Với việc ghi nhận lỗ trở lại trong quý 1/2024, Phát triển Đô thị Kinh Bắc hiện còn cách rất xa mục tiêu lãi 4.000 tỷ đồng đề ra trong năm nay.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) ghi nhận doanh thu đạt 152,33 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của Kinh Bắc giảm 95% so với cùng kỳ, còn 74 tỷ đồng.
Kinh Bắc vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 |
Kinh Bắc thuyết minh thêm, doanh thu quý đầu năm giảm mạnh chủ yếu do không ghi nhận doanh thu thuê đất và cơ sở hạ tầng; trong khi đó, cùng kỳ năm trước, hoạt động này đã đem về hơn 2.068 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 56%, còn 68 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 59%, còn 54 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 53%, còn 114 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp tạo ra không đủ chi trả cho các loại chi phí khiến Kinh Bắc lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh ở mức 33,4 tỷ đồng.
Kết quả, KBC báo lỗ sau thuế 76,7 tỷ đồng trong quý 1/2024. Theo dữ liệu của chứng khoán SSI, Kinh Bắc đã ghi nhận lỗ gần nhất là quý IV/2022 với giá trị lỗ 558,8 tỷ đồng. Như vậy, Kinh Bắc lỗ trở lại sau 4 quý có lãi.
Được biết, trong năm 2024, Kinh Bắc đặt kế hoạch tổng doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.000 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2024, tổng tài sản của Kinh Bắc tăng 17,7% so với đầu năm, lên 39.337 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho ghi nhận 12.685 tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng tài sản, tăng 3,8% so với đầu năm. Dự án KCN và khu đô thị Tràng Cát chiếm tỷ trọng lớn nhất tới 8.243,6 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 9.573,3 tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng tài sản. Đầu tư tài chính ngắn hạn tăng vọt gấp 4 lần lên mức 7.515 tỷ đồng và chiếm 19,1% tổng tài sản, do tăng thêm hơn 5.600 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
Bên kia bảng cân đối tài chính, tính tới cuối quý I/2024, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 9,4% so với đầu năm, lên 4.069 tỷ đồng và bằng 20% vốn chủ sở hữu.
Kinh Bắc gia hạn ĐHĐCĐ thường niên năm 2024
Mới đây, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - Công ty CP đã công bố nghị quyết HĐQT về việc gia hạn thời gian tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024. Theo đó, cuộc họp này sẽ được tổ chức chậm nhất trước ngày 30/6/2024.
Thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức họp hiện chưa được công bố. Kinh Bắc cho biết, doanh nghiệp sẽ có thông báo cụ thể bằng văn bản, đồng thời giao Chủ tịch HĐQT - người đại diện theo pháp luật chủ động lựa chọn thời gian, địa điểm, hình thức tổ chức họp cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của Tổng Công ty tại thời điểm diễn ra cuộc họp dự kiến.
Lý do gia hạn được Kinh Bắc đưa ra là bởi các nhiệm vụ và kế hoạch quan trọng cho năm 2024 đã được thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 lần 1 diễn ra vào ngày 28/3 vừa qua. Theo nghị quyết cuộc họp, cổ đông của Kinh Bắc đã nhất trí với mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 59,4% và 80,3% so với thực hiện trong năm 2023.
Kế hoạch nói trên được xây dựng trên cơ sở triển vọng về nền kinh tế năm Việt Nam năm 2024 đã bắt đầu đón nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường vốn và chính sách tiền tệ. Cùng với đó, Chính phủ tiến hành triển khai xây dựng các chính sách pháp lý để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho thị trường bất động sản và nỗ lực thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển theo hướng bền vững, lâu dài.
Kinh Bắc kỳ vọng, với những chính sách quyết liệt của Chính phủ, cơ chế linh hoạt của chính quyền tại những địa phương mà Tổng Công ty thực hiện dự án trong thời gian gần đây nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó sẽ thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp nói chung và Kinh Bắc nói riêng trong năm 2024.
“Đại gia” bất động sản này dự kiến, các dự án còn thiếu các thủ tục pháp lý như Khu công nghiệp Tràng Duệ 3, Khu công nghiệp Lộc Giang, Khu đô thị Phúc Ninh, Khu đô thị Tràng Cát…s ẽ được hoàn thiện và thông qua từ quý II/2024. Kinh Bắc ước tính, diện tích cho thuê đất khu công nghiệp trong năm 2024 sẽ rơi vào khoảng 150ha, đến từ các khu công nghiệp: Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu, Tân Phú Trung, các cụm khu công nghiệp ở Hưng Yên, Long An và Khu công nghiệp Tràng Duệ 3.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ chuẩn bị quỹ đất khu công nghiệp mới nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong giai đoạn tới, đang nỗ lực thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để tiếp cận được phê duyệt mới các dự án tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hậu Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu với tổng diện tích dự kiến phát triển thêm 3.500 ha đất khu công nghiệp và 650 ha đất khu đô thị.
Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ bất thường, Kinh Bắc cũng đã thông qua việc hủy kế hoạch mua lại 100 triệu cổ phiếu để giảm vốn điều lệ và hủy kế hoạch trả cổ tức tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 20%.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2023, HĐQT chưa triển khai được phương án chi trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông hiện hữu như các Nghị quyết ĐHĐCĐ phê duyệt. Nguyên nhân là do trong năm 2023, HĐQT đã ưu tiên dồn toàn bộ nguồn lực tài chính để thực hiện mua lại toàn bộ dư nợ Trái phiếu đến hạn và trước hạn với số tiền là 3.900 tỷ đồng dư nợ gốc trái phiếu và 161,9 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu, đưa dư nợ Trái phiếu của công ty về 0 đồng trước 30/06/2023.
Ngoài ra, HĐQT đã phải thu xếp nguồn lực tài chính để đảm bảo năng lực tài chính triển khai và mở rộng quy mô các dự án. Vì vậy, HĐQT Kinh Bắc chưa triển khai được kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền trong năm 2023. HĐQT cho biết sẽ trình ĐHĐCĐ phương án phân phối lợi nhuận khác tại ĐHĐCĐ thường niên 2024.
Về kế hoạch mua lại cổ phiếu, HĐQT cho biết, trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thị trường chứng khoán cũng diễn biến tích cực và giá cổ phiếu KBC cũng theo xu hướng đi lên khá tốt và duy trì mức giá trên 30.000 đồng/cổ phiếu gần đến giá ngừng mua lại. Vì vậy, HĐQT chưa tiếp tục triển khai việc mua lại cổ phiếu trong năm 2023.
Mặt khác, HĐQT cho biết nhiều dự án của Kinh Bắc cần tăng tốc đầu tư trở lại. Vì vậy, Đại hội hủy phương án mua lại cổ phiếu để giảm vốn điều lệ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 28/12/2022 để đảm bảo Năng lực tài chính của Công ty cho việc mở rộng và tham gia các dự án mới.