Năm qua, IMP đã đăng ký thêm 11 số đăng ký cho 6 sản phẩm tại châu Âu, bao gồm các sản phẩm phức tạp như Ampicillin/Sulbactam; nâng lên tổng số 27 Giấy phép lưu hành tại châu Âu cho 11 loại sản phẩm.
CTCP dược Imexpharm (mã chứng khoán IMP) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024, thông qua mục tiêu doanh thu gộp 2.630 tỷ đồng, tăng 24%. Trong đó kênh OTC đóng góp 1.214 tỷ đồng (tăng 12%) và kênh ETC đóng góp 1.216 tỷ đồng (tăng trưởng 49%).
Tương ứng, doanh thu thuần 2.365 tỷ đồng, tăng 19%, EBITDA 550 tỷ đồng, tăng 18%.
Theo chia sẻ của bà Trần Thị Đào, Tổng Giám đốc điều hành IMP, Công ty sẽ tiếp tục tối đa hóa số đăng ký trong chuỗi châu Âu, mở rộng tệp khách hàng ETC từ 600 lên 1.000 khách hàng trong 5 năm tới. Đồng thời, mở rộng danh sách các nhà cung cấp nguyên liệu và phát triển các chiến lược giá cạnh tranh để gia tăng thị phần ETC.
Đang xem xét đầu tư nhà máy mới
IMP cũng sẽ tiếp tục mở rộng các nhóm thuốc đặc trị, đa dạng hóa danh mục sản phẩm gồm cả sản xuất và phân phối thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường, hô hấp, thần kinh và các bệnh về mắt, vitamin, khoáng chất và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo IMP, phân khúc vitamin và thực phẩm chức năng, phù hợp với nhu cầu đang tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Do đó, Công ty cũng đã đầu tư vào một nhà máy chuyên dụng để sản xuất các sản phẩm này.
" Chúng tôi cũng đang xem xét các cơ hội đầu tư vào các nhà máy mới, ngoài bốn cụm nhà máy hiện tại để nâng cao năng lực phục vụ đáp ứng nhu cầu tương lai của khách hàng trong và ngoài nước ", bà Đào nói.
Theo vị này, sau nhiều thập kỷ đầu tư vào công nghệ đã giúp Công ty sở hữu số lượng dây chuyển sản xuất đạt chuẩn EU-GMP lớn nhất Việt Nam đã mang lại lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trên kênh bệnh viện, góp thúc đẩy mức tăng trưởng kỷ lục của Imexpharm trong năm 2023.
Hiện IMP có 4 cụm nhà máy, vận hành tổng cộng 7 nhà máy và phân xưởng. Trong năm 20223, nhà máy IMP2 và IMP3 lần lượt được chứng nhận EU-GMP lần thứ 2 và lần thứ 3 liên tiếp. Cụm nhà máy IMP1 đóng góp doanh thu lớn nhất 50%, cụm nhà máy IMP3 đóng góp 32%.
Nhà Máy IMP4 đạt tiêu chuẩn EU-GMP và được ghi nhận mức doanh số đạt được 80 tỷ đồng sau 5 tháng đi vào hoạt động năm 2023.
Đã đạt 27 Giấy phép lưu hành tại châu Âu cho 11 loại sản phẩm
Kết quả năm 2023, tổng doanh thu IMP đạt 2.113 tỷ đồng, tăng 26% (so với mức tăng trưởng chung của toàn thị trường là 8%). Doanh thu thuần đạt 1.994 tỷ đồng, tăng 21% và lợi nhuận trước thuế đạt 377 tỷ đồng, tăng trưởng 30%. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của EBITDA đạt mức 17,5%.
Trong cơ cấu doanh thu, kênh OTC chiếm tỷ trọng 51%; còn kênh ETC thì IMP dẫn đầu về doanh số bán gấp 1,8 lần công ty dược nội địa đứng thứ 2. Điều này đến từ lợi thế cạnh tranh có năng lực sản xuất đạt chuẩn EU-GMP lớn nhất Việt Nam.
Năm qua, IMP đã đăng ký thêm 11 số đăng ký cho 6 sản phẩm tại châu Âu, bao gồm các sản phẩm phức tạp như Ampicillin/Sulbactam; nâng lên tổng số 27 Giấy phép lưu hành tại châu Âu cho 11 loại sản phẩm.
ĐHCĐ cũng thông qua cổ tức 2023-2024 lên 20% (thay vì 15%), trong đó 10% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.
Thảo luận tại ĐHCĐ
1. Đại diện phần vốn của cổ đông lớn nhất SK Group hiện là Chủ tịch HDQT, cổ đông có thể mong đợi các thay đổi gì nổi bật năm nay ?
Bà Chaerhan Chun, Chủ tịch HĐQT IMP: Công ty có nhiều kế hoạch phía trước và đang bàn bạc cùng với các nhân sự quản lý cấp cao để triển khai, nhằm đón đầu cơ hội cũng như phát huy vị thế cạnh tranh của công ty. Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là gia tăng giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tính công khai, minh bạch với các bên liên quan, qua đó kì vọng giá trị thị trường sẽ được phản ánh sát hơn với giá trị thực của công ty.
Công ty cũng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tiếp cận với các nhà phân tích, nhà đầu tư, với mong muốn các bên liên quan có thể tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời.
2. Nhờ đâu doanh thu kênh ETC tăng trưởng mạnh trong 2023?
Bà Trần Thị Đào: Như sau như phần trình bày của tôi ở trên, năm 2023 nhiều ngành gặp khó khăn, nhưng riêng ngành dược ghi nhận tăng trưởng tích cực với tốc độ tăng trưởng 8%, chủ yếu tăng trưởng ở kênh ETC (kênh bệnh viện) và kênh OTC chỉ tăng trưởng 1%.
Sự tăng trưởng ở kênh ETC là nhờ vào 3 yếu tố:
+ Nửa đầu năm 2022, kết thúc dịch Covid đến nay, bệnh viện khám chữa bệnh hoạt động khám chữa bệnh bình thường trở lại. Do đó nhu cầu sử dụng thuốc ở kênh bệnh viện là rất lớn.
+ Người dân mua bảo hiểm là gần như trên 90% đến 93%, song song đó có nhiều chính sách, quy định theo hướng tạo mọi điều kiện làm sao có thuốc phục vụ cho nhân dân, trong đó đặc biệt đã vào bệnh viện là không được thiếu thuốc. Chẳng hạn như Nghị quyết 80 về gia hạn thuốc, buộc phải giải quyết lần thứ 2 cho mấy chục ngàn sản phẩm thuốc từ 2023 kéo dài 2024; luật khám chữa bệnh, luật đấu thầu, đặc biệt là Bộ Y Tế ban hành Thông tư 06 và thông tư 03 để tạo điều kiện thông thoáng cho chủ đầu tư cũng như các doanh nghiệp, có điều kiện để đủ nguồn thuốc cung ứng.
+ Tỷ lệ sử dụng kháng sinh trong hệ bệnh viện, theo IPBA là tỷ lệ rất cao. Riêng về Imexpharm, gần như chuỗi nhà máy EU-GMP cho nhóm Cephalosporin và Penicillin, thuốc tiêm và thuốc uống thì Imexpharm chiếm 70% kháng sinh.
Công ty cũng khai thác tối đa công suất nhà máy EU-GMP, nên kênh ETC có tăng trưởng 56%. Đây cũng là nền tảng là giúp cho tăng trưởng của năm 2024 và trong kế hoạch những năm tới.
3. HĐQT tăng cổ tức 2023-2024 lên 20%, vậy các năm sau thì chủ trương tỷ lệ cổ tức ra sao?
Chủ tịch HĐQT Chaerhan Chun: cổ tức sẽ được căn cứ trên kết quả kinh doanh. HĐQT và Ban lãnh đạo sẽ tập trung vào củng cố hơn các nền tảng cơ bản, đảm bảo tăng trưởng. Chúng tôi cho rằng, đây là yếu tố cốt lõi để có thể thu hút nhà đầu tư. Với các nhà đầu tư, họ luôn quan tâm tới tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp, từ đó định giá được giá trị cổ phiếu. Chúng tôi cũng kì vọng nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn tới giá trị tiềm năng của cổ phiếu IMP.
Hiện công ty thường xuyên nhận các câu hỏi liên quan đến thanh khoản của cổ phiếu IMP và nội bộ công ty cũng đang bàn các giải pháp để cải thiện thanh khoản cổ phiếu.
Theo đó, chúng tôi tin rằng, với chính sách cổ tức và tiềm năng phát triển của công ty thì cổ phiếu IMP sẽ hấp hơn trong mắt công chúng đầu tư.
4. Tăng trưởng tốt kênh ETC, công ty có định ưu tiên kênh này hơn kênh OTC trong năm 2024 ?
Bà Trần Thị Đào: Cả hai kênh chúng tôi đều phải tập trung với một tinh thần quyết liệt. Đặc biệt là kênh ETC, là một kênh truyền thống đã khai thác hơn 20 năm. Năm 2022-2023 là năm mà Imexpharm được đơm hoa kết trái đối với các nhà máy EU-GMP, đây là tiên đề cho năm 2024 và là tầm nhìn cho những năm tới.
Về cơ chế chính sách, trong Thông tư 03 do Bộ y tế vừa mới ban hành, trong đó ưu tiên cho 3 nhà sản xuất của 3 số đăng ký hội tụ đủ các điều kiện như về giá, chất lượng và về điều kiện cung ứng đáp ứng đủ thì không chào thầu nhập khẩu. Đó là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp tham gia vào cái cơ chế cung ứng cho bệnh viện.
Kênh OTC được khai thác 100% tại 2 nhà máy IMP 1 ở Đồng Tháp; nhưng chưa phủ sóng và mở rộng ở khu vực miền Bắc. Do đó, năm 2024, IMP sẽ tăng cường mở rộng khu vực miền Bắc để góp phần vào việc tăng trưởng 12% như kế hoạch.
Chủ tịch HĐQT Chaerhan Chun bổ sung: Kênh ETC rất quan trọng đối chúng tôi. Rõ ràng, những bệnh viện hiện nay có đến khoảng 95% là bệnh viện công và Việt Nam vẫn phụ thuộc vào các bệnh viện công. Imexpharm có các sản phẩm chất lượng cung cấp cho kênh bệnh viện.
5. Biên lợi nhuận gộp năm 2024 dự kiến như thế nào?
Ông Nguyễn An Duy, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối tài chính: khoảng 40-41% (năm 2023 là khoảng 40,6%) IMP đã và đang thực hiện nhiều chương trình tối ưu chi phí trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Ngoài ra, IMP cũng đã chuyển qua hình thức mua nguyên vật liệu cũng như nhiều vật dụng trong công ty theo mô hình tập trung để hưởng mức giá tốt, theo chuẩn mực quốc tế Imexpharm vừa áp dụng.
Chủ tịch HĐQT Chaerhan Chun bổ sung: Tôi nghĩ biên lợi nhuận sẽ không bị giới hạn, có thể ngang hoặc cao hơn 2023. Việc thực hiện khấu hao máy móc ở các nhà máy trong những năm tới cũng sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn.
Tri Túc
An ninh Tiền tệ