Cụ thể, quý 2, doanh thu từ hoạt động xây dựng tích cực khi đạt gần 129 tỷ đồng, gấp 3.4 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu kinh doanh bất động sản - mảng hoạt động có tỷ trọng doanh thu cao nhất - lại giảm gần 17% còn 420 tỷ đồng, dẫn đến tổng doanh thu thuần gần như đi ngang so với cùng kỳ, với gần 706 tỷ đồng.
Mặt khác, giá vốn của hoạt động kinh doanh bất động sản không những không giảm mà còn tăng, góp phần khiến tổng giá vốn tăng 16%. Hệ quả là lợi nhuận gộp của Công ty giảm 26%, còn 208 tỷ đồng.
Điểm sáng là các chi phí đều được tiết giảm với chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt giảm 46%, 13% và 2%.
Dù vậy, Công ty vẫn chỉ lãi ròng 142 tỷ đồng trong quý 2/2023, giảm 26% so với cùng kỳ. Hơn nữa, cộng với quý 1 ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi, lãi ròng 6 tháng đầu năm của IJC chỉ gần 250 tỷ đồng, giảm 31%.
Tuy nhiên, với mức lãi lũy kế trên, IJC đã thực hiện được 50% kế hoạch năm 2023. Lưu ý, IJC đặt kế hoạch lợi nhuận 2023 thấp hơn kết quả thực hiện 2022 hơn 2%.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của IJC tại ngày 30/06/2023 hơn 6.3 ngàn tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi và hàng tồn kho lần lượt giảm 45% và 13%, về mức 130 tỷ đồng và 3 ngàn tỷ đồng. Chiều ngược lại, phải thu ngắn hạn tăng 23%, lên 729 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác đạt 237 tỷ đồng, gấp 6.4 lần cuối năm trước. Phần chênh lệch đến từ việc IJC góp vốn vào CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Becamex - Bình Phước. Cụ thể, ngày 26/05/2023, HĐQT IJC đã thông qua mua 55.5 triệu cp Công ty trên với giá 666 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/06/2023, IJC đã hoàn tất thanh toán đợt 1 với 200 tỷ đồng.
Về nợ phải trả, tổng nợ vay tăng 4%, lên hơn 1 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, do khoản phải trả ngắn hạn liên quan đến CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (HOSE: TDC) chỉ còn hơn 18 tỷ đồng, thay vì gần 271 tỷ đồng như đầu năm, dẫn đến tổng nợ phải trả giảm 3% còn 2.6 ngàn tỷ đồng.