Khối ngoại bán ròng hơn 7.000 tỷ trên HoSE từ đầu năm, thế lực nào đã liên tục “xả hàng” cổ phiếu?,

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 9 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 3.400 tỷ đồng trên HOSE.

image

Sau giai đoạn mua ròng mạnh tại vùng đáy cuối năm 2022, xu hướng giao dịch của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đảo chiều. Hơn năm tháng gần đây khối ngoại đều bán ròng, tổng giá trị bán ròng lũy kế từ đầu năm 2023 tới hết phiên 13/9 trên HoSE lên đến gần 7.200 tỷ đồng.

Áp lực bán ròng một phần không nhỏ đến từ xu hướng rút vốn đang diễn ra trên một số quỹ ETF lớn, đặc biệt là 3 quỹ ETF hàng đầu thị trường là Fubon ETF, DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF có tổng quy mô danh mục lên đến gần 50.000 tỷ (~2 tỷ USD).

Theo thống kê, 3 quỹ ETF trên đã bị rút ròng gần 3.300 tỷ đồng từ đầu năm tới nay. Điều này đồng nghĩa với việc hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam đã bị các quỹ này bán ròng, tương ứng phân nửa tổng giá trị bán ròng của toàn bộ nhà đầu tư ngoại trên thị trường.

*Số liệu tháng 9 tính tới thời điểm 13/9

Cụ thể hơn, tính từ đầu năm 2023 đến hết phiên 13/9, quỹ ngoại Fubon ETF đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã bị rút ròng khoảng 13 triệu USD (-312 tỷ đồng). Việc Fubon liên tục rút vốn khỏi TTCK Việt Nam gây nhiều bất ngờ bởi lẽ trong suốt hơn 2 năm đầu tư vào cổ phiếu Việt, quỹ ETF này vẫn được biết đến như “thỏi nam châm” hút vốn, hút ròng đến 570 triệu USD trong cả năm 2022 và thực hiện tới 5 đợt huy động vốn. Xu hướng đảo chiều chỉ bắt đầu được ghi nhận trong khoảng 4 tháng trở lại đây với giá trị ngày một tăng dần.

Số liệu tháng 9 tính tới thời điểm 13/9

Tuy liên tục bị rút ròng song Fubon ETF vẫn tiếp tục phình to, hiện đang là quỹ ETF có quy mô lớn nhất đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam với NAV lên đến 27,4 tỷ TWD (tương đương 20.700 tỷ đồng). Tại ngày 13/9, danh mục cổ phiếu chiếm đến gần 98% NAV trong đó top 10 khoản đầu tư lớn nhất lần lượt là HPG, VHM, VIC, VNM, VCB, MSN, SSI, VRE, DGC, VJC.

Danh mục Fubon ETF tại ngày 13/9/2023

Tương tự, 2 ETF nội lớn nhất thị trường là DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF lần lượt bị rút ròng 1.829 tỷ đồng và 1.130 tỷ đồng luỹ kế từ đầu năm 2023.

DCVFM VNDiamond ETF tham chiếu theo rổ chỉ số VNDiamond gồm toàn cổ phiếu hết room trong khi DCVFM VN30 ETF mô phỏng theo VN30 – nhóm vốn hóa lớn nhất HoSE theo tỷ lệ freefloat. Tại thời điểm 13/9, quy mô danh mục của DCVFM VNDiamond ETF đạt 20.500 tỷ và DCVFM VN30 ETF đạt 8.200 tỷ đồng.

Số liệu tháng 9 tính tới thời điểm 13/9

Điều gì ảnh hưởng đến dòng vốn ETF?

Xu hướng bị rút ròng của các quỹ ETF diễn ra trong bối cảnh tỷ giá leo thang trong thời gian qua. Trong môi trường tỷ giá tăng, khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ e dè hơn trong chiến lược đầu tư do các khoản đầu tư bằng VND nếu quy đổi thành USD “vô tình” bị lỗ.

Theo nhận định của các chuyên gia, tỷ giá sẽ còn gặp khá nhiều áp lực trong giai đoạn cuối năm do chênh lệch lãi suất VND và USD. Nhiều dự báo cho rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ ngừng tăng lãi suất những tháng cuối năm, song xu hướng thắt chặt vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng khi chỉ số lạm phát của Mỹ tăng nhẹ trở lại.

Dù vậy, tỷ giá USD/VND vẫn trong tầm kiểm soát do cán cân thương mại và cán cân tài khoản vãng lai hiện tại của việt Nam duy trì thặng dư. NHNN đã tích cực mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối trong giai đoạn đầu năm 2023. Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào do Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI, dòng tiền kiều hối hỗ trợ giai đoạn cuối năm tăng lên cũng như hoạt động xuất khẩu hồi phục khá tốt. Dòng kiều hối cuối năm và các thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ làm tăng nguồn cung ngoại tệ cho Việt Nam.

Bên cạnh vấn đề tỷ giá, định giá thị trường cũng là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF. VN-Index đã tăng đáng kể từ đáy ngắn hạn. Đà hồi phục mạnh không những đưa điểm số lên vùng đỉnh ngắn hạn mà định giá của chứng khoán Việt Nam đã lên cao đáng kể, P/E của VN-Index hiện đã tăng lên trên 14 lần. Mức định giá này không còn quá hấp dẫn và trở thành một trong những yếu tố có thể sẽ hạn chế dòng tiền vào thị trường thời gian tới, đặc biệt là khối ngoại.

Ở khía cạnh khác, việc bộ đôi ETF của DCVFM bị rút vốn mạnh thời gian gần đây diễn ra khi nhà đầu tư Thái Lan giảm sở hữu qua kênh chứng chỉ lưu ký (DR). Lượng DR dựa trên chứng chỉ quỹ FUEVFVND của DCVFM VNDiamond ETF đã giảm 4,7 triệu đơn vị trong nửa đầu tháng 9 và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng gần 10 tháng. Tương tự, lượng DR dựa trên chứng chỉ quỹ E1VFVN30 của DCVFM VN30 ETF cũng giảm hơn 3 triệu đơn vị và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng hơn 11 tháng.

Tỷ lệ chuyển đổi giữa DR và chứng chỉ quỹ cơ sở là 1:1 đồng nghĩa với việc người Thái đã bán ra lượng lớn 2 chứng chỉ quỹ ETF của Việt Nam thời gian qua. Động thái “xả” hàng này có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến dòng tiền vào bộ đôi ETF của DCVFM tiếp tục suy yếu.

Lượng DR dựa trên chứng chỉ quỹ FUEVFVND (trái) và E1VFVN30 (phải) giảm hàng triệu đơn vị từ đầu tháng 9 tới hết phiên 13/9.

Trong báo cáo mới đây, SSI Research cho biết các quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam đã bị rút ròng hơn 3.400 tỷ đồng trong tháng 8, đây là mức rút ròng theo tháng lớn nhất từ trước đến nay. Hoạt động rút vốn của các quỹ ETF chịu ảnh hưởng mạnh từ tâm lý quản trị rủi ro của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài. Đồng thời, thông thường các giai đoạn tỷ giá USDVND có biến động mạnh cũng là những giai đoạn dòng vốn ETF ghi nhận rút ròng.

Dù vậy, tỷ suất lợi nhuận của các quỹ ETF vẫn ghi nhận mức sinh lời khả quan kể từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, điểm tích cực trong tháng qua là việc quỹ CGS Fullgoal Vietnam 30 Sector Cap ETF với quy mô IPO 25,5 triệu USD đã được niêm yết trên SGX vào ngày 25/8.