Tổng công ty ghi nhận lãi sau thuế hơn 216 tỷ đồng, giảm 2/3 so với cùng kỳ và thực hiện được 26% kế hoạch cả năm.
Theo báo cáo tài chính quý I, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - Mã: POW) ghi nhận doanh thu thuần giảm 16% về mức 6.243 tỷ đồng. Lãi gộp giảm 45% còn gần 377 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp rơi về mức 6%.
Doanh thu tài chính cũng giảm 19% còn 101 tỷ đồng do lãi tiền gửi đi xuống. Trong khi chi phí tài chính lại tăng 10% lên 154 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lỗ chênh lệch tỷ giá. Lợi nhuận khác cũng giảm phân nửa còn hơn 70 tỷ đồng.
Kết quả, công ty sản xuất điện báo lãi sau thuế hơn 216 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng đạt 278 tỷ đồng, giảm gần phân nửa so với cùng kỳ.
Lãnh đạo doanh nghiệp lý giải kết quả trên là do một số nhà máy điện của tổng công ty đều sụt giảm sản lượng dẫn đến giảm doanh thu và giảm lợi nhuận so với cùng kỳ.
Chẳng hạn, nhà máy Thủy điện Hủa Na có lưu lượng nước về hồ thấp trong khi chi phí giảm không đáng kể, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 94%. Thủy điện Đakđrinh tương tự giảm 64% lợi nhuận gộp. Đáng chú ý, một nhà máy nhiệt điện là Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2) chứng kiến doanh thu giảm 88% và bị lỗ nặng 158 tỷ đồng.
Năm 2024, PV Power đặt mục tiêu sản lượng điện mục tiêu đạt 16,7 tỷ kWh và doanh thu 31.736 tỷ đồng, tăng 12% so với năm ngoái. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 824 tỷ đồng, giảm 36% so với năm liền trước, mức thấp nhất kể từ khi lên sàn.
Như vậy, với kết quả trên, tổng công ty đã thực hiện gần 20% mục tiêu doanh thu và hơn 26% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Định hướng trong quý II, PV Power lên kế hoạch tổng doanh thu 8.971 tỷ và lợi nhuận sau thuế 281 tỷ. Tổng công ty sẽ tổ chức sửa chữa định kỳ các nhà máy điện như trung tu Thủy điện Đakđrinh, tiểu tu các nhà máy Cà Mau 2, Nhơn Trạch 2, Hủa Na, quyết toán khắc phục sự cố tổ máy số 1 nhà máy điện Vũng Áng 1.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng nhẹ so với đầu năm đạt 72.500 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn giảm nhẹ còn hơn 28.000 tỷ đồng, trong đó có nắm giữ hơn 9.100 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi (giảm 16% so với đầu năm).
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh 26% lên hơn 11.400 tỷ đồng, hầu hết nằm ở chi phí cho dự án Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 3, 4.
Ở phía nguồn vốn, nợ ngắn hạn tăng 7% lên gần 28.600 tỷ đồng. Tỷ suất thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh là gần 1 lần và 0,92 lần. Nợ vay ngắn hạn giảm nhẹ còn hơn 5.300 tỷ đồng nhưng vay dài hạn tăng 16% lên gần 8.300 tỷ đồng, đều là nợ vay ngân hàng.