Bị lừa 59,7 triệu đồng trong vòng 1 buổi chiều, chị Thu tham gia nhóm cảnh báo lừa đảo, để tìm cách lấy lại tiền. Song, hàng chục đối tượng lừa đảo tiếp tục nhắn tin định lừa chị Thu một lần nữa.
Khi lừa đảo mạng "chém gió" Bộ Tài chính là đơn vị thuộc Cục An ninh mạng
Ngày 19.4, một nạn nhân bị đối tượng lừa đảo giả mạo công an đến cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa trình bày vụ việc. Ảnh: Công an Thanh Hóa.
"Bộ Tài chính thuộc Cục An ninh mạng?"
Báo Lao Động có bài viết: "Mẹ bỉm sữa mất hàng chục triệu đồng vì làm nhiệm vụ online nhận tiền lãi" đăng tải vào ngày 11.5 phản ánh vụ việc chị Nguyễn Thị Thu (nhân vật yêu cầu đổi tên, sinh năm 1998, trú tại Lào Cai) bị lừa 59,7 triệu đồng khi làm nhiệm vụ online nhận tiền lãi.
Công việc mang tên "Phát triển dự án kiếm tiền tại Youtube tuyển cộng sự cày view" bản chất là dẫn dụ những bà mẹ bỉm sữa, người "nhẹ dạ cả tin" vào việc kiếm tiền online tại nhà dễ dàng.
Ân hận với việc làm đã qua, chị Thu bán số vàng hồi môn để trả nợ khi vay người thân, bạn bè để nạp tiền. Đồng thời, chị tham gia các hội nhóm trên Facebook có tên: "Cảnh báo lừa đảo"; "Cảnh báo làm việc online tại nhà"; "Cảnh báo làm nhiệm vụ nhận hoa hồng online" để chia sẻ câu chuyện của bản thân, mong mỏi lấy lại được phần nào số tiền đã mất.
Tuy nhiên, ngay khi chị trở thành thành viên của các hội trên, hàng chục người lạ nhắn tin cho chị với cùng một câu hỏi: "Chị cũng là nạn nhân bị lừa đảo à? Chị bị lừa bao nhiêu tiền?". Tiếp đó, các đối tượng này gửi cho chị những nick Facebook khác và cho biết chỉ cần liên hệ, gửi chi phí cho người này thì sẽ lấy lại được tiền. Quá sợ hãi bởi bị lừa một lần, chị Thu thoát khỏi tất cả các nhóm cảnh báo và block những người lạ này.
Để hiểu rõ cách thức lừa đảo của các đối tượng trên, PV Báo Lao Động vào vai nạn nhân vừa mất số tiền hơn 60 triệu đồng vì làm nhiệm vụ online tại nhà. Khi PV tham gia các hội nhóm có tên trên, ít nhất 6 nick Facebook cho biết, họ cũng là nạn nhân mất tiền và nhắn tin cho PV hướng dẫn cách có thể lấy lại tiền.
Tiếp đó, đối tượng có nick Facebook giả mạo là Phạm Thanh Thảo đã gửi link một Facebook khác có tên Lê Quốc Tiến và giới thiệu: "Đây anh này làm chính quy của Bộ Tài chính thuộc Cục An ninh mạng, bạn liên hệ để lấy hỏi cách anh ấy lấy lại tiền nhé".
Hàng chục nick Facebook ảo nhắn tin cho PV bày cách lấy lại tiền bị lừa đảo trước đó. Ảnh: Chụp màn hình.
Khi PV thắc mắc "tại sao Bộ Tài chính thuộc Cục An ninh mạng", đối tượng giải thích, hai đơn vị trên liên kết để giúp đỡ, bảo vệ người dân bị lừa tiền.
Sau khi liên hệ nick Facebook giả mạo Lê Quốc Tiến, người này gửi ảnh các văn bản, tài liệu để PV tin tưởng hồ sơ thông tin vụ việc đã được cơ quan công an tiếp nhận, xử lý. Đặc biệt, Tiến tự nhận sở hữu hệ thống, có khả năng truy quét được toàn bộ dữ liệu của tất cả nền tảng lừa đảo.
Tiến yêu cầu PV cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền và hình thức bị lừa. Đặc biệt, Tiến yêu cầu nạn nhân chuyển từ 2 - 5 triệu đồng vào hệ thống với lý do xác nhận ủy quyền xử lý hồ sơ rút tiền về cho nạn nhân.
Tuy nhiên, khi PV bày tỏ sự nghi ngờ Tiến không phải là cán bộ công an, đối tượng lập tức chặn mọi liên lạc của PV.
Tỉnh táo trước các chiêu trò giả mạo
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội - cho biết, gần đây xuất hiện nhiều trang mạng xã hội giả mạo cơ quan chức năng, chuyên gia an ninh mạng, luật sư… đăng dịch vụ lấy lại tiền cho nạn nhân bị mất tiền do lừa đảo chơi chứng khoán, tiền điện tử… Hành vi chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng dạng này ngày càng thực hiện công khai với nhiều chiêu trò tinh vi.
Các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các bị hại với phương thức, thủ đoạn tinh vi như: Lợi dụng thông tin của các tổ chức, cá nhân như luật sư, công an… để tạo lòng tin với bị hại.
Luật sư Nghĩa cũng đưa ra lời khuyên: Người dân tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại và địa chỉ của mình trên các trang mạng và cho những người không quen.
Khi mua bán trên không gian mạng không đưa tiền trước khi nhận được sản phẩm hoặc dịch vụ; sử dụng các phần mềm bảo mật để bảo vệ thông tin cá nhân của mình.
Ngoài ra, người dân cũng phải luôn đề cao cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video qua các ứng dụng mạng xã hội với nội dung vay mượn tiền, chuyển tiền gấp.
Trong trường hợp thấy có dấu hiệu của việc lừa đảo, đề nghị người dân không thực hiện theo yêu cầu của đối tượng, mà cần ra ngay cơ quan công an nơi gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ.