Với việc đang chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường tôn mạ nội địa, Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) sẽ là đơn vị hưởng lợi trực tiếp nếu tôn mạ Trung Quốc và Hàn Quốc bị áp thuế chống bán phá giá.
Có thể hưởng lợi lớn nhất từ việc áp thuế chống bán phá giá
Vào ngày 19/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) và các nhà sản xuất tôn mạ khác trong nước đã nộp hồ sơ đến Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương về việc yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ (còn gọi là tôn mạ) từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đến ngày 3/5, Cục Phòng vệ thương mại đã có thông báo tiếp nhận đầy đủ, hợp lệ hồ sơ. Trong vòng 45 ngày kể từ ngày xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.
Trong quá khứ, biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ từ Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) và Hàn Quốc cũng đã được Bộ Công Thương áp dụng từ tháng 9/2016 đến tháng 5/2022.
Dữ liệu thống kê cho thấy tỷ trọng nhập khẩu tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng nhanh kể từ đầu năm 2023 đến nay. Tính đến cuối tháng 4/2024, tỷ trọng tôn mạ xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm lần lượt 64% và 14% trong tổng lượng tôn mạ được nhập khẩu vào nước ta.
Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, với vị thế đang chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường tôn mạ nội địa (từ 20 - 30%), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) sẽ là đơn vị hưởng lợi nhiều nhất trong trường hợp biện pháp chống bán phá giá thép mạ Trung Quốc và Hàn Quốc được ban hành.
Tuy nhiên, từ khi quá trình điều tra (nếu có) đến lúc ra các quyết định sơ bộ và chính thức sẽ diễn ra trong khoảng thời gian dài.