HPG lấn sân sang lĩnh vực BDS

HPG: Vua thép Hòa Phát trở lại “đường đua” bất động sản

Trong khi hàng loạt doanh nghiệp Bất động sản vẫn đang tìm cách xoay sở trong cơn khát vốn, Hòa Phát của tỉ phú Trần Đình Long đã có những bước đi thần tốc trong việc “gom đất”, trở thành nhà đầu tư của hai dự án đô thị tại Hưng Yên và Phú Thọ với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỉ đồng.

Tái khởi động lại mảng bất động sản

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) của Chủ tịch Trần Đình Long được xem như một “ông vua tiền mặt” trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán nhờ dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ.

Mặc dù đang là “vua” trong lĩnh vực sản xuất thép ở Việt Nam, nhưng ông Trần Đình Long vẫn bày tỏ mong muốn mở rộng sang lĩnh vực bất động sản và còn đặt mục tiêu trở thành top 3 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ năm 2022, ông Trần Đình Long, cho biết định hướng thay vì mua đất để làm dự án thì sẽ tham gia đấu thầu ở các địa phương. Đúng định hướng này, thời gian qua, Hòa Phát có đề xuất đầu tư, tài trợ quy hoạch các dự án diện tích hàng trăm hécta ở nhiều tỉnh, thành như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Hải Dương, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế và Đắc Nông.

Mới đây, Hòa Phát đã có những bước tái khởi động lại các dự án bất động sản nhà ở với việc trúng thầu hai dự án đô thị tại Hưng Yên và Phú Thọ với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỉ đồng.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ, chỉ duy nhất Liên danh Công ty CP Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa - Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát đăng ký và đạt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Khu dân cư nông thôn sinh thái Cao Xá, huyện Lâm Thao.

Được biết, Dự án khu dân cư nông thôn sinh thái Cao Xá được UBND tỉnh Phú Thọ chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 8/2022, với quy mô diện tích lên đến 120ha. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án khoảng 5.622 tỉ đồng, trong đó chi phí thực hiện khoảng 5.284 tỉ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 338 tỉ đồng.

Dự án này bao gồm các công trình nhà ở liền kề, biệt thự, công trình hỗn hợp, công trình dịch vụ công cộng, công viên cây xanh – mặt nước, cây xanh – thể dục thể thao, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Với việc là nhà đầu tư duy nhất đăng ký và đạt yêu cầu sơ bộ thì Liên danh Công ty CP Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa - Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát đang “rộng cửa” để được tỉnh Phú Thọ chính thức lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cũng công bố nhà đầu tư duy nhất đạt yêu cầu sơ bộ về đánh giá năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho người thu nhập thấp Khu công nghiệp Yên Mỹ II trên địa bàn xã Trung Hòa và thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) là CTCP Phát triển Đô thị Hòa Phát Yên Mỹ. Đây cũng là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án.

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 4.830 tỉ đồng. Dự án có quy mô sử dụng đất của dự án khoảng 309,978m2; quy mô dân số khoảng 11,500 người. Sản phẩm dịch vụ cung cấp gồm Nhà ở thương mại liền kề 250 căn; căn hộ, nhà ở xã hội 9,000 căn và các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của khu dân cư.

Được biết, CTCP Phát triển Đô thị Hòa Phát Yên Mỹ thành lập vào ngày 9.5.2022 với vốn điều lệ 750 tỉ đồng. Trong đó, cổ đông sáng lập lớn nhất nắm 99,9% vốn là CTCP Phát triển Bất động sản Hòa Phát - công ty con do Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 99,97% vốn điều lệ.

Dồn dập săn quỹ đất

Thời gian qua, Hòa Phát đang rốt ráo đi tỉnh “tìm đất” cho tham vọng bất động sản. Sau Cần Thơ, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Hải Dương, ông chủ Hòa Phát Trần Đình Long tìm đến Thừa Thiên Huế và mới nhất là Phú Yên.

Cụ thể, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên vào ngày 17.6.2022, Tập đoàn Hòa Phát đã bày tỏ mong muốn đầu tư dự án cảng biển Bãi Gốc và dự án hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòa Tâm, với tổng mức đầu tư khoảng 120.000 tỉ đồng. Tổ hợp dự án nói trên dự kiến được thực hiện trong vòng 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng.

Không riêng Phú Yên, trước đó Hòa Phát cũng liên tục đề xuất đầu tư tại nhiều địa phương, như Quảng Trị với dự án phát triển cảng biển, cảng nước sâu và xây dựng nhà máy thép tại Khu kinh tế Đông Nam; tỉnh Thừa Thiên - Huế với dự án khu đô thị; đề xuất xây dựng cụm dự án Alumin công suất 2 triệu tấn/năm và nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm tại tỉnh Đắk Nông…

1 Likes