IMP – Triển vọng tăng trưởng trong 2H2024

KQKD 1H2024 – Lợi nhuận chưa tương xứng với tăng trưởng doanh thu

Trong 2Q2024, IMP ghi nhận 517 tỷ doanh thu thuần (+18% YoY, +5% QoQ), và 83 tỷ LNTT (-17% YoY, +7% QoQ). Theo ước tính của chúng tôi, doanh thu hàng tự sản xuất đạt 582 tỷ (+32% YoY, +7% QoQ). Trong đó, kênh ETC đạt 341 tỷ doanh thu (+32% YoY, +21% QoQ) và kênh OTC đạt 241 tỷ doanh thu (+8% YoY, -8% QoQ). Doanh thu và lợi nhuận đều cải thiện so với quý trước đó nhờ đẩy mạnh sản phẩm có giá trị cao đạt chuẩn EU-GMP.

Gộp chung cho nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần đạt 1.008 tỷ (+10% YoY) và 161 tỷ LNTT (-19% YoY) . Trong đó, doanh thu hàng tự sản xuất đạt 1.127 tỷ (+23% YoY), với doanh thu kênh ETC đạt 623 tỷ (+65% YoY), và kênh OTC đạt 504 tỷ (-4% YoY). Doanh thu kênh ETC tiếp tục tăng trưởng tốt đúng theo định hướng của BLĐ.

Sản lượng sản xuất tại các nhà máy tiêu chuẩn cao đều tăng, bao gồm IMP2, 3 & 4, lần lượt tăng 19%, 2% và 453% YoY. Tuy nhiên, do sản lượng tại nhà máy IMP1 – chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39% - giảm 17% YoY, tổng sản lượng thuốc của IMP giảm 10% YoY.

IMP tiếp tục tăng trưởng kênh ETC và hoạt động phân phối sản phẩm qua các chuỗi bán lẻ dược phẩm. Trong đó, ước tính doanh thu kênh ETC và OTC lần lượt đạt 600 tỷ đồng (+62% YoY) và 515 tỷ đồng (-4% YoY):

  • Xét về doanh thu ETC thuần, chỉ tiêu này đạt 494 tỷ (+32% YoY). Theo IQVIA, kênh ETC tăng trưởng 15% YoY trong cùng kỳ. Như vậy, IMP đã gia tăng thị phần tại kênh ETC. Cụ thể, theo ước tính của chúng tôi, thị phần của IMP tại kênh ETC đã tăng 0.3 ppts YoY lên 2,3%. IMP cho biết hiện mình đang nắm giữ vị trí thứ 3 về thị phần trong kênh ETC, là doanh nghiệp nội địa duy nhất trong top 10 doanh nghiệp sản xuất dược phẩm.
  • Trên kênh OTC, IMP đẩy mạnh phân phối thuốc vào các chuỗi bán lẻ dược phẩm với doanh thu vào kênh này tăng 141% YoY.
  • Số lượng khách hàng kênh ETC tăng 49% YoY và kênh OTC tăng 9% YoY trong 1H2024.

Hiệu quả hoạt động diễn biến trái chiều với doanh thu khi ghi nhận giảm svck:

  • Biên lợi nhuận gộp giảm xuống khá thấp so với mức cùng kỳ, 8,3 điểm phần trăm xuống 37,8%, do: 1) IMP ghi nhận thêm chi phí sản xuất từ nhà máy IMP4 đi vào hoạt động từ tháng 7/2023; 2) IMP thay đổi hình thức khuyến mãi, từ tặng hàng khuyến mãi sang giảm giá trên hóa đơn, theo đó chuyển chi phí từ SG&A sang giá vốn hàng bán (công ty cho biết sẽ linh động trong chính sách khuyến mãi trong các kỳ kế toán sau); và 3) giá hoạt chất API (Active Pharmaceutical Ingredients) đầu vào tăng (trung bình 3% YoY – theo IMP) trong khi giá bán chưa thể tăng do chưa thể tăng giá đã đăng ký với Cục quản lý dược.
  • Chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp (SG&A) đã giảm 6% YoY xuống 213 tỷ, là do: 1) hạch toán kế toán khoản chi phí khuyến mãi như đã nói ở trên; 2) chính sách mới đưa mô hình quản lý chi phí ở từng phòng ban; và 3) số hóa dữ liệu giúp tối ưu hóa chi phí tiếp thị. Tuy nhiên, do sự sụt giảm của chi phí SG&A không thể bù đắp được sự sụt giảm của lợi nhuận gộp khiến cho biên lợi nhuận hoạt động kinh doanh (EBIT) giảm 4,6 điểm phần trăm xuống 15,6%. Biên EBITDA cũng giảm 2,6 điểm phần trăm xuống 20,9%.
  • Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy biên lợi nhuận gộp 1H2024 đã cải thiện và biên EBITDA không thay đổi so với 2H2023 – giai đoạn cùng ghi nhận chi phí từ nhà máy IMP4, từ mức 36,0% lên mức 37,8% đối với biên lợi nhuận gộp và đạt 20,9% đối với biên EBITDA do đóng góp doanh thu lớn hơn từ nhà máy IMP4.

Mức doanh thu và LNTT này tương ứng hoàn thành 43%/38% kế hoạch năm (doanh thu thuần 2.365 tỷ (+19% YoY) và LNTT 423 tỷ (+12% YoY).

Cập nhật KQKD tháng 7/2024

Trong tháng 7/2024, IMP ghi nhận 159 tỷ doanh thu thuần (+28% YoY), và 24 tỷ lợi nhuận trước thuế (+3% YoY). Doanh thu thuần tăng chủ yếu nhờ đầy mạnh hiệu suất bán hàng qua chuỗi nhà thuốc (kênh OTC), cụ thể tăng 70% MoM. IMP ghi nhận một hợp đồng tài trợ trong tháng làm ảnh hưởng đến chi phí SG&A và lợi nhuận tháng. Công ty cho biết chi phí này sẽ không lặp lại từ đây đến cuối năm.

Gộp chung 7T2024, IMP ghi nhận 1.167 tỷ doanh thu thuần (+12% YoY) và 185 tỷ LNTT (+17% YoY).

Chúng tôi hạ 6% dự phóng LNST năm 2024 nhưng bảo lưu triển vọng tăng trưởng của IMP trong 2H2024

Công ty tin tưởng kết quả kinh doanh 2H2024 sẽ khả quan hơn 1H2024, với động lực tăng trưởng đến từ những yếu tố sau:

  • Một dây chuyền sản xuất nữa dự kiến sẽ đạt chuẩn EU-GMP vào tháng 8 năm nay
  • Công ty cho biết nhiều đơn hàng mà công ty nhận được từ 1H2024 được dời qua 2H2024 khi công ty có thêm khả năng sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường
  • IMP đạt được thỏa thuận với các chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn, dự kiến tăng số lượng SKUs cũng như số lượng sản phẩm cho từng SKU một
  • H2 là mùa cao điểm của ngành dược phẩm do các đơn vị đối tác tăng cường trữ hàng cho năm tiếp theo
  • Các sản phẩm mới như thuốc tiêm với biên lợi nhuận cao hơn sẽ đóng góp nhiều hơn vào doanh thu của công ty
  • IMP cho biết sẽ tăng cường hoạt động tiếp thị trong 2H2024 đẩy mạnh doanh thu.

Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có cơ sở để kỳ vọng vào kết quả doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt trong 2H2024. Cụ thể, theo dự phóng của chúng tôi:

  • Doanh thu thuần của IMP trong 2H2024 đạt 1.193 tỷ, +11% YoY. Doanh thu hàng tự sản xuất đạt 1.278 tỷ, +14% YoY. Trong đó, doanh thu kênh ETC tăng trưởng vượt bậc thêm 31% YoY, đạt 662 tỷ do sự đóng góp từ sản phẩm của nhà máy IMP4, và doanh thu kênh OTC tăng 9% YoY, đạt 558 tỷ.
  • Biên lợi nhuận ròng đạt 14,9% tương đương tăng 1,7 điểm phần trăm YoY, đến từ việc đẩy mạnh các sản phẩm từ các nhà máy EU-GMP cho biên lợi nhuận cao hơn. Theo đó, lợi nhuận ròng đạt 178 tỷ, +25% YoY.

Gộp chung cho cả năm 2024, chúng tôi dự phóng doanh thu thuần của IMP đạt 2.201 tỷ, +10,4% YoY và LNST đạt 306 tỷ, +2,0% YoY. So với dự phóng trước của chúng tôi, LNST năm 2024 điều chỉnh giảm 6% từ mức 325 tỷ do LNST 2Q2024 thấp hơn dự phóng trước đó của chúng tôi. Định giá của IMP đang được chúng tôi xem xét và sẽ cập nhật trong báo cáo gần nhất.

Danh mục & Điểm mua bán chi tiết trong nhóm trong tường cá nhân.
Chia sẻ cách đầu tư chứng khoán hiệu quả.
Nguyễn Duy Anh - Chứng khoán Rồng Việt