'Hút' FDI đâu chỉ là đón bao nhiêu CEO của tập đoàn lớn?

Việt Nam liên tiếp đón CEO của các tập đoàn đa quốc gia ghé thăm. Đây là tín hiệu dự báo về sóng FDI lần thứ 4 nhưng cũng cần phải nhìn nhận rằng, câu chuyện không chỉ nhà đầu tư có đến Việt Nam hay không mà quan trọng là làm sao họ phải đến và ở lại, phát triển mạnh hơn ở Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến 20/4/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Con số ấn tượng về thu hút FDI

“Tháng 4/2024 ghi nhận lượng vốn đầu tư mới và giá trị các giao dịch góp vốn mua cổ phần cao hơn các tháng đầu năm 2024, số dự án đầu tư mới cũng đạt mức cao nhất kể từ đầu năm”, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá.

Việt Nam có cơ hội rất lớn trở thành cứ điểm sản xuất bán thành phẩm và hoàn thiện sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 74,8% số dự án mới và 79,1% số vốn đầu tư của cả nước trong 04 tháng.

Nói về tín hiệu làn sóng FDI lần thứ 4, ông Lê Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư BĐS Công nghiệp và Cho thuê A+, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu đầu tư Quốc tế (ISC), nhận định đang nhen nhóm dựa trên những điểm nhấn như Việt Nam – Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, gần đây CEO các tập đoàn lớn đến thăm Việt Nam.

Thêm vào đó, cũng cần kể đến là các tập đoàn sản xuất công nghệ của hàng không, vũ trụ nổi tiếng như Boeing, Airbus cũng đang rất quan tâm đến Việt Nam và đang tiếp tục xem xét việc điều chuyển các cơ sở sản xuất linh kiện cho hàng không tại Việt Nam.

“Việt Nam có cơ hội rất lớn trước các nhu cầu trở thành cứ điểm sản xuất bán thành phẩm và hoàn thiện sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu đó”, ông Dũng nói.

Tuy vậy, làm sao để những chuyến thăm của các CEO tập đoàn đa quốc gia được thực hiện bằng các thương vụ đầu tư sau đó?

Cuối năm 2023, sự kiện CEO Jensen Huang của Công ty chip nghìn tỷ USD NVIDIA tới thăm Việt Nam được kỳ vọng rất nhiều. Tuy vậy, ngay sau đó khi báo chí Indonesia và quốc tế đưa tin NVIDIA và Indosat đầu tư 200 triệu xây dựng trung tâm AI ở Indonesia, nhiều người đã hoài nghi liệu rằng tập đoàn chip nghìn tỷ này có rót vốn vào Việt Nam.

Và tháng 4 vừa qua, sự kiện Tập đoàn FPT công bố hợp tác chiến lược toàn diện với NVIDIA, đầu tư 200 triệu USD xây dựng nhà máy trí tuệ nhân tạo đã “đập tan” những hoài nghi trên.

Để “đại bàng” chọn Việt Nam

Bởi vậy, GS. Hà Tôn Vinh, Giám đốc Chương trình Đào tạo lãnh đạo Đại học California Miramar University (Hoa Kỳ), bày tỏ không chỉ là chuyện nhà đầu tư có đến Việt Nam hay không mà quan trọng làm sao họ phải đến Việt Nam, ở lại và phát triển mạnh hơn ở Việt Nam.

GS. Hà Tôn Vinh nêu quan điểm rằng ông không lo vấn đề vốn đầu tư của Mỹ có vào Việt Nam hay không mà chỉ lo là Việt Nam có đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của các tập đoàn hay không. Việt Nam – Mỹ đang nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Vậy không có lý do để các tập đoàn của Mỹ không đầu tư vào Việt Nam nếu lợi thế so sánh của Việt Nam lớn hơn các nước khác và có điều kiện đem lại lợi nhuận cho họ lớn hơn số tiền mà họ đầu tư ở nước khác.

Theo chuyên gia Hà Tôn Vinh, cần phải để doanh nghiệp Mỹ thấy phải đầu tư vào Việt Nam, trong đó Việt Nam phải đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh hơn, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ…

GS. Hà Tôn Vinh cũng nhìn nhận, Việt Nam không viển vông khi đặt mục tiêu phát triển ngành bán dẫn bởi vì chúng ta có nguồn tài nguyên và năng lực người Việt rất tốt. Tuy nhiên, Việt Nam phải hiện thực hoá khát vọng đó bằng quyết tâm, quyết đoán và quyết định; phải làm bằng sức mạnh của dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại.

Ông Nguyễn Vũ Michael, Giám đốc Boeing Việt Nam cũng cho hay nhiều doanh nghiệp Mỹ khi đến Việt Nam họ đã thấy những bước thay đổi về sự phát triển kinh tế, nguồn nhân lực dồi dào và trẻ... Tuy vậy, họ không biết cách làm sao để mang cơ hội về cho mình. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đến 1-2 tuần rồi đi.

Đối với doanh nghiệp FDI, ông Nguyễn Vũ Michael cho rằng họ không nhất thiết phải làm việc với doanh nghiệp lớn của Việt Nam và đa phần các tập đoàn lớn của Mỹ cũng bắt đầu từ doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, Việt Nam có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của mình để nắm bắt cơ hội, trở thành đối tác với các tập đoàn đa quốc gia.

"Chúng tôi mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam và không quan trọng đối tác là FDI hay doanh nghiệp nội địa, quan trọng là làm sao đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam mạnh hơn", CEO Boeing nói.

Lê Thúy

Link gốc

https://vnbusiness.vn/viet-nam/hut-fdi-dau-chi-la-don-bao-nhieu-ceo-cua-tap-doan-lon-1099556.html