Kết quả kinh doanh ấn tượng, cổ phiếu hàng không "cất cánh"

Trong bối cảnh thị trường chung diễn biến khá ảm đạm với thanh khoản thấp thì cổ phiếu ngành hàng không tăng mạnh trước những tín hiệu kinh doanh khả quan.

Theo đó, các mã hàng không như HVN tăng 6,94%, ACV tăng 6,91%, VJC tăng 2,02%. Có được kết quả này là nhờ những tín hiệu kinh doanh tích cực của các hãng hàng không.

Mới đây, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán: ACV) công bố báo cáo tài chính quý I/2024, với khoản lãi kỷ lục hơn 2.900 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ.

Quý I/2024, ACV ghi nhận doanh thu đạt hơn 5.660 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ; trong đó, đóng góp chính là mảng cung cấp dịch vụ hàng không chiếm 82%. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện, cứ 100 đồng doanh thu mang về gần 64 đồng lãi gộp. Đây cũng là mức biên lãi thuộc top cao nhất nhì trên sàn chứng khoán.

Doanh thu tài chính cũng tăng hơn 15% trong khi chi phí tài chính giảm mạnh từ 793 tỷ đồng xuống gần 19 tỷ đồng do không còn ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá. Lãi từ công ty liên kết tăng. Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhờ đó ACV báo lãi kỷ lục hơn 2.920 tỷ đồng trong quý I.

Năm 2024, ACV đặt kế hoạch doanh thu 20.325 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 9.378 tỷ đồng. Như vậy, quý đầu năm, doanh nghiệp lần lượt thực hiện 28% kế hoạch doanh thu và 39% kế hoạch lợi nhuận.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines – mã chứng khoán HVN) cũng báo lãi kỷ lục trong quý I. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines (bao gồm doanh thu thuần, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác) đạt hơn 31.700 tỷ đồng, tăng trưởng 32,8% so với cùng kỳ; lợi thuận sau thuế đạt 4.441 tỷ đồng, đây là mức lãi kỷ lục đảo chiều ngoạn mục so với mức lỗ 37 tỷ đồng cùng kỳ.

Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VietJet Air – mã chứng khoán: VJC) có doanh thu vận chuyển hàng không đạt 17,765 tỷ đồng trong quý I, lợi nhuận sau thuế đạt 520 tỷ đồng, tăng lần lượt 38% và 209% so với cùng kỳ 2023.

Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 17.792 tỷ đồng và 539 tỷ đồng, tăng 38% và 212% so với cùng kỳ 2023. Với mức lợi nhuận này, VietJet Air đã quay về thời kỳ trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Trở lại diễn biến thị trường, nhóm cổ phiếu dầu khí không còn mã nào ở chiều giá đỏ. Sự tích cực của nhóm dầu khí diễn ra trong vài phiên trở lại đây. Các mã dầu khí tăng mạnh như PVE tăng 6,25%, POS tăng 2,56%, PVB tăng 1,7%. Các mã BSR, OIL, TOS đều tăng hơn 1%.

Đông lực chính của thị trường hôm nay đến từ các cổ phiếu đầu ngành trong rổ VN30 như HPG tăng 1,06%, MSN tăng 2,65%, VRE tăng 2,86%. Ngoài ra, thị trường còn được nâng đỡ bởi các mã cổ phiếu đầu ngành ngân hàng như HDB tăng 3,38%, TCB tăng 2,88%, ACB tăng 1,85%. Các mã ngân hàng VCB và CTG tăng nhẹ.

Sắc xanh đỏ đan xen tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhưng mức tăng và giảm không lớn. Thậm chí rất nhiều mã đứng ở mốc tham chiếu.

Điểm tích cực là khối ngoại trở lại mua ròng hơn 504 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã MWG (546 tỷ đồng), PDR (82 tỷ đồng), VCB (47 tỷ đồng) và MSN (45 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại cũng mua ròng hơn 29 tỷ đồng, tập trung vào mã IDC (24 tỷ đồng) và CEO (5 tỷ đồng).

Chốt phiên giao dịch ngày 3/5, VN-Index tăng 4,67 điểm lên 1.227,03 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 643,4 triệu đơn vị, tương ứng hơn 17.027,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 223 mã tăng giá, 200 mã giảm giá và 80 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 0,73 điểm lên 228,22 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 68 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.401,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 92 mã tăng giá, 75 mã giảm giá và 70 mã đứng giá.

UPCOM-Index tăng 0,08 điểm lên 89,78 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 30,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 356,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 225 mã tăng giá, 100 mã giảm giá và 107 mã đứng giá.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

https://bnews.vn/ket-qua-kinh-doanh-an-tuong-co-phieu-hang-khong-cat-canh/331904.html