chật hẹp. Từ đây, hàng loạt các bang khác cũng thi hành quy định tương tự và có khoảng 15 tiểu bang đang áp dụng luật mới.

Những tập đoàn thịt lợn lớn của Mỹ như Smithfield đã chống lại các quy định mới này thay vì tuân thủ vì cho rằng chúng làm gia tăng chi phí, xói mòn lợi nhuận trong bối cảnh đang phải gồng lỗ hiện nay. Hậu quả là các hãng này đóng cửa nhiều nhà máy chế biến thay vì tuân thủ, qua đó tạo cơ hội cho những hãng nuôi heo nhân đạo như Clemens Food gia tăng thị phần.

Riêng trong năm 2023, Clemens đã tăng gấp đôi thị phần thịt lợn tươi tại Mỹ của mình từ 2% lên 5%, và thị trường thịt lợn xông khói từ 1% lên 2%.

“Chúng tôi chẳng kiêng dè gì đâu”, Chủ tịch Brad nói khi giới thiệu về dây chuyền sản xuất thịt xông khói trị giá 40 triệu USD mới được lắp đặt gần đây.

Nghe lời tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’, một luật sư bỏ nghề về chăn lợn kiếm 50 nghìn tỷ đồng mỗi năm, vực dậy nghề nuôi heo gia truyền suốt 6 đời- Ảnh 4.

Trong khi các tập đoàn thịt lợn Mỹ đang gặp khó khăn thì tỷ suất lợi nhuận hoạt động hàng năm của Clemens ước tính lên đến 5%/năm, ngang bằng với nhà sản xuất thịt gà Seaboard.

Hiện công ty đã tăng gấp đôi hoạt động chăn lợn nhân đạo, tái đầu tư 1 tỷ USD cho hoạt động kinh doanh để mở rộng thêm thị phần và sẵn sàng đấu tay đôi với các doanh nghiệp đầu ngành.

Không chỉ thực thi tôn chỉ kinh doanh nhân đạo truyền thống trong việc đối xử với lợn mà gia đình Clemens còn đóng góp 10% lợi nhuận hàng năm cho các tổ chức phi lợi nhuận, trong khi các cổ đông cũng trao 10% khác cho các quỹ từ thiện địa phương.

Tổng giá trị tài sản của gia tộc Clemens ước tính vào khoảng 1,1 tỷ USD và phần lớn đến từ việc sở hữu 94% cổ phần tập đoàn Clemens Food. Số còn lại được nắm giữ bởi các nhân viên lâu năm và những tổ chức từ thiện.

Gia tộc này cũng sở hữu nhiều bất động sản khu bờ đông nước Mỹ với tổng trị giá lên đến 200 triệu USD.

Truyền thống 6 đời

“Mọi người nghĩ rằng dự luật mới về nuôi heo đã giúp Clemens trỗi dậy, nhưng sự thật là tập đoàn này đã xây dựng được một truyền thống lâu đời về chất lượng sản phẩm mà nơi khác không thể có”, Thành viên Rod Brenneman của Hội đồng quản trị Clemens cho biết.

Quay ngược dòng lịch sử về năm 1985, anh nông dân John C. Clemens đã mang chiếc xe ngựa chở đầy thịt lợn của mình đến một khu chợ ở Philadelphia để bán và khởi đầu cho nghề gia truyền của gia tộc này.

Nghe lời tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’, một luật sư bỏ nghề về chăn lợn kiếm 50 nghìn tỷ đồng mỗi năm, vực dậy nghề nuôi heo gia truyền suốt 6 đời- Ảnh 5.

Ông John C. Clemens (người thứ 5 từ phải sang) và các nhân viên Clemens thập niên 1940

Do là người có tín ngưỡng nên tôn chỉ của ông John luôn là kinh doanh có đạo đức, qua đó đặt tiền đề cho việc nuôi heo nhân đạo sau này của tập đoàn Clemens Food.

Năm 1982, công việc kinh doanh của gia đình đem lại nguồn thu vượt 9 con số và đến năm 1986 là 151 triệu USD.

Bước sang thập niên 1990 đầy biến động, doanh thu của Clemens đạt 246 triệu USD bất chấp giá lợn giảm xuống mức thấp kỷ lục do Đại suy thoái cũng như tình trạng phá sản tăng vọt.

Đây là thời điểm Brad quyết định theo đuổi sự nghiệp luật sư thay vì theo nghề chăn lợn của gia đình vì nghĩ rằng không có tương lai. Tuy nhiên khi thị trường phục hồi thì ông bắt đầu nhận ra tiềm năng của ngành nếu có lượng vay vốn đủ lớn để mở rộng kinh doanh.

Quay trở về kế nghiệp, Brad bắt đầu áp dụng mô hình chăn nuôi đạo đức cao hơn nữa, dỡ bỏ các chuồng chăn lợn công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng thịt.

Việc gắn liền hình ảnh thương hiệu với bảo vệ động vật, không ngược đãi loài heo hay chăn nuôi có đạo đức, Clemens đã cho thấy được sự thành công khi nâng tầm thương hiệu thay vì chỉ là một tập đoàn chăn lợn thông thường.

Với thành công này, Brad đã lôi kéo thêm được 20 người thân nữa tham gia làm việc toàn thời gian cùng gia tộc và dự kiến sẽ thách thức ngôi vị số 1 của các tập đoàn thịt lợn hàng đầu Mỹ trong tương lai.

*Nguồn: Forbes