Khối ngoại mạnh tay chi 1.300 tỷ đồng "ôm" 25% của 1 DN ngành vận tải ở vùng đỉnh

Indo Trần đã nhiều năm gom góp để nắm giữ cổ phần chi phối tại CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans - mã chứng khoán STG).

Thông tin CTCP Giao nhận và vận chuyển Indo Trần thông báo đăng ký bán bớt hơn 29,47 triệu cổ phiếu STG của CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans) theo phương thức khớp lệnh trực tiếp hoặc giao dịch thỏa thuận thông qua chào mua công khai đã khiến giới đầu tư quan tâm thấy bất ngờ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 19/5 đến 16/6/2023.

Indo Trần thoái vốn tại Sotrans ở vùng đỉnh

Ngay phiên đầu của đợt đăng ký, ngày 19/5/2023, thị trường chứng khoán lại chứng kiến phiên giao dịch trong đó khối ngoại bất ngờ chi 1.300 tỷ đồng gom cổ phiếu STG, khối lượng giao dịch 24,46 triệu đơn vị, giá bình quân 52.520 đồng/cổ phiếu. Bên mua chưa công bố thông tin, tuy nhiên bên bán có thể xác định khả năng lớn toàn bộ số cổ phiếu đó do Indo Trần nhả ra.

Indo Trần là công ty mẹ sở hơn hữu hơn 97,2 triệu cổ phiếu STG tương ứng 98,931% vốn điều lệ của Sotrans trước phiên giao dịch ngày 19/5. Hiện tại Indo Trần cũng chưa báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu STG.

Tuy vậy điều nhà đầu tư quan tâm, là cổ phiếu STG đã tăng 12% từ đầu năm, và đang giao dịch ở vùng đỉnh của nhiều năm trở lại đây. Indo Trần đã chọn thoái vốn ở vùng đỉnh.

Những biến động tại Sotrans từ khi xuất hiện Indo Trần

Biến động lớn nhất tại Sotrans là tháng 7/2015 khi SCIC thoái toàn bộ 47,7% vốn cổ phần cho các nhà đầu tư khác. Ngay sau khi cổ đông nhà nước thoái vốn, giao dịch cổ phiếu STG trở nên sôi động, Indo Trần bắt đầu trở thành cổ đông lớn của Sotrans từ tháng 9/2015 khi mua thêm gần 1,2 triệu cổ phiếu STG, nâng tổng tỷ lệ sở hữu lên 18,9%. Sau đó Indo Trần liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu. Trong một diễn biến khác, tháng 12/2015 Sotrans ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược trong việc phát triển dịch vụ logistics với Indo Trần (ITL).

Cuộc đua tăng tỷ lệ sở hữu tại Sotrans trở nên gay cấn khi cuối 2016 trên đường đua xuất hiện thêm Gelex với tỷ lệ sở hữu gần 25%. Những tháng đầu năm 2017 cả Indo Trần và Gelex liên tục muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu bằng việc gửi đề nghị chào mua công khai. Gelex thắng thế khi nắm giữ 54,8% vốn điều lệ Sotrans vào tháng 5/2017.

Sotrans có gì hấp dẫn

Điểm hấp dẫn của Sotrans lúc đó là hệ thống thành viên đa dạng với 8 công ty con và 7 đơn vị thành viên, trong đó có Tổng CTCP Đường sông Miền Nam (Sowaco) - một ông lớn trong ngành vận chuyển container tại miền Nam. Sowaco còn là doanh nghiệp có lợi thế khi sở hữu cảng Long Bình… Ngoài ra còn sở hữu chi phối cổ phần Vietrastimex – doanh nghiệp chuyên vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng với năng lực lớn, hệ thống kho bãi trải dài từ Hà Nội vào Đà Nẵng, mạng lưới hoạt động trải rộng sang cả lào, Campuchia…

Sotrans lúc đó còn là đơn vị sở hữu 23% vốn cổ phần tại MHC - một doanh nghiệp trong ngành logistics.

Tháng 5/2020 Indo Trần thể hiện tham vọng thâu tóm toàn bộ Sotrans bằng thông báo muốn tăng tỷ lệ sở hữu lên 100% vốn điều lệ Sotrans, công cuộc đàm phán với Gelex Logistics bắt đầu. Tháng 8/2020 Gelex Logistics thoái sạch vốn, Indo Trần nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 96,7%.

Hiện tại Sotrans đang là doanh nghiệp logistics sở hữu nhiều lợi thế lớn.

Điều bất ngờ với giới đầu tư là mới cuối tháng 3/2023 Indo Trần còn đăng ký mua thêm toàn bộ gần 3,2 triệu cổ phiếu STG tự do nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên trọn vẹn 100%, tuy vậy mmới mua được hơn 2,1 triệu cổ phiếu.

Chỉ mấy ngày sau khi mua thêm, indo Trần đã vội bán đi gần 25% vốn điều lệ của Sotrans mới khiến giới đầu tư quan tâm.

Tình hình kinh doanh

Sau khi SCIC thoái vốn, có sự xuất hiện của Indo Trần và Gelex, tình hình kinh doanh của Sotrans khả quan. Doanh thu tăng trưởng mạnh từ mức xấp xỉ 1.000 tỷ đồng năm 2015 đã lên gần 2.900 tỷ đồng vào năm 2021. Năm 2022 vừa qua doanh thu chững lại ở mức hơn 2.600 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế cũng đang từ mức dưới 30 tỷ đồng những năm 2015 về trước, đã nhanh chóng vượt trăm tỷ đồng vào năm 2016 và lên xấp xỉ 250 tỷ đồng năm 2021, 2022 vừa qua, ngoại trừ 2017 lãi đột biến trên 520 tỷ đồng.