Việc các chỉ số lạm phát của tháng 3 phần lớn đều nóng hơn dự báo đã "giội gáo nước lạnh" vào kỳ vọng FED hạ lãi suất của giới đầu tư.
Kỳ vọng hạ lãi suất ngày càng lùi xa
Nếu như cuối năm 2023, thị trường dự báo sẽ có 3, thậm chí 4 lần, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất trong năm nay và có khả năng cao lần đầu tiên sẽ rơi vào tháng 6 thì nay khả năng ấy ngày càng mờ mịt.
Cho tới thời điểm này, công cụ FedWatch của sở giao dịch CME đã dự báo chỉ còn khoảng gần 15% khả năng FED sẽ hạ lãi suất vào cuộc họp tháng 6, trong khi ở thời điểm này chỉ một tháng trước, con số này vẫn là hơn 50%. Dù vậy, thị trường vẫn còn tương đối kỳ vọng vào khả năng hạ lãi suất trong năm nay, với xác suất hạ lãi suất lần đầu ở các tháng 9 và 11 đều ở mức hơn 40%.
Việc các chỉ số lạm phát của tháng 3 phần lớn đều nóng hơn dự báo đã "giội gáo nước lạnh" vào kỳ vọng FED hạ lãi suất của giới đầu tư và tạo ra làn sóng bán tháo, với chỉ số S&P 500 sụt giảm hơn 4% trong cả tháng 4.
Quang cảnh tòa nhà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ở Washington DC. (Ảnh: THX)
Thị trường và các tín hiệu từ FED
FED sẽ không hạ lãi suất sớm vì lạm phát trong những tháng gần đây lại có dấu hiệu cứng đầu. Tuy nhiên, Chủ tịch FED cũng ngụ ý rằng việc hạ lãi suất 1 hoặc 2 lần trong năm nay vẫn có khả năng xảy ra, tùy thuộc vào dữ liệu. Phần lớn Phố Wall nghiêng về phương án hạ 1 lần. Ngoài ra, thị trường có thể cảm nhận được là dù lạm phát có nhích tăng trong những tháng gần đây, nhưng khả năng FED tăng lãi suất tiếp là khó xảy ra.
Dù cuộc họp lần này không có bất ngờ là hạ lãi suất và khi nào hạ, nhưng FED cũng đưa ra thông điệp dễ thở hơn với khối ngân hàng và thị trường tài chính. Đó là kể từ tháng 6 tới, cơ quan này sẽ chỉ giữ 25 tỷ USD trái phiếu chính phủ đáo hạn mà không thay thế chúng bằng các trái phiếu kỳ hạn mới, giảm từ mức 60 tỷ USD so với kế hoạch cũ - một cách giảm "vòng tay" siết chặt định lượng mà FED từng làm để chống lạm phát.
Vậy việc giảm quá trình siết chặt định lượng hay nói cách khác là nới lỏng hơn dòng tiền vào nền kinh tế được đánh giá có tác động như thế nào tới thị trường, thay vì hạ lãi suất?
Có thể nói hai biện pháp tách biệt nhau, nhưng lại hay được sử dụng cùng lúc. Nếu công cụ lãi suất là biện pháp cứng, tác động chậm hơn thì nắm giữ hay bán ra trái phiếu được cho là biện pháp mềm, đệm và tác động nhanh hơn.
Bằng việc giảm tỷ lệ siết chặt định lượng hơn một nửa từ tháng 6 tới mà không tái phát hành trái phiếu kỳ hạn mới, có nghĩa FED sẽ không thu thêm tiền về từ nền kinh tế nhiều như trước nữa. Biện pháp này sẽ khiến các ngân hàng có thêm tiền dự trữ, tăng thanh khoản, từ đó thúc đẩy cho vay và tái đầu tư. Đây là một biện được coi là "nhẹ nhàng" và đưa thị trường tài chính dần trở về mức "tự nhiên" hơn và đây cũng được coi là bước thử của FED trước khi tính tới việc hạ lãi suất và nên hạ như thế nào.
Sức ép lên tỷ giá các đồng tiền khi FED trì hoãn hạ lãi suất
Trong vòng 2 năm qua khi mà lãi suất của FED được nâng lên mức cao kỷ lục nhằm ứng phó với lạm phát thì nhiều đồng tiền cũng chịu áp lực lớn hơn. Tính từ đầu năm đến nay, một loạt đồng tiền ở khu vực châu Á đã giảm giá từ 2 - 10%.
Với khả năng FED lùi lộ trình cắt giảm lãi suất đang là rất cao như hiện nay, các thị trường châu Á lại đang càng cần phải chuẩn bị ứng phó với những kịch bản khó lường.
Tương tự với các ngân hàng trung ương lớn, 2024 đang là năm mà nhiều thị trường mới nổi kỳ vọng lãi suất đồng nội tệ sẽ hạ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm chi phí đi vay. Tuy nhiên theo các chuyên gia, với việc FED có thể trì hoãn đà giảm lãi suất, nếu các ngân hàng trung ương khác hành động vội vàng thì nền kinh tế có thể chịu áp lực lớn hơn từ dòng vốn nước ngoài chảy ra.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Tập đoàn RSM tại Mỹ nhận định: "Mỗi ngân hàng trung ương sẽ cần đưa ra các chính sách tiền tệ của riêng mình có thể là can thiệp ngoại hối hoặc điều chỉnh lãi suất, tùy vào điều kiện của họ. Nhưng nếu những giải pháp đó không cân nhắc đến các quyết định của FED, nhất là tác động với dòng vốn chảy ra từ các tài sản định giá bằng đồng USD thì tăng trưởng và đầu tư ở các nước đang phát triển có thể bị ảnh hưởng đáng kể".
Tính từ đầu năm đến nay, một loạt đồng tiền ở khu vực châu Á đã giảm giá từ 2 - 10%. Ảnh: Oxford Economics
Đặc biệt, đồng nội tệ của nhiều thị trường châu Á được dự báo sẽ tiếp tục chịu những ảnh hưởng lớn. Bởi vậy, một số nước đã bắt đầu có những bước đi nhằm bảo vệ đồng nội tệ. Hồi cuối tháng 4, trong một động thái bất ngờ, ngân hàng trung ương Indonesia đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, nhằm hỗ trợ tỷ giá khi đồng Rupiah rơi xuống mức thấp nhất 4 năm so với đồng bạc xanh.
Giới chức Nhật Bản cũng được cho là đã can thiệp thị trường ngoại hối với số tiền khoảng 32 tỷ USD, giúp tỷ giá đồng Yen hồi phục nhẹ lên ngưỡng 154 Yen đổi 1 USD. Đồng Yen yếu cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy BOJ tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay.
Theo Morgan Stanley, các ngân hàng trung ương của Hàn Quốc, Trung Quốc và Philippines nhiều khả năng sẽ hoãn giảm lãi suất trong năm nay. Các thị trường Ấn Độ và Malaysia cũng được dự đoán giữ nguyên lãi suất trong phần còn lại của năm.
Có thể nói chỉ một động thái nhỏ, hay thậm chí là không làm gì của Ngân hàng Trung ương Mỹ thì các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đã phải rất loay hoay để ứng phó cho kịp thời.
Theo VTV Digital
VTV
https://cafef.vn/khi-nao-fed-ha-lai-suat-188240504200150135.chn