Hot: Thêm loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động, một nhà băng ngược chiều đưa mức cao nhất lên 8,3%

Eximbank, Techcombank, MSB, Saigonbank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động.

Từ ngày hôm nay (8/8), Eximbank sẽ áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức điểu chỉnh giảm 0,1 -0,8 điểm % so với trước đó. Hiện mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng này áp dụng là 6,3%/năm, dành cho các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.

Theo biểu lãi suất huy động mới được Techcombank áp dụng từ ngày 7/8, lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã được điều chỉnh giảm 0,1 điểm % so với trước đó, xuống còn 4,25%/năm. Các kỳ hạn còn lại giữ nguyên ở mức 6,4%/năm.

Từ ngày 7/8, MSB áp dụng biểu lãi suất mới với mức cao nhất là 6,5%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đối với các khách hàng tại thời điểm mở sổ không có sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi, Chứng chỉ tiền gửi tại MSB. Ngoài ra, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng chỉ được gửi tối đa 5 tỷ đồng và chỉ được phép mở tối đa 1 sổ tiết kiệm.

Đối với sản phẩm tiền gửi thông thường, MSB áp dụng mức lãi suất 6% cho các khoản tiền gửi từ 12 tháng trở lên và 4,5 – 5,9%/năm cho các khoản tiền gửi dưới 12 tháng.

Từ ngày 7/8, Saigonbank cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động 0,2 – 0,3 điểm % tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên và giảm 0,15 điểm % tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Hiện lãi suất huy động cao nhất đang được Saigonbank áp dụng là 7,5% dành cho kỳ hạn 13 tháng, theo hình thức gửi tiền online lĩnh lãi cuối kỳ.

Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ đầu tháng 8 như HDBank, VPBank, OceanBank,…

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong nước và 4 ngân hàng nước ngoài vào sáng ngày 8/8 cho thấy, mức lãi suất huy động cao nhất đang được niêm yết là 8,3%/năm. Theo đó, mức lãi suất này đang được Ngân hàng Đông Á áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 1 tỷ trở lên.

Các ngân hàng tư nhân nhỏ hầu hết đang niêm yết lãi suất cao nhất trong khoảng 7,2 – 7,6%/năm.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn, mức lãi suất cao nhất chủ yếu dao động trong khoảng 6,4 – 6,8%/năm như, Sacombank (6,8%), MB (6,8%), VPBank (6,8%), ACB (6,6%) Techombank (6,4%). Cá biệt, SHB vẫn áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất là 7,2%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, ngang ngửa các ngân hàng tư nhân nhỏ.

Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank có lãi suất tiền cao nhất là 6,3%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Bên khối ngân hàng nước ngoài, Shinhanbank có biểu lãi suất tương đương với các ngân hàng nội với mức cao nhất lên tới 6,3%/năm dành cho cho kỳ hạn 12 tháng.

UOB Việt Nam cũng đang có biểu lãi suất tương đối các so với các nhà băng ngoại khác. Theo đó, mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 6 – 12 tháng dao động trong khoảng 5 – 6%/năm. Trước đó, UOB đã hoàn tất thu mua mảng Ngân hàng Tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, bao gồm các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ tiền gửi…Đây là một phần trong thỏa thuận Citibank chuyển nhượng mảng ngân hàng bán lẻ tại 4 thị trường: Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia cho UOB. Giao dịch chuyển nhượng này thể hiện chiến lược dài hạn của UOB với mảng bán lẻ tại Việt Nam.

Lãi suất cao nhất được niêm yết tại website các ngân hàng ngày 8/8. (Quốc Thụy tổng hợp)

Thống kê của Chứng khoán VnDirect, tại thời điểm cuối tháng 7, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng quốc doanh lùi về mức 6,3%/năm, giảm 1,1 điểm % so với đầu năm.

Trong khi đó, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng tư nhân dao động từ 6,3% đến 7,0%/năm với mức trung bình khoảng 6,7%/năm, giảm gần 1,6 điểm % so với đầu năm. Trong nhóm các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động giảm đáng kể nhất khoảng 0,3-0,7%/năm (trong tháng 7) ở một số ngân hàng như VIB, TPBank, LPBank, Sacombank, SeABank, VPBank, SHB, OCB.

Theo dự báo của VnDirect, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0-6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023, do: (1) tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, (2) tăng trưởng tín dụng chậm trong nửa đầu năm giúp giảm bớt áp lực huy động vốn, (3) Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công, từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và (4) Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.