Sau series phân tích NKG vừa rồi có nhiều người muốn em làm về HPG, vì vậy hôm nay em quyết định viết một series phân tích chuyên sâu về HPG để mọi người có thể thấy được bức tranh từ quá khứ đến hiện tại và tương lai của cổ phiếu này. Bài viết sau đây về triển vọng của HPG sẽ là phần đầu tiên trong series lần này.
- Nhìn lại các con sóng lớn của HPG
- Dựa trên dữ liệu lịch sử, vận động của cổ phiếu HPG hết sức thú vị, mỗi chu kỳ của HPG thường kéo dài từ 3 – 4 năm, với các pha tăng giá song hành với sự tăng trưởng bằng lần về lợi nhuận sau thuế và công suất nhà máy.
- Xen kẽ với các chu kỳ tăng giá là khoảng thời gian 2-3 năm lợi nhuận sau thuế đi ngang hoặc giảm nhẹ, với những tin tức thiếu tích cực về giá thép cũng như cắt giảm sản lượng.
- Như vậy, xét về dài hạn với sự đi lên về doanh thu lợi nhuận, công suất nhà máy, vẫn có thể nói rằng HPG là một cổ phiếu đang trên đà tăng trưởng. Nếu lịch sử lặp lại cứ khoảng 2-3 năm một lần uptrend thì chúng ta có thể kỳ vọng một con sóng lớn khác vào khoảng cuối năm 2023 - đầu năm 2024, trùng với thời điểm Dung Quất 2 được hoàn thành.
- Dư địa về sản lượng sản xuất
-
Về năng lực sản xuất, tổng sản lượng thép thô đạt 8,5 triệu tấn/năm. Trong đó có hơn 5 triệu tấn phôi thép, thép xây dựng và 3 triệu tấn HRC/năm.
-
Ở các giai đoạn tăng trước đó, HPG có sự tăng tốc rất nhanh và mạnh về sản lượng và năng lực sản xuất. Ở giai đoạn hiện tại, HPG đang tiến hành mở rộng Dung Quất 2 và dự kiến cuối năm 2024 hoàn thành, giúp tổng công suất đạt 14.6 triệu tấn/năm (tăng 66% so với mốc hiện tại). Bên cạnh đó HPG còn đóng lò cao, sản lượng trong thời gian tới chắc chắn sẽ giảm đi, cho nên khi Dung Quất 2 đi vào vận hành thì công suất sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
- Như vậy yếu tố công suất tăng trưởng, kết hợp với sự gia tăng nhu cầu về thép và giá thép sẽ là yếu tố “thiên thời” giúp cho giai đoạn 2023 - 2024 sắp tới rất đáng để kỳ vọng. Tuy nhiên, công suất gia tăng cũng chỉ là một mặt của vấn đề, điều quan trọng là phải xét đến nhu cầu thép liệu còn dư địa tăng trưởng hay không.
- Bức tranh cung cầu HPG
3.1. Thép xây dựng
- Lần uptrend tới của HPG rất có thể vẫn sẽ gắn liền với ngành xây dựng, khi nhu cầu xây dựng nhà ở, phát triển bất động sản và đầu tư công thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng. Lý do là bởi một nước đang phát triển như Việt Nam cần phải xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng vậy nên có xu hướng tiêu thụ nhiều hơn thép xây dựng so với thế giới. Bằng chứng là tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam ở mức 40%, sản lượng tiêu thụ thép trên đầu người vẫn ở mức thấp hơn rất nhiều so với các nền kinh tế đang phát triển và phát triển khác trong Châu Á. Dư địa tăng trưởng nhu cầu thép xây dựng vẫn còn rất lớn.
- Có thể nói ban lãnh đạo HPG có những chiến lược hết sức đúng đắn khi lấy mũi nhọn là thép xây dựng, sau đó mới đẩy mạnh phát triển các sản phẩm khác như thép dẹt, HRC, ống thép,… vốn là những sản phẩm thép cao cấp hơn được sử dụng trong các ngành công nghiệp nặng, được tiêu thụ ngày càng nhiều hơn dựa theo tiến trình phát triển của Việt Nam. Kế hoạch phát triển Dung Quất 2, tập trung vào tăng công suất HRC (công suất 4.6 triệu HRC và 1 triệu thép xây dựng chất lượng cao) cũng thể hiện tầm nhìn đi theo tiến trình phát triển đất nước của BLĐ HPG. Gia tăng công suất HRC do đó rất đáng để kỳ vọng vào 2023 - 2024.
3.2. HRC
-
Công suất HRC tối đa của HPG là 3 triệu tấn/năm, 40% lượng HRC được sản xuất để phục vụ nhu cầu của tập đoàn, 60% còn lại bán ra ngoài tập đoàn. Tuy nhiên lượng cung ứng này không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng về HRC trong nước.
-
Mỗi năm nhu cầu trong nước khoảng 12 - 13 triệu tấn với mức tăng trưởng 10% hàng năm, trong khi đó hai nhà cung ứng duy nhất tại Việt Nam là Formosa và HPG cũng chỉ đáp ứng được khoảng 10 triệu tấn.
-
Như vậy với dư địa tăng trưởng nhu cầu và công suất sản xuất đến từ Dung Quất 2 thì mảng HRC cũng rất có triển vọng giai đoạn 2023 - 2024, khi nhà máy hoàn thành mà không gặp trở ngại bởi rủi ro dư cung
- Câu chuyện về nhu cầu lẫn nguồn cung trong nước nhìn chung đều khá ủng hộ cho HPG trong chu kỳ 3-4 năm tới, thế nhưng còn yếu tố nguồn cung bên ngoài thì sao? Liệu đây có phải là rủi ro của HPG trong thời gian sắp tới?
- Tín hiệu gì từ Trung Quốc và Châu Âu?
- Về phía Trung Quốc vốn chiếm gần 53% sản lượng thép thế giới, HPG dường như không bị ảnh hưởng bởi rủi ro chiếm lĩnh thị trường bởi đối thủ này. Lý do là bởi Trung Quốc đang có kế hoạch kìm hãm sản lượng thép nhằm bảo vệ môi trường, bởi thép của họ chủ yếu sản xuất bởi lò BOF (chiếm 80%) gây ra ô nhiễm môi trường cực kỳ lớn. Bên cạnh đó, tháng 5/2021, Trung Quốc cắt bỏ hoàn thuế xuất khẩu cho các sản phẩm sắt thép, điều này có thể giúp cho sản phẩm thép của HPG có sức cạnh tranh tốt hơn so với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Lý do thứ hai là, chi phí sản xuất thép của HPG hiện đang nhỏ hơn so với Trung Quốc, do vậy rủi ro bị chiếm lĩnh thị trường là không cao.
- Về phía Châu Âu, đây lại có thể là cơ hội lớn cho xuất khẩu thép của HPG. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đã gây ra sự tăng vọt trong giá năng lượng. Khi giá khí cao, giá điện tăng mạnh, nhiều công ty sản xuất thép tại Châu Âu không thể bù đắp chi phí phải cắt giảm sản lượng, đóng cửa nhà máy. Nếu tình trạng này tiếp tục thì lượng cung thép Châu Âu trong thời gian tới có thể suy giảm và đây sẽ là cơ hội vàng cho xuất khẩu thép của HPG.
- Tổng kết
-
Bài viết này em đã cung cấp cho các bác đọc bức tranh toàn cảnh về cổ phiếu HPG dựa trên dữ liệu quá khứ, hiện tại, các biến số vĩ mô. Dựa trên các yếu tố này chúng ta có thể thấy chu kỳ vài năm tới của HPG rất đáng để kỳ vọng dựa trên cơ sở gia tăng công suất nhà máy và phục hồi nhu cầu thép.
-
Những câu chuyện chưa kể về HPG và chuỗi giá trị ngành thép sẽ được em tiếp tục cập nhật tại số sau, rất mong nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của các bác, nếu các bác thấy bài viết này hữu ích có thể đóng góp cho em một like, share hoặc góp ý để em hoàn thiện hơn nữa.
Bài viết có thể không truyền đạt hết nội dung muốn nói, vì vậy em có làm thêm bản video để các bác tiện theo dõi: