Khối ngoại thu hẹp đà bán ròng trong tháng 4

Trong tháng 4, NĐT nước ngoài tiếp tục bán ròng 5.175 tỷ đồng trên toàn thị trường, dù vậy quy mô rút vốn giảm gần một nửa so với tháng trước.

VN-Index đóng cửa tháng 4/2024 tại 1.209,52 điểm, giảm gần 75 điểm, tương đương 5,81% so với cuối tháng 3/2024.

Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường trong tháng 4 đạt 24.405 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân ở mức 24.405 tỷ đồng, giảm 18% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 11,3% so với mức bình quân 3 tháng đầu năm.

Xét theo khung thời gian tháng, tỷ trọng dòng tiền hồi phục từ đáy ở nhóm bất động sản; chạm đỉnh ở nhóm dầu khí, bán lẻ, công nghệ thông tin, hàng không, viễn thông; trong khi giảm về đáy ở các ngành thép, xây dựng, vật liệu xây dựng.

Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index trong tháng 4 có sự góp mặt của nhiều nhóm ngành. Trong đó nhóm ngân hàng với ba đại diện là VCB, MBB, BID, CTG khiến chỉ số đánh mất 15,8 điểm, trong đó "tội đồ" lớn nhất là VCB với hơn 5 điểm. Chiều ngược lại, cùng thuộc nhóm ngân hàng nhưng LPB lại là cổ phiếu có đóng góp tích cực nhất lên thị trường chung với 2,24 điểm.

Trước tín hiệu điều chỉnh của thị trường chung, NĐT nước ngoài tiếp tục bán ròng 5.175 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Trên HOSE , NĐT nước ngoài tiếp tục bán ròng 5.991 tỷ đồng, dù vậy quy mô rút vốn giảm gần một nửa so với tháng trước. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ bán ròng gần 4.980 tỷ đồng.

Thống kê cho thấy khối ngoại bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VHM với quy mô 3.406 tỷ đồng. Việc khối ngoại xả ròng cổ phiếu của Vinhomes đã kéo dài trong 6 tháng qua. Dưới sức ép rút ròng của khối ngoại, VNM có nhịp giảm gần 5% về 40.800 đồng/cp.

Đứng thứ hai trong Top bán ròng là chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 2.199 tỷ đồng. Một chứng chỉ quỹ khác cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh mẽ trong tháng 4 là FUESSVFL với 646 tỷ đồng.

Cùng chiều, khối ngoại cũng bán ròng nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn như MSN (2.114 tỷ đồng), VNM (786 tỷ đồng), VRE (777 tỷ đồng), VIC (517 tỷ đồng), SHB (342 tỷ đồng), STB (324 tỷ đồng) và HPG (147 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Ở phía đối diện, cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới Di động dẫn đầu danh mục top 10 mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Mã này được khối ngoại mua mạnh nhất với giá trị 1.699 tỷ đồng trong tháng.

Liên quan đến giao dịch MWG, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital vừa mua tổng cộng 4,7 triệu cp MWG, nâng tỷ lệ sở hữu lên 6,25% vốn. Giao dịch được thực hiện trong phiên 23/4. Động thái mua vào của Dragon Capital diễn ra sau khi MWG vừa bị loại khỏi rổ chỉ số VN Diamond tại đợt cơ cấu tháng 4. Theo ước tính của SSI Research, các quỹ ETF nội tham chiếu rổ VN Diamond sẽ bán ra gần 48,3 triệu cổ phiếu MWG.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MWG vẫn diễn biến khởi sắc trên thị trường. Thị giá mã này có nhịp tăng hơn 7,4% trong tháng 4 và tiến gần đỉnh 1 năm tại 57.500 đồng/cp.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại MWG cũng tăng lên đáng kể trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Sau nhiều thời gian dài liên tục bán ra, dòng tiền ngoại có xu hướng trở lại gom cổ phiếu của ông lớn ngành bán lẻ. Tính đến hết ngày 26/4, “room ngoại” tại Đầu tư Thế giới Di động ghi nhận gần 46,5%, tương ứng NĐT nước ngoài có thể mua còn gần 37 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu nhóm tài chính ngân hàng cũng nằm trong danh mục rót ròng của khối ngoại như MBB (427 tỷ đồng), VPB (183 tỷ đồng) và HCM (155 tỷ đồng). Mặt khác, dòng tiền nước ngoài còn tìm đến mã SBT (301 tỷ đồng), KDH (217 tỷ đồng), NLG (181 tỷ đồng), DPG (178 tỷ đồng), VPD (161 tỷ đồng).

Trên sàn HNX , khối ngoại mua ròng gần 857 tỷ đồng. Cụ thể, nhóm này rót ròng hơn 686,7 tỷ đồng gom cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam.

Cùng chiều, IDC cũng được mua ròng với quy mô gần 96,1 tỷ đồng. Danh mục mua ròng còn có sự góp mặt của BVS, LAS, MBS, ... với giá trị 40 – 50 tỷ đồng.

Ở phía đối diện, khối ngoại tập trung bán ròng 34,6 tỷ đồng ở cổ phiếu SHS, theo sau là 20,3 tỷ đồng mã TIG. Ngoài ra, nước ngoài cũng rút ròng các cổ phiếu như TA9, IVS, PLC, ... với giá trị dưới 15 tỷ đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Tại thị trường UPCoM , khối ngoại bán ròng hơn 41 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất 127,5 tỷ đồng ở cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn. Theo sau là các giao dịch bán ròng các cổ phiếu VEA (48,3 tỷ đồng), MCH (17,5 tỷ đồng), VGI (12,7 tỷ đồng) và NTC (11,2 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP dẫn đầu với quy mô hơn 60,9 tỷ đồng. Cùng chiều, nhà đầu tư nước ngoài cũng gom ròng 42,9 tỷ đồng mã DDV và các giao dịch tương tự với quy mô thấp hơn như VGT, QNS và LTG.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Thu Thảo

https://vietnambiz.vn/khoi-ngoai-thu-hep-da-ban-rong-trong-thang-4-202443019124190.htm