Indonesia “loay hoay” với thuế du lịch mới tại Bali

Khi áp dụng thuế du lịch thì một quốc gia phải tính đến “vị trí” của nước này trước nhu cầu thị trường du lịch toàn cầu. Một câu hỏi đặt ra, liệu Indonesia đang cần khách du lịch hay khách du lịch cần và muốn đến Indonesia?...

Ảnh: The Guardian

Cơ quan Thống kê trung ương Indonesia (BPS) ghi nhận tổng cộng hơn 3 triệu lượt khách quốc tế đã đến Indonesia trong quý đầu tiên của năm 2024. Quyền Giám đốc BPS, Amalia Adininggar Widyasanti, cho biết lượng khách du lịch nước ngoài từ tháng 1 - 3/2024 đã tăng 25,43% so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất trong 4 năm qua. Trong khi đó, riêng trong tháng 3/2024, lượng khách du lịch nước ngoài đạt hơn 1 triệu lượt, giảm 1,91% so với tháng trước đó, song tăng 19,86% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bali vẫn là điểm đến được ưa thích nhất của du khách quốc tế khi chọn du lịch Indonesia. Vì vậy, sân bay Ngurah Rai ở Bali cũng là sân bay bận rộn nhất khi đón tới 44,5% tổng lượng khách quốc tế đến nước này. Từ đó, các quan chức du lịch Indonesia luôn bày tỏ lạc quan vào số lượng du khách đến với Bali hay các điểm đến "siêu ưu tiên" của Indonesia, kể cả khi nước này quyết định thu thuế du lịch.

Trước đại dịch Covid-19, số lượng khách nước ngoài đến với Bali được cho là quá đông, ảnh hưởng nhiều đến các giá trị văn hóa và môi trường của nhiều địa điểm. Vì vậy, Bali là địa điểm đầu tiên để Indonesia áp dụng mức thuế phí. Ngoài Bali, các quan chức địa phương cho rằng những địa điểm "siêu ưu tiên" mới đủ điều kiện và tiêu chuẩn để áp dụng thuế phí vì đều là những địa điểm du lịch phổ biến, đang thu hút nhiều du khách quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn về khả năng tiếp cận, tiện nghi và điểm tham quan.

Sân bay Ngurah Rai ở Bali cũng là sân bay bận rộn nhất khi đón tới 44,5% tổng lượng khách quốc tế đến nước này.

Nguồn thu từ thuế du lịch cũng sẽ nhằm phục vụ cho các hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch địa phương. Ví dụ chính quyền Bali sẽ dùng số tiền thu được từ khoản thuế sử dụng cho các chương trình quản lý chất thải, bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa tại Bali, hướng đến mục tiêu là địa điểm du lịch đẳng cấp thế giới về môi trường và văn hóa.

Dù vậy, mới đây cơ quan du lịch tại Bali cho biết chưa đến một nửa số du khách quốc tế (inbound) đến đảo Bali thực hiện đúng nghĩa vụ thuế du lịch mới là 150.000 rupiah, đã được áp dụng kể từ ngày 14/2 vừa qua. Các chuyên gia cho rằng việc khách du lịch đến Bali thiếu tuân thủ mức thuế mới là do sự kiểm tra và phối hợp không đầy đủ giữa các cơ quan chức năng.

Theo trang SCMP, trong 2 tháng đầu tiên thực hiện loại thuế du lịch mới, chỉ có khoảng 40% đã nộp thuế, trong số trung bình 15.000 khách nước ngoài đến Bali mỗi ngày. “Nhiều du khách nước ngoài không biết về loại thuế này. Việc này hoàn toàn mới và chỉ áp dụng ở Bali. Chúng tôi không có loại thuế như vậy ở cấp quốc gia, đó là khó khăn”, một người đại diện Cơ quan du lịch Bali cho biết.

Trong hai tháng qua, một số du khách nước ngoài đến Bali cho biết họ không trải qua bất kỳ cuộc kiểm tra nào về thuế khi đến sân bay. Bà Anne Oleary (quốc tịch Australia) cho biết đã nộp thuế qua trang web Love Bali trước chuyến du lịch: "Tôi không gặp vấn đề gì với việc thanh toán, đó không phải là một số tiền lớn trong tổng thể một kỳ nghỉ. Tôi yêu Bali và rất vui khi trả thuế nếu giúp ích cho địa phương. Không ai kiểm tra việc nộp thuế và tôi cũng không thấy phiền gì cả".

Trong 2 tháng đầu tiên Bali thực hiện loại thuế du lịch mới, chỉ có khoảng du khách 40% đã nộp thuế.

Tuy nhiên, một số người khác không biết về khoản thuế mới được áp dụng và đã không nộp được. Hiện tại, du khách nước ngoài có thể nộp thuế du lịch Bali bằng hình thức trực tuyến tại trang web Love Bali hoặc qua ứng dụng điện thoại di động bằng chuyển khoản ngân hàng, tài khoản ảo hoặc thanh toán QRIS từ trước khi đến Bali. Du khách cũng có thể thanh toán trực tiếp tại các quầy ở Sân bay quốc tế Ngurah Rai ở Bali hoặc cảng biển. Sau khi thanh toán, họ sẽ nhận được một chứng từ được gửi qua hòm thư điện tử như một bằng chứng đã nộp thuế du lịch.

Cơ quan chức năng tại Bali hiện đang tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên hàng ngày tại sân bay, cũng như tại các điểm du lịch hàng đầu của địa phương như đền Uluwatu. Cơ quan này tiếp tục phổ biến thông tin về loại thuế mới và làm việc với nhiều bên liên quan, chẳng hạn như Bộ Ngoại giao và các hãng hàng không, với hy vọng rằng nhiều khách du lịch sẽ tuân thủ khoản thuế này.

Vì thuế du lịch chỉ mới được áp dụng gần đây nên chính quyền Bali sẽ có chính sách khoan dung với những người chưa thanh toán khi đến Bali, đồng thời cho phép họ thanh toán khi kiểm tra. Phía Bali hy vọng tỷ lệ tuân thủ 100% sẽ đạt được trong 2 - 3 năm tới khi nhận thức ngày càng tăng và du khách đã quen với việc họ đang đóng góp cho việc bảo tồn Bali.

Trong khi đó, Cơ quan du lịch Bali đã nhận được một số báo cáo về việc khách du lịch bị lừa thanh toán phí du lịch trên các trang web giả mạo. Chính quyền Bali đã yêu cầu Google gỡ bỏ các trang web giả mạo này và khuyến cáo khách du lịch chỉ nên thanh toán qua các kênh chính thức.

Sau Bali, Indonesia dự kiến tiếp tục thu thuế du lịch với khách nước ngoài với 5 điểm du lịch “siêu ưu tiên” của nước này gồm: hồ Toba (tỉnh Bắc Sumatra); đền Phật giáo Borobudur (tỉnh Trung Java), thị trấn Labuan Bajo (tỉnh Đông Nusa Tenggara); điểm du lịch thể thao Mandalika (tỉnh Tây Nusa Tenggara) và đảo nghỉ dưỡng Likupang (tỉnh Bắc Sulawesi).

Sau Bali, Indonesia dự kiến tiếp tục thu thuế du lịch với khách nước ngoài với 5 điểm du lịch “siêu ưu tiên” của nước này.

Thuế phí du lịch đã được khá nhiều quốc gia áp dụng nhằm góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, dịch vụ và bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch. Riêng đối với Indonesia, việc đề xuất và áp đặt thuế du lịch với Bali đã vấp phải sự phản ứng từ các ngành dịch vụ, cho rằng thuế này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lượng khách nước ngoài và các lĩnh vực liên quan, bao gồm cả khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch nước này vẫn đang phục hồi sau đại dịch.

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng với một địa điểm đẹp như Bali, mức phí hiện nay vẫn là quá rẻ, khó giúp chính quyền địa phương đủ nguồn thu để thực hiện những thay đổi mạnh mẽ hơn. Người đứng đầu Cơ quan Du lịch Bali cho rằng mức thuế áp dụng cho Bali tương đương 10 USD/khách là hợp lý đối với khách du lịch nước ngoài, đồng thời chỉ ra rằng các quốc gia khác cũng thực hiện các chính sách tương tự. Ví dụ Thái Lan có kế hoạch áp dụng phí du lịch 300 baht (8,73 USD), Malaysia yêu cầu các khách sạn tiếp tục thu thuế du lịch 10 ringgit (2 USD) mỗi đêm...

Mức giá này cũng sẽ là hình mẫu cho các địa điểm "siêu ưu tiên" khác tại Indonesia. Chính quyền Bali cũng sẽ cố gắng cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch và tin rằng bất cứ khách du lịch nào cũng sẽ sẵn sàng trả tiền cho những dịch vụ hay trải nghiệm tốt hơn tại điểm đến.

Tường Bách

https://vneconomy.vn/indonesia-loay-hoay-voi-thue-du-lich-moi-tai-bali.htm