I. NIM cải thiện
Việc NHNN thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ từ Q3/2022 đã khiến lãi suất huy động tăng mạnh và điều đó đã phản ánh lên chi phí lãi vay của các ngân hàng trong năm 2023.
Giai đoạn cuối năm 2022 – đầu năm 2023, lãi suất huy động của các ngân hàng phổ biến ở mức 8% - 9% với kỳ hạn 12 tháng, đây là một mức lãi suất huy động vô cùng cao và điều này vô hình chung đã ảnh hưởng rất lớn đến NIM của các ngân hàng. Trong giai đoạn 9 tháng đầu năm 2023, NIM của các ngân hàng liên tục thu hẹp, đây là yếu tố hàng đầu làm giảm lợi nhuận của ngân hàng.
Tuy nhiên, NIM của ngân hàng được dự báo sẽ cải thiện rõ rệt trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2024 do các khoản tiền gửi tiết kiệm với lãi suất cao sẽ đáo hạn – đặc biệt là từ tháng 03/2024.
Ngay trong quý 03/2023, lãi suất tiền gửi 12 tháng của nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân đã lần lượt giảm về mức 5.45% và 5.7%; và tính đến thời điểm hiện tại (05/01/2024), con số trên đã giảm xuống còn 4.95% và 4.78%.
=> Mặt bằng lãi suất thấp sẽ là cơ hội để NIM của các ngân hàng được cải thiện trong thời gian tới, từ đó làm cơ sở để lợi nhuận tăng trưởng.
II. Tăng trưởng tín dụng đang phục hồi trở lại
Tính đến cuối quý 3/2023, tăng trưởng tín dụng trong năm mới chỉ đạt 6.92%, đây là mức tăng thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, chỉ cao hơn so với 3Q2020 khi dịch Covid-19 bùng phát.
9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 6.9% - con số này chỉ cao hơn năm 2020 khi mà dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đã tăng tốc rất nhanh trong những tháng cuối năm 2023. Tại ngày 20/12, tăng trưởng tín dụng ghi nhận tăng lên mức 10,85%, và chỉ trong vỏn vẹn 10 ngày cuối cùng của năm 2023, con số tăng trưởng tín dụng đã có pha “bứt tốc” rất nhanh, tăng gần 3% và con số tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt mức 13,5%.
Và với định hướng phát triển kinh tế năm 2024 của Quốc hội đề ra, NHNN NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. Với con số tăng trưởng tín dụng trên, khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế (tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế trong năm 2023 đạt gần 13.6 triệu tỷ đồng).
=> Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trở lại là tín hiệu rất tốt đối với ngành ngân hàng (như đối với doanh nghiệp sản xuất, việc tăng doanh thu sẽ là yếu tố hàng đầu giúp gia tăng lợi nhuận).
III. Định giá hiện tại của ngành ngân hàng khá hấp dẫn
Trên thực tế, có rất nhiều phương pháp để định giá ngân hàng như DCF, PE, PB,… Tuy nhiên, đối với ngành ngân hàng, phương pháp định giá P/B luôn là phương pháp định giá phù hợp và hiệu quả nhất.
Hiện tại, ngành ngân hàng đang có P/B ở mức 1.5x – tương đương với mức -1 std trung bình 10 năm và tiệm cận với đáy năm 2020 và 2022. Cường Anh cho rằng với triển vọng của ngành ngân hàng trong năm 2024, mức giá hiện tại hấp dẫn để mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.
Rủi ro từ chất lượng tài sản
Nói đi cũng phải nói lại, ngoài những dự báo tích cực trên thì ngành ngân hàng vẫn đang đối mặt với nợ xấu tăng cao. Nợ xấu của toàn ngành đã tăng quý thứ tư liên tiếp kể từ khi Thông tư 14 liên quan đến tái cơ cấu nợ Covid-19 hết hiệu lực, và đây vẫn là điểm cần lưu ý lớn nhất đối với ngành ngân hàng trong năm 2024.
Mặc dù nợ xấu được kỳ vọng tạo đỉnh trong Q4/23 nhưng áp lực trích lập dự phòng trong năm 2024 vẫn là đáng kể. Nguyên nhân đến từ việc dư địa trích lập của các ngân hàng sẽ không còn nhiều khi KQKD cả năm 2023 được dự báo sẽ kém khả quan, do đó khi hiệu lực của TT02 hết hạn vào 30/06/2024 (đang được NHNN cân nhắc gia hạn) áp lực trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu hoặc các khoản nợ xấu không được tái cơ cấu sẽ gia tăng. Tuy nhiên áp lực này sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng. Những ngân hàng đã gia tăng trích lập lớn trong năm 2023 và nâng chất lượng tài sản lên mức cao có thể sẽ có nhiều dư địa để xử lý hơn, và do đó sẽ có được lợi thế tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.
IV. Lựa chọn ngân hàng nào để đầu tư cho những tháng cuối năm?
-
Đối với rủi ro nợ xấu, nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt được đánh giá khá cao: ACB, BID, CTG, VCB.
-
Với định hướng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong năm 2024, nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn và hạn mức tăng trưởng tín dụng lớn có thể kể đến như: HDB, MBB, VPB.
-
Rủi ro hơn là nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp lớn, với kỳ vọng về sự phục hồi của thị trường bất động sản trong thời gian tới: TCB, TPB, VPB.
-
Nhóm ngân hàng hoàn thành tái cơ cấu và tiết giảm chi phí như: STB.
Mỗi nhóm ngân hàng sẽ có những câu chuyện và rủi ro khác nhau, việc lựa chọn ngân hàng nào hoàn toàn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro và phong cách đầu tư, kinh doanh của mọi người. Cá nhân Cường Anh chỉ góp một phần góc nhìn của mình về ngành này.
Trên đây là những nhận định của Cường Anh về câu chuyện của ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2024. Tất cả đều là những quan điểm cá nhân và không có khuyến nghị mua bán bất kỳ cổ phiếu nào. Mọi quyết định mua bán đều là quyền của anh chị em.
Chúc tất cả anh chị em thành công trên thị trường chứng khoán.