HVN: Thua lỗ 14 quý liên tiếp, nợ người lao động hơn 1.155 tỉ đồng,

Một loạt các thông tin tài chính xấu đang thể hiện rõ ràng trên báo cáo tài chính tự lập của Vietnam Airlines như: Lỗ sau thuế 14 quý liên tiếp, lỗ lũy kế hơn 1,4 tỉ USD, âm vốn chủ sở hữu, nợ phải trả vượt tổng tài sản, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn…

image

Kết quả hoạt động kinh doanh Vietnam Airlines 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kì. Ảnh: Nhóm Phóng viên

Thua lỗ 14 quý liên tiếp

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) đã có văn bản chốt thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng tham dự là 12.10 và ngày tổ chức dự kiến là 15.11.

Đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines vẫn chưa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán cho kỳ kế toán năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, theo báo cáo tự lập, dù giảm lỗ so với cùng kỳ, thế nhưng bức tranh tài chính của doanh nghiệp hàng không này vẫn đang tồn tại rất nhiều điểm “gợn”.

Theo đó, kết thúc nửa đầu năm 2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu khoảng 44.059 tỉ đồng, tăng thêm 47% so với cùng kì. Đồng thời, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 1.295 tỉ đồng, trong khi 6 tháng đầu năm 2022 doanh nghiệp này báo lỗ 5.237 tỉ đồng.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất giữa niên độ (quý II/2023) của Vietnam Airlines cho thấy, giá vốn bán hàng neo cao, cùng chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí khác “phình to”… là những nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận công ty tiếp tục ghi nhận con số âm vào cuối kì.

Đáng nói, nếu tính theo quý, Vietnam Airlines đang có chuỗi 14 quý thua lỗ liên tiếp (bắt đầu từ quý I/2020 – đến quý II/2023), kết quả, tại ngày 30.6.2023, Vietnam Airlines đang gánh khoản lỗ lũy kế hơn 35.667 tỉ đồng (hơn 1,4 tỉ USD). Điều này dẫn đến vốn chủ sở hữu công ty âm khoảng 11.598 tỉ đồng, trong khi vốn góp của chủ sở hữu gần 22.144 tỉ đồng.

Tổng hợp báo cáo tài chính Vietnam Airlines những quý vừa qua. Ảnh: Nhóm Phóng viên

Nợ phải trả vượt xa tổng tài sản

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, tổng tài sản Vietnam Airlines đạt 59.158 tỉ đồng, giảm khoảng 1.420 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Bao gồm, tài sản ngắn hạn hơn 13.281 tỉ đồng và tài sản dài hạn có 45.876 tỉ đồng.

Trong đó, tiền mặt tại công ty hơn 23 tỉ đồng; tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn 2.369 tỉ đồng; tiền đang chuyển 85 tỉ đồng; các khoản tương đương tiền 469 tỉ đồng; tiền gửi có kỳ hạn của Vietnam Airlines hơn 924 tỉ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả Vietnam Airlines còn 70.757 tỉ đồng. Như vậy, nợ phải trả Vietnam Airlines đang vượt tổng tài sản khoảng 11.599 tỉ đồng.

Tại ngày 30.6.2023, nợ vay tài chính công ty còn khoảng 27.987 tỉ đồng, chiếm 47% tổng tài sản doanh nghiệp. Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Vietnam Airlines đã phải chi hơn 777 tỉ đồng để trả chi phí lãi vay, tương ứng, mỗi ngày trả hơn 4,3 tỉ đồng.

Chưa kể, doanh nghiệp hàng không này cũng gây bất ngờ khi danh mục phải trả người lao động còn hơn 1.155 tỉ đồng.

Thống kê từ báo cáo tài chính Vietnam Airlines. Ảnh: Nhóm Phóng viên

Ngoài ra, nhìn vào cơ cấu nợ của Vietnam Airlines cho thấy, kết thúc nửa đầu năm 2022, nợ ngắn hạn công ty còn 57.274 tỉ đồng, cao hơn tài sản ngắn hạn (13.281 tỉ đồng) khoảng 43.993 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa với hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại Vietnam Airlines là 0,23.

Theo tiêu chí tài chính, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn con số 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.

Chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán

Có thể thấy, một loạt các thông tin tài chính xấu đang thể hiện rõ ràng trên báo cáo tài chính tự lập của Vietnam Airlines như lỗ sau thuế 14 quý liên tiếp, lỗ lũy kế hơn 1,4 tỉ USD, âm vốn chủ sở hữu, nợ phải trả vượt tổng tài sản, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Tuy nhiên, vì chưa công bố báo cáo tài chính được kiểm toán nên những con số này có thể “biến động” khi kiểm toán độc lập vào cuộc.

Trước đó, giải trình về việc chậm công bố báo cáo kiểm toán 2022, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết “do đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp” nên vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính năm 2022.

Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, việc Vietnam Airlines chậm công bố báo cáo kiểm toán cũng đang góp phần giúp cổ phiếu doanh nghiệp này chưa bị hủy niêm yết.

Căn cứ quy định Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 120 tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31.12.2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26.11.2019 như sau: “Cổ phiếu công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.